Giải đáp cơ chế đặc thù với Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn
Bộ Tài chính giải đáp kiến nghị của Cử tri tỉnh Lạng Sơn về cơ chế chính sách đặc thù và hỗ trợ đầu tư để phát triển nhanh Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Về cơ chế chính sách đặc thù và hỗ trợ đầu tư để phát triển nhanh Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn: Đề nghị cho phép trong giai đoạn 2017-2020, áp dụng cơ chế hàng năm dành khoảng 70% số vượt thu từ thuế xuất nhập khẩu, khoảng 30-50% số thu từ thuế xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh để đầu tư hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, nâng cao năng lực thông quan, xây dựng biên giới vững mạnh.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tại Công văn số 849/BTC-NSNN ngày 18/01/2017.
Thực hiện Nghị quyết số 14/2011/QH13 ngày 10/11/2011 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2012: Đầu tư trở lại không quá 30% số vượt thu so với dự toán thu hàng năm nhưng dự toán thu phải cao hơn số thực hiện thu năm trước đối với số thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa thông quan tại cửa khẩu quốc tế đường bộ. Chính phủ dự kiến phương án phân bổ và sử dụng hợp lý, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhưng không quá 200 tỷ đồng/năm đối với một địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu kinh tế cửa khẩu trong giai đoạn 2012-2015 theo Đề án đầu tư được Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2012 đến năm 2015, Tỉnh được đầu tư trở lại 30% số vượt thu thuế xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ là 307.685 triệu đồng, trong đó: Năm 2013 là 34.147 triệu đồng, năm 2014 là 198.468 triệu đồng, năm 2015 là 75.070 triệu đồng.
Theo quy định của Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017), khoản thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là khoản thu NSTW hưởng 100%. Mặt khác Luật NSNN năm 2015 chỉ quy định việc thưởng vượt dự toán đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách (khoản 4 Điều 59). Vì vậy, đề nghị của Tỉnh không thực hiện được.