Giải Nobel kinh tế 2022: Lại là người Mỹ!

Theo Trương Khắc Trà/diendandoanhnghiep.vn

Từ năm 1969 đến nay, người Mỹ vô đối trong hạng mục Nobel kinh tế, điều đó hoàn toàn trùng khớp với sự thịnh vượng của đất nước này.

Người Mỹ thống trị lịch sử giải Nobel Kinh tế
Người Mỹ thống trị lịch sử giải Nobel Kinh tế

Sẽ là thừa thãi nếu đặt câu hỏi: Vì sao nước Mỹ thịnh vượng? Rất khó tập hợp đủ đầy bằng chứng để chứng minh điều đó, cho dù có hàng vạn cuốn sách biên khảo có mặt trong các thư viện lớn nhỏ khắp thế giới. Điều thú vị là ai cũng có thể có chút hiểu biết để nói về đất nước này. Nước Mỹ giàu nhờ bóc lột thuộc địa, kích động chiến tranh, bán vũ khí và thu vén lợi ích “địa chính trị” khổng lồ khi phần còn lại tiêu điều qua hai trận thế chiến; Nước Mỹ giàu nhờ chất xám dồi dào,… quan điểm nào cũng có lý.

Kỳ trao giải Nobel 2022 - giải thưởng nghiên cứu khoa học danh giá bậc nhất do Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển chủ trì lại chứng kiến sự thống trị của người Mỹ trong lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết kinh tế, lần này 3 nhà khoa học được vinh danh là cựu Chủ tịch Fed và hai giáo sư Đại học Michigan, Washington.

Từ khi giải Nobel kinh tế được trao lần đầu vào năm 1969 đến nay có 61 nhà khoa học người Mỹ được vinh danh, bên cạnh một số cá nhân đến từ các quốc gia Tây Âu. Ấn Độ và Israel là hai quốc gia châu Á duy nhất có tác giả được trao Nobel kinh tế.

Thành tựu khoa học là minh chứng cho sự khả năng của nước Mỹ, góp phần giải thích vì sao hơn 100 năm nay nước Mỹ ngự trị trên đỉnh cao nhân loại. Tại sao USD mạnh? Tại sao Mỹ là quốc gia có thể làm lành rất nhanh các vết thương suy thoái, khủng hoảng?

Và xa hơn, điều đó giúp cho chúng ta hiểu nguồn lực để Mỹ có thể triển khai các hoạt động quân sự, can thiệp, viện trợ và cấm vận bất cứ quốc gia nào mà họ cho rằng “phản lại tiến bộ chung”, “xâm phạm lợi ích Mỹ”. Khoa học nói chung và khoa học kinh tế nói riêng là một loại sức mạnh rất khó bị đánh đổ.

Thứ nhất, nước Mỹ với những đặc trưng của nó đã thu hút chất xám của nhân loại, bất cứ chủng người nào cũng có thể bắt gặp tại “xứ cờ hoa”, từ người châu Phi xa xôi, đến châu Á, châu Âu, châu Đại Dương,…

Dù da trắng hay da màu, người di cư đến Mỹ đều mang theo khát vọng đổi đời, thoát khỏi nghèo hèn, rũ bỏ kìm kẹp về tư tưởng, quan điểm mà chính tại quê cha đất tổ không có môi trường lý tưởng để biểu đạt.

Alber Einstein và người Do thái là trường hợp điển hình, hành trình chạy trốn nạn diệt chủng đã đưa họ đến Mỹ từ giữa thế kỷ 17. Không thể thống kê hết số lượng người Do thái là doanh gia, khoa học gia đóng góp cho nước Mỹ.

Trong giai tầng tinh hoa chính trị có rất nhiều Tổng thống gốc Do thái như: Roosevelt, Truman, Wilson, Carter, Clinton, Obama. Hiện tượng trên đã bao hàm trong đó tính ưu việt của luật pháp, thể chế, môi trường làm việc, giáo dục, đào tạo, nền dân chủ kiểu Mỹ.

Thứ hai, khoa học kỹ thuật là nền tảng sâu xa để đạt được thịnh vượng, khi trở nên thịnh vượng lại có nguồn lực đầu tư cho khoa học kỹ thuật. Trong trường hợp này, khoa học giúp cho nước Mỹ trở thành trung tâm của thế giới về kinh tế.

Nghĩa là mọi biến động nhỏ nhất đều lan ra từ Mỹ và ảnh hưởng khắp nơi, cũng là nơi tiên phong áp dụng lý thuyết mới, phương thức sản xuất mới, dù thành công hay thất bại thì đều là môi trường tuyệt vời để chắt lọc kinh nghiệm.

Một trong 3 chủ nhân giải Nobel kinh tế 2022 là cựu Chủ tịch FED, lật lại cuộc khủng hoảng thừa 1929 -1933 xảy ra tại Mỹ, từ đó phát hiện vai trò của ngân hàng, của dòng tiền đối với khủng hoảng kinh tế; mặc dù nguyên nhân trực tiếp gây ra đại suy thoái do thừa hàng hóa quy mô lớn.

Không nơi nào phát triển bền vững như Mỹ nhưng cũng ít có nơi nào khủng hoảng nhiều và trầm trọng như Mỹ. Cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, giới tư bản lại mạnh thêm, nhờ phát hiện lỗ hổng trong cấu trúc kinh tế chính trị.

Ở góc độ phương pháp, giải Nobel kinh tế chính là miếng vá cho “chiếc tàu bị thủng”. Tính lý luận của nó giúp các nhà quản trị sửa lỗi trong hoạt động điều tiết vĩ mô. Bernanke đưa ra khuyến cáo rất giá trị “ngăn ngừa không để ngân hàng phá sản”.