Thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Gia tăng sự chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế

ThS. ĐẶNG THỊ HÀN NI

Dư luận vừa qua “nóng” lên với thông tin ngân sách nhà nước đối mặt với nhiều khó khăn, thu không đủ chi và cũng đặt câu hỏi về việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đẩy mạnh thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là 10 doanh nghiệp lớn. Các câu hỏi ngân sách nhà nước có bị thâm hụt hay không hay mục tiêu của thoái vốn để làm gì… sẽ được phân tích qua bài viết này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thu hồi nợ đọng đã đủ cân đối ngân sách

Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2015. Theo các chuyên gia tài chính, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ đạt mức khá, tăng khoảng 6,5 – 6,6%. Thu ngân sách từ cơ sở kinh doanh trong điều kiện lạm phát thấp, thuế nội địa lại tăng khá, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN đều tăng. Tính chung, các sắc thuế cơ bản tăng khoảng 15 – 16% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, ngân sách năm nay sẽ đạt và vượt dự toán. Tuy nhiên, dư luận vẫn lo lắng tình hình nợ công lớn, hoạt động thu không đủ chi. Trước vấn đề này, thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, ngân sách địa phương tăng, thuế nội địa tăng, vượt 47.000 tỷ đồng nhưng do ngân sách trung ương giảm khoảng 46.000 tỷ đồng (nguồn thu lớn nhất là thu từ dầu khí, dầu thô nhưng do giá dầu thô tính dự toán năm nay tính chung 100 USD/thùng mà thực tế chỉ 55 USD/thùng nên thu từ dầu và khí giảm), các khoản tăng ngân sách địa phương đã bù lại cho ngân sách trung ương được 17.000 tỷ đồng nên phần khó là chỉ khó ở thu ngân sách trung ương, còn thu ngân sách địa phương vẫn vượt chỉ tiêu.

Rõ ràng, cái khó là có nhưng có thể xử lý được. Để giải quyết bài toán khó nhằm bù đắp phần thiếu hụt của ngân sách trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài Chính giải quyết tập trung vào nhiều việc, trong đó là phải cố gắng xử lý nợ đọng và kiểm tra nợ đọng, tăng thanh kiểm tra. Việc thu hồi nợ đã đủ để bù đắp khoản thiếu hụt ở ngân sách trung ương mà không cần phải “bán” tài sản để bù đắp như dư luận lo lắng bởi hiện nay số nợ đọng là rất lớn, đến 76.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 34.000 tỷ đồng. Xét về kỹ thuật thì Trung ương được ½ số tiền thu đó là 17.000 tỷ đồng, tuy vẫn còn thiếu, nhưng có thể sử dụng bước thứ hai là kiểm tra nợ đọng, tăng thanh tra, kiểm tra. Bộ Tài chính đang chỉ đạo tập trung kiểm tra nghĩa vụ nợ, nộp thuế, nộp sau thuế, cổ tức của Nhà nước ở các DN... Bộ Tài chính tập trung thu phần đã có kết luận thanh tra, kiểm tra được 8.000 tỷ đồng. Đồng thời, tăng thu năm nay khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng nữa là hoàn toàn khả thi, từ đó, đảm bảo được nhiệm vụ thu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khi giải quyết được phần thiếu của ngân sách trung ương sẽ đảm bảo đạt chỉ tiêu ngân sách toàn quốc. Đó là chưa kể, việc tiết kiệm chi cũng góp phần cân đối ngân sách. Riêng trong năm 2015, các bộ phải giữ lại 10% chi thường xuyên theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để chi tiền lương, lập dự phòng ngân sách, bù thu, đảm bảo an toàn cho phát triển.

Do vậy, việc đòi nợ để giải quyết bài toán khó khăn của ngân sách được áp dụng đầu tiên và đủ bù vào số hụt ngân sách. Điều đó để thấy rằng, việc thoái vốn ở các DNNN không phải là vì thiếu hụt ngân sách. Việc tái cơ cấu, đổi mới DNNN (bao gồm: CPH, sắp xếp tái cấu trúc, thoái vốn…) là một chủ trương lớn, có từ trước. Tái cơ cấu DNNN ban đầu là nhằm mục tiêu nâng “chất” DN, tìm người giỏi để điều hành, “cắt sữa” những đứa con chuyên dùng bầu sữa ngân sách.

Gia tăng sự chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế - Ảnh 1

Riêng việc thoái vốn, kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011, hoạt động thoái vốn trong 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính - ngân hàng, bất động sản) đã được triển khai quyết liệt. Cụ thể, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm mà các tập đoàn kinh tế, tổng Công ty nhà nước cần phải thoái là hơn 23.300 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2015 đã thoái được 9.866 tỷ đồng (đạt 42%), sau đó đầu tư thêm 4.538 tỷ đồng (do chia cổ tức bằng cổ phiếu). Như vậy, đến cuối năm 2015 số còn lại phải thoái vốn là 16.193 tỷ đồng (do một số đơn vị điều chỉnh lại đề án tái cơ cấu nên số phải thoái giảm 1.731 tỷ đồng).

Ngày nay, việc tái cơ cấu DNNN không chỉ là việc tinh lọc, chấn chỉnh nội bộ mà còn đáp ứng xu thế của thời đại, hội nhập kinh tế quốc tế. Khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương; Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với quy định rất chặt chẽ, thì yêu cầu đặt ra với DNNN là phải từ bỏ ưu đãi, tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần DN trong nền kinh tế. Ngoài ra, tái cơ cấu DNNN còn góp phần chuyên môn hóa của bộ máy hành chính Nhà nước.

Thoái vốn: Cuộc chơi bình đẳng

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã quyết định thoái vốn toàn bộ ở 10 DN được coi là đang “làm nên ăn ra”, khiến cho dư luận không khỏi hoài nghi về việc ngân sách “kẹt tiền”. Nhiều người cho rằng, đây là một tiền lệ chưa từng có trong triển khai thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp, tái cấu trúc DNNN. Do lâu nay Nhà nước ưu tiên cổ phần hóa, thoái vốn ở những DN quản trị kém, làm ăn thua lỗ nhằm đưa tư nhân vào, thổi luồng gió mới cho DN phát triển. Điều đó hình thành nên cách nghĩ thoái vốn chỉ ở những DN làm ăn thua lỗ và vì vậy khi có quyết định thoái vốn ở những “đại gia” đang phát đạt trong lúc giá dầu thế giới giảm làm cho số thu ngân sách giảm khiến mọi người nghĩ đây là giải pháp bù thu.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc thoái vốn toàn bộ những DN lớn có sức tác động đến tâm lý các nhà đầu tư thế giới. Đó chính là thông điệp gửi đến bạn bè quốc tế là Việt Nam sẵn sàng gia nhập sân chơi bình đẳng, không còn sự can thiệp của Nhà nước, để thị trường tự điều chỉnh. Điều đó khẳng hiện tính nhất quán, kiên định của Nhà nước không tham gia vào các lĩnh vực kinh tế không cần nắm giữ.

Do vậy, có thể xem xét việc thoái vốn DNNN là việc Nhà nước Việt Nam quyết tâm chuẩn bị cho cuộc chơi hội nhập kinh tế thế giới, ở 2 góc độ sau:

Đưa thị trường về đúng nghĩa thị trường

Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế thị trường hòa nhập với nền kinh tế thị trường thế giới thì để xây dựng một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh đòi hỏi mọi thành phần kinh tế phải bình đẳng. Khi Nhà nước vừa tham gia làm kinh tế trên thị trường, vừa quản lý, điều tiết nền kinh tế thì chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tính khách quan, công bằng sẽ không được đảm bảo. Do vậy, Nhà nước rút ra khỏi hoạt động kinh doanh trên thị trường là điều cần thiết.

Thoái vốn nhà nước ra khỏi những lĩnh vực mà Nhà nước không cần chi phối, quản lý cũng là cách hỗ trợ cho khối tư nhân được bình đẳng phát triển. Bởi nếu để DNNN cùng tham gia thị trường thì chắc hẳn sẽ có sự đối xử phân biệt giữa DN “con cưng” với các DN khác, gây ra bất bình đẳng. Đó là chưa kể sẽ khiến cho hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của chúng ta gặp khó khăn vì các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng và sự can thiệp bằng quan hệ, bằng chính sách có thể xảy ra trong hoạt động điều hành của Nhà nước.

Việt rút vốn nhà nước ra khỏi thị trường thể hiện cam kết tái cấu trúc khu vực DNNN của Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định Thương mại tự do đã và đang trong quá trình đàm phán, ký kết. Việt Nam đang quyết tâm hội nhập vì lợi ích quốc gia. Theo Luật Quản lý vốn đầu tư Nhà nước tại các DN, Nhà nước chỉ thành lập DN 100% vốn Nhà nước ở một số lĩnh vực: dịch vụ công cộng, công nghiệp quốc phòng, khai thác vệ tinh… và một số lĩnh vực cần thiết mà các thành phần kinh tế khác không làm (như vốn lớn, thu hồi vốn chậm, địa bàn quá rộng…). Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy Nhà nước chỉ quản lý, điều hành nền kinh tế, còn thị trường để cho thị trường quyết định.

Chuyên môn hóa hoạt động quản lý Nhà nước

Việc dần rút vốn ra khỏi nền kinh tế của Nhà nước Việt Nam thời điểm hiện nay là phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc rút vốn diễn ra chậm có nguyên nhân hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua thực hiện chưa đạt kết quả mong muốn. Kế hoạch trong năm 2015 cả nước phải cổ phần hóa hơn 400 DN, nhưng đến nay việc thực hiện là chậm trễ. Những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ thì nên sớm rút lui, để cho tư nhân được tham gia, tạo sự công bằng và minh bạch hơn cho nền kinh tế.

Thoái vốn nơi nào, ở DN lỗ hay lãi không quan trọng, bởi theo tiến trình thì Nhà nước sẽ từng bước rút vốn ra khỏi thị trường. Vấn đề quan trọng là ở chỗ, phải minh bạch, tạo cơ chế giám sát để hoạt động thoái vốn, định giá, bán cổ phần được chính xác, đúng giá trị. Chẳng hạn, câu chuyện xác định giá trị thương hiệu là câu chuyện khó, mà lợi ích giá trị thương hiệu mang lại đôi khi gấp trăm lần tài sản vật chất của DN. Nếu không có quy định rõ ràng, giám sát chặt chẽ thì “tài sản vô hình” này rất dễ bị bị lợi dụng, thao túng.

Khi tiến hành thoái vốn thì chắc chắn Nhà nước sẽ thu hồi một khoản tiền không nhỏ. Người dân sẽ không phải băn khoăn “tiền đó để làm gì?”, vì tiền đó là tiền của Nhà nước, nằm trong ngân sách thì hoạt động chi sẽ theo đúng luật ngân sách. Nhà nước sẽ có thêm tiền chắc hẳn để đầu tư cho hạ tầng, an sinh xã hội, phục vụ nhân dân...

Mặt khác, việc Nhà nước rút ra khỏi hoạt động đầu tư kinh doanh thì sẽ tập trung chuyên môn vào công tác quản lý Nhà nước. Khi bộ máy chỉ tập trung vào đúng chuyên môn thì sẽ chuyên nghiệp hơn.

Nhà nước phải đóng vai trò người dẫn dắt cuộc chơi trong cơ chế thị trường. Nhà nước phải thực hiện đúng nghĩa là người quản lý nền kinh tế dưới góc độ hành chính, chứ không nên trực tiếp kinh doanh. Việc Nhà nước tham gia kinh doanh, đi tìm lợi nhuận tài chính từ thị trường thì sẽ không thu được nhiều mà sẽ làm méo mó thị trường. Do vậy, Nhà nước chỉ nên tập trung vào công tác quản lý, xây dựng ra cơ chế chính sách phù hợp, tạo môi trường thông thoáng để DN cạnh tranh bình đẳng. Khi nền kinh tế có sự cạnh tranh thì giá cả cũng sẽ giảm, người dân được lợi, đồng thời, DN làm ăn hiệu quả thì nhà nước cũng thu thuế được nhiều hơn. Đó mới chính là lợi ích bền vững của một quốc gia.