Bộ Tài chính giải đáp chính sách tài chính với Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo
Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu, có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn cho Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo.
Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị:
"Theo Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg ngày 01/12/2005 ban hành Quy chế Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt (KKT-TM-ĐB) Lao Bảo với nhiều chính sách ưu đãi đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào KKT-TM-ĐB Lao Bảo.
Tuy nhiên, ngày 26/11/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) và sau đó Bộ Tài chính có Thông tư số 109/2014/TT-BTC ngày 15/8/2014 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định trên, Việc ban hành 2 văn bản nêu trên làm cho KKT-TM-ĐB Lao Bảo không còn được ưu đãi như trước, từ đó các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể lâm vào tình trạng khó khăn, mất lòng tin vào chính sách thu hút đầu tư.
Hiện nay, tại KKT-TM-ĐB Lao Bảo có 425 doanh nghiệp, 67 dự án đầu tư và trên 3000 hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính nghiên cứu, có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn cho KKT-TM-ĐB Lao Bảo."
Trả lời vấn đề này, ngày 18/01/2017, Bộ tài chính đã có Công văn số 847/BTC-CST giải đáp ý kiến cử tri tỉnh Quảng Trị:
Ngày 1/12/2005, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 11/2005/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế KKT-TM-ĐB Lao Bảo, ngoài các ưu đãi tài chính theo quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm đó, thì KKT-TM-ĐB Lao Bảo được áp dụng thí điểm một số cơ chế quản lý kinh tế mới khi chưa có điều kiện thực hiện trên phạm vi cả nước.
Ngày 2/3/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ban hành cơ chế chính sách tài chính đối với KKTCK; Ngày 10/7/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 21 Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg.
Theo đó, cơ chế, chính sách tài chính của các KKTCK về cơ bản được thực hiện theo Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg. Riêng đối với một số KKTCK được áp dụng một số chính sách đặc thù quy định tại từng Quyết định riêng về quy chế hoạt động từng khu, trong đó có KKT-TM-ĐB Lao Bảo.
Nhìn chung hệ thống cơ chế, chính sách tài chính thời gian này đã tác động tích cực đến hoạt động phát triển thương mại, du lịch, giao lưu kinh tế, gia tăng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, góp phần đóng góp vào nguồn thu ngân sách, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách tài chính các KKTCK theo Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg và quy chế hoạt động của một số Khu đặc thù đã bộc lộ hạn chế, cần khắc phục để đáp ứng nhiệm vụ, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phát triển mối quan hệ hữu nghị, ổn định, bền vững giữa nước ta với các nước giáp biên; hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại.
Trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập như:
Chính sách ưu đãi thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hàng hóa xuất khẩu từ nội địa Việt Nam và các Khu chức năng khác trong KKTCK vào Khu phi thuế quan bị lợi dụng để gian lận thương mại; ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; quy định phí, lệ phí và chính sách khai thác, sử dụng công trình hạ tầng KKTCK không còn phù hợp với thực tế và quy định hiện hành.
Vì vậy, ngày 26/11/2013 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ban hành cơ chế chính sách tài chính đối với KKTCK (thay thế Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg và các quy định về tài chính tại các Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ về từng Khu).
Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg và Thông tư số 109/2014/TT-BTC được ban hành nhằm tăng cường quản lý đối với hàng hóa kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, gian lận thương mại nên đã đạt hiệu quả trong việc giảm số lượng các mặt hàng nhập khẩu có khả năng gian lận cao như rượu bia, thuốc lá, mỹ phẩm....
Theo đó, hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài và từ nội địa Việt Nam xuất khẩu vào khu phi thuế quan thuộc KKTCK được quy định chặt chẽ hơn, ví dụ:
- Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào KKTCK được áp dụng như hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào nội địa Việt Nam.
- Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc KKTCK phải chịu thuế ngay khi nhập khẩu, trừ hàng hoá nhập khẩu để thực hiện dự án đầu tư là loại hình cơ quan hải quan quản lý được theo dự án.
- Hàng hoá từ khu phi thuế quan thuộc KKTCK đưa vào nội địa Việt Nam phải chịu thuế theo quy định.
- Hàng hoá xuất khẩu từ nội địa Việt Nam vào khu phi thuế quan có hàng rào cứng được áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0% theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành, trừ các trường hợp không áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật thuế GTGT; đồng thời áp dụng Danh mục hàng hoá kiểm tra trước khi hoàn thuế GTGT (gồm các mặt hàng: Cát xây dựng; Đá, sỏi; Gạch đất nung; Xi măng; Sắt, thép xây dựng) quy định tại phần II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 109/2014/TT-BTC.
- Hàng hoá xuất khẩu từ nội địa Việt Nam vào khu phi thuế quan không có hàng rào cứng (gồm: Khu KT-TM ĐB Lao Bảo và Khu KTCK QT Cầu Treo): được áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0% theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành, trừ: Các trường hợp không áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật thuế GTGT; Hàng hoá thuộc Danh mục không thực hiện thủ tục hải quan khi xuất khẩu từ nội địa Việt Nam vào khu phi thuế quan quy định tại phần I Phụ lục I Thông tư số 109/2014/TT-BTC. Đồng thời áp dụng Danh mục hàng hoá kiểm tra trước khi hoàn thuế GTGT (gồm tất cả các loại hàng hoá, trừ điện và nước sạch) theo quy định tại phần II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 109/2014/TT-BTC.
Ngày 09/6/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới và giao Bộ Tài chính: “Phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/ 2013 quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu, bãi bỏ những quy định về ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu hiện đang bị lợi dụng để gian lận thương mại gây thất thu cho ngân sách nhà nước trước ngày 31/7/2015”.
Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 142/TTr-BTC ngày 29/9/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg.
Ngày 19/11/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn số 9681/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về Tờ trình số 142/TTr-BTC của Bộ Tài chính như sau: “Trước mắt chưa sửa đổi Khoản 4 Điều 10 và bổ sung Điều 20 Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg. Sau khi Quốc hội thông qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và địa phương, cơ quan liên quan rà soát kỹ các quy định về cơ chế, chính sách tài chính đối với KKTCK tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các nội dung cần thiết, phù hợp với Luật thuế xuất nhập, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan, nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các KKTCK, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để buôn lậu, gian lận thương mại”.
Ngày 6/4/2016, Quốc hội đã ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13. Theo đó, kể từ ngày 1/9/2016 (ngày có hiệu lực của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13), KKT-TM-ĐB Lao Bảo - tỉnh Quảng Trị và KKTCK quốc tế Cầu Treo - tỉnh Hà Tĩnh đều không đảm bảo quy định về khu phi thuế quan theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nên không được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg mà áp dụng chính sách tài chính đối với Khu kinh tế cửa khẩu theo quy định của pháp luật thuế hiện hành. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư thực hiện trước ngày 01/9/2016 tại KKT-TM-ĐB Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị và KKTCK quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh được tiếp tục thực hiện ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg cho thời gian còn lại của dự án.
Như vậy, chính sách tài chính đối với KKTCK đã được thay đổi để phù hợp từng thời kỳ phát triển kinh tế của đất nước trong từng giai đoạn với mục tiêu khuyến khích phát triển và thu hút các dự án đầu tư tại KKTCK, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, kinh tế Vùng theo hướng bền vững, đồng thời hạn chế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.