Hút vốn ngoại, còn ngại điều gì?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI) vẫn không ngừng chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian gần đây để đón đầu TPP và theo xu hướng dịch chuyển của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, những nghi ngại về lệch pha thực thi chính sách và vấn nạn công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường vẫn còn là những nỗi băn khoăn lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ KH&ĐT, trong gần 7 tháng đầu năm 2016, cả nước có 1.408 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,69 tỷ USD, tăng 31,8% số dự án và tăng 25,5% số vốn cam kết so với cùng kỳ năm 2015.

Vốn ngoại chảy mạnh

Hơn nữa, trong 7 tháng qua, tổng dự án tăng thêm là 660 lượt dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm là hơn 4,24 tỷ USD, tăng 93,5% lượt dự án tăng vốn và tăng 125,7% số vốn tăng thêm so với cùng kỳ năm 2015.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), riêng nửa đầu năm nay, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, với 488 dự án đầu tư đăng ký mới và 405 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 8,06 tỷ USD, chiếm 71,4% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đứng thứ hai, với 25 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 604,8 triệu USD, chiếm 5,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 562,3 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư…

Hàn Quốc được cho là dẫn đầu trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam hiện nay. Từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,99 tỷ USD, chiếm 35,37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Đứng thứ hai là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,229 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Singapore đứng vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,129 tỷ USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định nguồn vốn FDI thực hiện tăng cao là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay và sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Takimoto Koji, người vừa mới nhậm chức Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp. Hồ Chí Minh vào tháng 7/2016, cho rằng ngoài yếu tố về cơ hội kinh doanh, thì các doanh nghiệp Nhật rất cần môi trường kinh doanh ở Việt Nam được minh bạch và đơn giản hơn.

Chính sách cần hoàn thiện

Ông Takimoto Koji tâm, người tiền nhiệm của ông tại JETRO ở TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ với ông trước khi về nước là ở Việt Nam vẫn còn sự lệch pha trong việc thực thi chính sách. Và đây là điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn băn khoăn. Bởi vì vấn đề thực thi luật ở Việt Nam không được triệt để, tức là chính sách, luật pháp là một đằng nhưng khi thực thi lại là một nẻo.

Hoặc như trường hợp với Đài Loan, theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến tháng 5/2016, xét lũy kế các dự án đầu tư còn hiệu lực, Đài Loan có 2.526 dự án với tổng số vốn đăng ký là 31,2 tỷ USD, đứng hàng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Lý giải về việc dòng vốn Đài Loan chảy mạnh vào Việt Nam, giới doanh nghiệp của lãnh thổ này cho biết, họ đang nhìn thấy các nhà sản xuất là đối tác của họ có xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Thái Lan và Trung Quốc vào Việt Nam.

Nhất là các nhà cung ứng máy móc, thiết bị, công nghệ... cho các nhà sản xuất đầu cuối của Đài Loan. Trong đó, phải kể đến các DN dệt may Đài Loan đã nhanh chóng đầu tư vào Việt Nam xây dựng nhà máy sản xuất dệt, sợi, nhuộm... để đón đầu TPP.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại làn sóng này cũng kéo theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bởi, lĩnh vực dệt nhuộm và ngành phụ trợ dệt may đang sử dụng nhiều hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao.

Không chỉ trong lĩnh vực dệt may, bên cạnh những ưu điểm, doanh nghiệp FDI vẫn còn những hạn chế nhất định về mặt công nghệ là điều mà các chuyên gia lo ngại. Hơn nữa, bài học từ những vụ việc DN FDI đầu độc môi trường đang là vấn đề khiến cho lãnh đạo Bộ KH&ĐT quan ngại.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã lưu ý các địa phương về quan điểm của Bộ KH&ĐT là không đánh đổi dự án đầu tư để lấy những tổn thất, tác động tiêu cực đến môi trường.

Và theo ông Nguyễn Chí Dũng, chính sách cần được hoàn thiện để đảm bảo tính pháp lý chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các dự án lợi dụng để thực hiện các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, môi trường.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, thu hút đầu tư phải có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, có ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đồng thời, phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình thẩm định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghiệp quy mô lớn, ở ven biển và các khu dân cư.