Giai đoạn thử việc, người lao động có bị trừ thuế thu nhập cá nhân?


Khấu trừ thuế thu nhập cá nhân áp dụng với nhiều loại thu nhập. Không ít người lao động thắc mắc trong giai đoạn thử việc, có bị khấu trừ thuế này hay không?

Trong thời gian thử việc, người thử việc nhận được tiền lương phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa)
Trong thời gian thử việc, người thử việc nhận được tiền lương phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa)

Tại khoản 2 Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công được xác định là đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Trong thời gian thử việc, người thử việc nhận được tiền lương phải chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật.

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định rằng, các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên, thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Như vậy, nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động có ký hợp đồng thử việc hoặc có thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động dưới 3 tháng, trong đó, tổng tiền lương trả cho người lao động từ 2 triệu đồng trở lên/lần, thì doanh nghiệp được phép khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân trước khi trả cho người lao động.

Ngoài ra, căn cứ Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản như khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn.

Nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Mức chi cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, các Hội không quá mức hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các tổ chức khác, mức chi do thủ trưởng đơn vị thống nhất với chủ tịch công đoàn quyết định nhưng tối đa không vượt quá mức áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Căn cứ quy định trên, các khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa, ăn trưa ca cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn hoặc chi tiền nhưng không quá mức quy định thì sẽ không phải chịu thuế thu nhập.

Theo Báo Công Thương