Giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Trong bối cảnh mới cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thời gian tới đặt ra vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt hơn.
Vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa
Theo nghiên cứu của Nguyễn Minh Thưởng - Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, cần có những giải pháp đột phá hơn để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Từ thực tiễn, có thể thấy những vấn đề đang đặt ra đối với việc cơ cấu lại DNNN gồm:
Một là, Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế (TĐKT), tổng công ty nhà nước (TCTNN) chưa nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.
Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp (DN), đơn vị chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.
Hai là, Quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH làm kéo dài thời gian thực hiện CPH. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định, dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.
Ba là, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án CPH DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc CPH. Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, chấp hành chế độ báo cáo chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ở một số bộ, ngành, địa phương, TĐKT, TCTNN.
Bốn là, việc phê duyệt phương án sử dụng đất của DN CPH ở các địa phương triển khai chậm, thời gian thực hiện kéo dài. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi, xử lý đất đai của các DN sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai...
Giải pháp trong thời gian tới
Theo ông Thưởng, giải pháp CPH, thoái vốn vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN. Trong thời gian tới để thực hiện có kết quả các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, cần tập trung vào những công việc cụ thể sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.
Thứ hai, căn cứ Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ, các cấp có thẩm quyền phê duyệt, các bộ quản lý ngành, các UBND cấp tỉnh đẩy nhanh hơn nữa tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước theo đúng kế hoạch đề ra.
Thứ ba, các DNNN, trọng tâm là các TĐKT, TCT NN phải đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ và phương thức kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn, áp dụng phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử... đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, mô hình quản lý, quản trị trong nền kinh tế số.
Thứ tư, kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường; xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác.
Thứ năm, Hội đồng thành viên, chủ tịch, ban lãnh đạo các TĐKT, TCT, DNNN cần chịu trách nhiệm hoàn thành và triển khai tích cực các nhiệm vụ: Bổ sung hoặc xây dựng ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các hoạt động của DN làm cơ sở để quản lý, kiểm tra, giám sát DN.
Thứ sáu, các cơ quan quản lý tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Đặc biệt, cần bổ sung danh mục thanh tra đối với các DN chậm quyết toán tại thời điểm chuyển từ DNNN sang công ty cổ phần.