Giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững vốn tự nhiên ở Việt Nam


Vốn tự nhiên là nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và các dịch vụ hệ sinh thái, là nền tảng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong thời gian qua chỉ ít quan tâm đến bảo tồn vốn tự nhiên. Điều này tiềm ẩn những rủi ro, thách thức tác động đến hệ sinh thái môi trường trong tương lai. Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bổ sung nội dung thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên cho phát triển bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Trong thời gian qua, mô hình tăng trưởng chỉ tập trung tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính mà chưa quan tâm tới sự suy giảm, cạn kiệt của vốn tự nhiên. Tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia cần có các giải pháp bảo tồn và sử dụng các nguồn vốn tự nhiên hiệu quả.

Phát triển kinh tế bền vững thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải cácbon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng phát triển mới.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi năm 2020) đã bổ sung nội dung về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường, trong đó, nêu rõ thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiênp; Đồng thời, bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường.

Khái niệm, nội hàm của vốn tự nhiên

Theo Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc - UNDP (2012), vốn tự nhiên theo các thành phần cụ thể bao gồm đất đai, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, năng lượng mặt trời, nước, quần thể sinh vật sống và các dịch vụ được tạo ra bởi quá trình tương tác giữa tất cả các yếu tố này trong các hệ sinh thái (HST).

Giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững vốn tự nhiên ở Việt Nam - Ảnh 1

Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) cho rằng, vốn tự nhiên là các tài sản của thiên nhiên được sử dụng để phục vụ sản xuất và tiêu dùng, bao gồm sinh vật và các cấu phần vật chất của tự nhiên, như đất, nước, khoáng sản và các nguyên liệu hóa thạch.

Hàng hóa và dịch vụ được cung cấp từ nguồn vốn tự nhiên có giá trị quan trọng cho đời sống và sự phát triển của con người, như lương thực, nước, không khí, các dịch vụ văn hóa, tinh thần và hỗ trợ điều tiết chu trình sinh địa hóa.

Do đó, vốn tự nhiên là nền tảng cho các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh sinh thái hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo các nhà nghiên cứu kinh tế sinh thái, vốn tự nhiên là khái niệm mở rộng khái niệm vốn truyền thống trong kinh tế đến hàng hóa và dịch vụ môi trường sinh thái.

Như vậy, nội hàm của vốn tự nhiên bao gồm sinh vật (động vật và thực vật), các cấu phần vật chất của tự nhiên như đất, nước, khoáng sản mà khi đem sử dụng mang lại giá trị gia tăng, đồng thời bảo toàn được giá trị của chính mình. Để đảm bảo các dịch vụ HST tiếp tục duy trì phúc lợi xã hội và cuộc sống của con người, tài sản vốn tự nhiên cơ bản phải được bảo tồn.

Nói cách khác, nếu vốn tự nhiên được quản lý, khai thác và sử dụng phù hợp thì lượng thu nhập tự nhiên sẽ bền vững theo thời gian. Việc hài hòa giữa vốn tự nhiên, vốn con người, vật chất và xã hội sẽ góp phần tăng năng lực sản xuất.

Theo Nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (2012), cứ 1 USD đầu tư vào các nỗ lực bảo tồn sẽ mang lại một giá trị kinh tế - xã hội của các HST trị giá trên 100 USD. Do vậy, cần quản lý tốt hơn nguồn vốn tự nhiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Quản lý bền vững nguồn vốn tự nhiên là thiết yếu để đạt được mục tiêu về tăng trưởng xanh ở các lĩnh vực khác nhau. Các cấu phần của vốn tự nhiên không thể đứng riêng biệt, mà cần được xem xét trong quá trình phát triển của nền kinh tế.

Tiềm năng vốn tự nhiên của Việt Nam

Việt Nam có vị trí chiến lược rất quan trọng trong khu vực và trên thế giới, là cầu nối vùng kinh tế biển rộng lớn với vùng kinh tế lục địa châu Á. Tài nguyên thiên nhiên phong phú và có nhiều tiềm năng để khai thác, sử dụng như: Tài nguyên khí hậu, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên biển và đa dạng sinh học.

- Tài nguyên đất: Thống kê cho thấy, đến ngày 31/12/2017, cả nước có 33.123,6 nghìn ha, diện tích đất đã được sử dụng vào các mục đích chiếm hơn 93% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, nhóm đất sản xuất nông nghiệp là 11508,0 nghìn ha (chiếm 34,74% tổng diện tích tự nhiên), đất lâm nghiệp 14910,5 nghìn ha (chiếm 45,01% tổng diện tích tự nhiên), đất chuyên dùng là 1875,3 nghìn ha (chiếm 5,66% tổng diện tích đất tự nhiên); và 714,9 nghìn ha đất ở.

- Tài nguyên nước: Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước với tổng diện tích trên 1,167 triệu km2. Trong đó có 33 lưu vực sông lớn, liên tỉnh, với 3.140 sông (chiếm 91% số lượng sông của cả nước), tổng diện tích lưu vực khoảng 306,44 nghìn km2, bằng 92,6% diện tích đất liền của nước ta. Tổng trữ lượng động của nước dưới đất trên toàn lãnh thổ, chưa kể phần hải đảo, khoảng 2.000 m3/s (khoảng 63 tỷ m3/năm).

- Tài nguyên sinh thái: Sự đa dạng về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu của Việt Nam đã tạo ra sự đa dạng của các HST tự nhiên, bao gồm rừng, biển, đất ngập nước và sự giàu có, phong phú về các loài và nguồn gen sinh vật. Việt Nam có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới; 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới; 8 khu Ramsar và 5 Vườn Di sản.

Việt Nam cũng là quốc gia có đa dạng sinh học cao về các loài động, thực vật và sinh vật. Theo thống kê, đến nay trong thiên nhiên có tới 7,5 nhìn loài vi sinh vật, 16,4 nghìn loài thực vật, 10,3 nghìn loài động vật trên cạn, 2 nghìn loài thủy sinh nước ngọt, trên 11 nghìn loài sinh vật biển.

- Tài nguyên không tái tạo: Việt Nam đã phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau, có một số loại khoáng sản quy mô trữ lớn, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

- Tài nguyên tái tạo: Việt Nam có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có gồm: Thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời, và năng lượng địa nhiệt.

Một số hạn chế trong sử dụng vốn tự nhiên ở Việt Nam

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu vào các cam kết quốc tế về môi trường, biến đổi khí hậu... đòi hỏi cần phải có cách tiếp cận phù hợp để đưa tài nguyên thiên nhiên thành động lực cho sự phát triển, giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất hiện nay là nguồn lực tài nguyên chưa được sử dụng có hiệu quả cao, còn tình trạng lãng phí, thất thoát và diễn biến phức tạp do cơ chế thị trường.

Việc thực hiện chính sách tích tụ ruộng đất, “dồn điền đổi thửa” còn chậm; tình trạng suy thoái tài nguyên đất diễn ra khá phổ biến, xuất khẩu khoáng sản thô, công nghệ khai thác, chế biến ít có hàm lượng công nghệ.

Khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa bền vững. Đa dạng sinh học suy giảm, các HST tự nhiên quan trọng như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển... đứng trước tình trạng suy thoái, chưa được khôi phục; Chưa phát huy được các lợi thế tài nguyên và môi trường biển mang lại, suy thoái nghiêm trọng tài nguyên biển và vùng bờ biển, nguồn lợi thủy sản bị đánh bắt cạn kiệt…

Giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững vốn tự nhiên ở Việt Nam

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đề ra các ưu tiên sử dụng hiệu quả và bảo tồn nguồn vốn tự nhiên.

Theo đó, Chiến lược yêu cầu cần nghiên cứu và ban hành cơ chế, chính sách kinh tế và tài chính về phục hồi, phát triển nguồn “vốn tự nhiên”, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào phục hồi HST.

Để thúc đẩy bảo tồn, đầu tư hiệu quả vào vốn tự nhiên, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về giá trị của vốn tự nhiên trong xây dựng nền kinh tế xanh và tầm quan trọng của bảo tồn, sử dụng bền vững vốn tự nhiên.

Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư vào phát triển vốn tự nhiên, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến vốn tự nhiên. Tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật và xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu tác động tới nguồn vốn tự nhiên.

Ba là, xây dựng lộ trình triển khai thực hiện hạch toán vốn tự nhiên trong tài khoản quốc gia, chú trọng đến giá trị của các dịch vụ HST trong việc lập và triển khai quy hoạch, cũng như triển khai các dự án đầu tư cần cân nhắc hiệu quả khai thác, sử dụng vốn tự nhiên.

Bốn là, đánh giá và kiểm kê hiện trạng nguồn vốn tự nhiên (bao gồm các HST rừng, biển, đất ngập nước) để có quy hoạch, kế hoạch quản lý phù hợp, tạo cơ sở cho việc cân đối trong việc thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường năng lực quản lý và đầu tư cho bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên, phát huy kết cấu hạ tầng tự nhiên nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Kết luận

Sử dụng bền vững và phục hồi các nguồn vốn tự nhiên có vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt các mục tiêu liên quan đến phát phát triển bền vững. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh... đã bổ sung các nội dung về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị và vai trò của vốn tự nhiên nhằm hài hòa các mục tiêu phát triển và bảo tồn nguồn vốn tự nhiên.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2018), Báo cáo môi trường quốc gia: Môi trường nước các lưu vực sông;

2. Kim Thị Thúy Ngọc (2014), Vai trò của vốn tự nhiên trong thực hiện các mục tiêu về Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường, số 9/2014;

3. Minh Đăng (2020), Đầu tư vào vốn tự nhiên - bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học phục vụ xây dựng mô hình kinh tế xanh ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 7/2020;

4. Nguyễn Hưng Thịnh, Nguyễn Trung Thuận (2021), Một số điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1/2021;

5. Nguyễn Thế Chinh (2019), Báo cáo tổng hợp dự án điều tra, khảo sát hoàn thiện chính sách thúc đẩy phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường;

6. Costanza R. (1997), The Value of the World's Ecosystem Services and Natural Capital. Nature, (387);

7. Fenichel E., Hashida Y. (2019), Choices and the value of natural capital, Oxford Review of Economic Policy 35(1)/2019, pp.120-137;

8. Lok M., Benson E., Gough M., Ahlroth S., Greenfield, O., Confino, J., and Wormgoor W. (2018), Natural capital for governments: why, what and how (Draft 1.0, 21 November 2018).

*TS. Nguyễn Đình Đáp, TS. Nguyễn Thị Bích Nguyệt Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021.