Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường châu Âu

TS. Vũ Thị Như Quỳnh - Trường Đại học Thương mại

Việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam vào thị trường châu Âu luôn phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng, an toàn thực phẩm và quy định kỹ thuật. Các sản phẩm khi xuất đi cần tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, và dư lượng thuốc trừ sâu. Các chứng nhận an toàn và thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng là lưu ý quan trọng cần ghi đầy đủ trên bao bì sản phẩm. Các doanh nghiệp Việt cần cải thiện năng lực sản xuất, nắm vững quy định trên từng thị trường xuất khẩu tiến tới hợp tác với đối tác để tạo ra sản phẩm xanh và bền vững, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trái cây tại châu Âu.

Bằng cách tăng thị phần xuất khẩu trái cây vào thị trường châu Âu, Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu trái cây Việt Nam, từng bước nâng tầm vị thế của mình.
Bằng cách tăng thị phần xuất khẩu trái cây vào thị trường châu Âu, Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu trái cây Việt Nam, từng bước nâng tầm vị thế của mình.

Đặt vấn đề

Để trái cây Việt Nam có thể hiện diện rộng khắp trên thị trường tại châu Âu, một thị trường được đánh giá khó tính với các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch thực vật và quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cần thực hiện các biến đổi quan trọng về chất lượng và quy trình sản xuất.

Đây là thách thức rất lớn với doanh nghiệp trong việc thực hiện phương pháp trồng trọt theo các tiêu chuẩn như: VietGAP, Global GAP; áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm; sử dụng công nghệ để xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như cập nhật liên tục về chính sách, xu hướng và nhu cầu của thị trường.

Điểm khó với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trái cây là làm sao tận dụng tốt những lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng thị phần trái cây trong thị trường nhập khẩu của châu Âu.

Bằng cách tăng thị phần xuất khẩu trái cây vào thị trường châu Âu, Việt Nam sẽ xây dựng được thương hiệu trái cây Việt Nam, từng bước nâng tầm vị thế của mình, tạo lợi thế so sánh khi xuất khẩu sang các thị trường khác. Bài viết phân tích 4 nhóm thách thức chính đối với xuất khẩu trái cây vào thị trường châu Âu bao gồm: thách thức về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật; thách thức về áp lực cạnh tranh; thách thức về tiêu dùng xanh; thách thức về gia tăng lừa đảo thương mại và thông tin thị trường. Dựa trên thực trạng xuất khẩu trái cây hiện nay, bài viết đề xuất một số giải pháp cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trái cây, đặc biệt là những doanh nghiệp đang hoặc định mở rộng xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Các thách thức đặt ra

Thách thức từ các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hàng rào kỹ thuật

- Các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Xuất khẩu hoa quả tươi sang châu Âu đòi hỏi phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Hành vi xã hội và trách nhiệm với môi trường đã trở thành điều kiện tiên quyết để kinh doanh tại châu Âu và người tiêu dùng châu Âu thường yêu cầu các chứng nhận như một sự đảm bảo khi quyết định mua. Do vậy, châu Âu trở thành thị trường có nhiều yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, các sản phẩm nông nghiệp tươi ở đây phải tuân theo các yêu cầu pháp lý. Những doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao hoặc đáp ứng được các yêu cầu của thị trường ngách vẫn sẽ có những cơ hội để khẳng định chính mình và đưa được sản phẩm vào thị trường khó tính này.

- Yêu cầu pháp lý và phi pháp lý phải tuân thủ.

Khi xuất khẩu hoa quả tươi vào thị trường châu Âu, doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều yêu cầu quan trọng liên quan đến an toàn thực phẩm. Một trong những vấn đề chính là dư lượng thuốc trừ sâu. Châu Âu đã đặt ra mức dư lượng tối đa (MRL) cho thuốc trừ sâu trên và trong sản phẩm thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Sản phẩm vượt quá mức MRL sẽ không được phép lưu thông trên thị trường châu Âu, và cần lưu ý rằng một số quốc gia như Anh, Đức, Hà Lan và Áo thậm chí có quy định MRL nghiêm ngặt hơn trong hệ thống pháp lý của EU. Khi xuất khẩu trái cây vào thị trường châu Âu, việc có chứng nhận chất lượng hoặc canh tác cũng quan trọng như chứng nhận về chất lượng sản phẩm.

Những yêu cầu khắt khe là thách thức đối với mọi nhà sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu. Tại châu Âu, yêu cầu của người tiêu dùng được chia thành các nhóm:

- Yêu cầu bắt buộc (các yêu cầu mà bạn phải đáp ứng để có thể lưu thông sản phẩm trên thị trường) ví dụ như yêu cầu pháp lý;

- Các yêu cầu chung (là các yêu cầu mà hầu hết các đối thủ cạnh tranh với bạn đã thực hiện), đây là các yêu cầu mà bạn phải tuân thủ thì mới có thể cạnh tranh trên thị trường;

- Các yêu cầu thị trường ngách áp dụng với từng phân khúc sản phẩm cụ thể.

Có thể liệt kê một số yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với xoài tươi như sau: Lành lặn, nguyên vẹn; Sạch sẽ, không có dấu hiệu lạ; không dập thối (tươi và rắn chắc); Không bị sâu bệnh; Không bị hư hại do sâu bệnh gây ra hoặc do nhiệt độ thấp gây ra; không bị các vết dập nát;…

Kích cỡ và quy cách đóng gói: Xoài tươi được phân loại theo mã kích cỡ từ A tới D. Yêu cầu về đóng gói cũng khác nhau phụ thuộc vào phân khúc khách hàng và thị trường. Xoài phải được đóng gói trong bao bì mới, sạch sẽ, chất lượng cao, đảm bảo yêu cầu bảo quản phù hợp để ngăn ngừa hư hỏng.

- Quy định về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Báo cáo thường niên năm 2020 của Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF), dư lượng thuốc trừ sâu là lý do chính dẫn đến các cảnh báo an toàn thực phẩm đối với trái cây và rau quả ở châu Âu. Chất gây ô nhiễm là những chất không được cố ý thêm vào thực phẩm nhưng có thể có mặt do các giai đoạn khác nhau của quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển hoặc bảo quản. Tương tự như MRL đối với thuốc trừ sâu, các nước châu Âu đã đặt ra các giới hạn đối với một số chất gây ô nhiễm như chì, cadmium… Đối với rau quả tươi, mối quan tâm chính là sản phẩm có nhiễm chì, cadmium và nitrat (chủ yếu đối với rau bina, rau diếp và rucola) hay không. Các quy tắc đối với trái cây và rau quả đã qua chế biến (ví dụ: trái cây sấy khô hoặc nước trái cây) có thể khác. Những hiểu biết mới về các mối đe dọa đối với an toàn thực phẩm và chất gây ô nhiễm luôn có thể dẫn đến những điều chỉnh trong quy định, nên các doanh nghiệp xuất khẩu phải nhanh chóng nắm bắt và cập nhật thường xuyên.

- Quy định về kiểm dịch thực vật.

Trái cây xuất khẩu sang thị trường châu Âu phải tuân thủ các quy định pháp luật châu Âu về kiểm dịch thực vật. Ủy ban châu Âu đặt ra các quy định kiểm dịch thực vật để ngăn chặn việc truyền và lây lan các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật ở châu Âu. Những yêu cầu này được cơ quan an toàn thực phẩm có thẩm quyền ở các nước nhập khẩu và xuất khẩu quản lý.

Kiểm tra kiểm dịch thực vật bắt buộc thực hiện đối với tất cả thực vật và sản phẩm thực vật đến từ các quốc gia ngoài châu Âu: Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và các tài liệu đảm bảo lô hàng đáp ứng yêu cầu của châu Âu; Nhận dạng để đảm bảo rằng lô hàng tương ứng với giấy chứng nhận; Kiểm tra đảm bảo lô hàng không có sinh vật gây hại.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm là bắt buộc. Để thực hiện điều này, cần phải ghi lại nguồn gốc của sản phẩm và có thể cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây và rau quả. Bằng chứng về nguồn gốc xuất xứ cũng cần thiết đối với các doanh nghiệp xuất khẩu để nhận được mức thuế thụ hưởng phổ biến đối với hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển có Hệ thống ưu đãi tổng quát (GSP).

- Yêu cầu về dán nhãn và đóng gói.

Thực phẩm được đưa vào thị trường châu Âu phải đảm bảo tuân theo luật về ghi nhãn thực phẩm. Các gói và hộp trái cây hoặc rau quả tươi thương mại phải ghi đầy đủ nội dung sau: Tên và địa chỉ của người đóng gói hoặc người gửi hàng; Tên và chủng loại sản phẩm (nếu không nhìn thấy sản phẩm từ bên ngoài bao bì); Nước xuất xứ; Loại và quy mô; Số lô để truy xuất nguồn gốc hoặc GGN nếu được chứng nhận GLOBALG.A.P. (khuyến khích); Dấu kiểm soát chính thức để thay thế tên và địa chỉ của nhà đóng gói (không bắt buộc); Thông tin về xử lý sau thu hoạch; ví dụ, các chất chống nấm mốc được thêm vào trong quá trình xử lý sau thu hoạch trái cây có múi phải được đề cập trên bao bì thương mại; Chứng nhận hữu cơ, bao gồm tên cơ quan kiểm tra và số chứng nhận (nếu có).

- Yêu cầu bổ sung từ phía người tiêu dùng.

Bảo đảm an toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu trong mọi khía cạnh của ngành thực phẩm ở châu Âu. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu chất lượng cao thông qua việc áp dụng các chứng nhận đảm bảo. Trong ngành sản xuất và xuất khẩu xoài tươi, việc có chứng nhận Global GAP là điều cần thiết nhất. Tiêu chuẩn này định rõ quy trình sản xuất nông nghiệp từ giai đoạn trước khi cây được trồng cho đến khi thu hoạch (không bao gồm giai đoạn chế biến). Yêu cầu về chứng nhận Global GAP phụ thuộc vào quốc gia nhập khẩu, tình hình thị trường và kênh phân phối. Chẳng hạn, thị trường Bắc Âu yêu cầu chứng nhận này vì nó là tiêu chuẩn cần thiết của hầu hết các siêu thị ở khu vực này.

EVFTA tạo cơ hội giảm thuế nhập khẩu nhưng để sản phẩm rau quả có thể tiếp cận thị trường này, cần tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh châu Âu. Thực tế cho thấy, các quốc gia châu Âu ngày càng sử dụng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng và sản xuất trong nước mà không vi phạm cam kết song phương hoặc đa phương và tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật...

Do đó, để trái cây Việt Nam có thể thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu, cần phải phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm khắt khe của châu Âu. Đồng thời, cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại và đàm phán để tránh các rào cản kỹ thuật không hợp lý từ phía châu Âu.

Thách thức từ áp lực cạnh tranh ngày càng tăng

Các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang đối mặt với một thách thức đáng kể do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường nhập khẩu trái cây của châu Âu. Thực tế là khả năng tiếp cận thị trường châu Âu vẫn đang gặp nhiều hạn chế do các doanh nghiệp chưa thể nâng cao được năng lực nội tại, gồm cả về vốn và nhân lực. Thị phần của nông sản Việt Nam tại thị trường châu Âu vẫn còn rất nhỏ. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu suất sản xuất và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nhằm cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt tại thị trường châu Âu.

Các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam thường thiếu thông tin và hướng dẫn về những quy định của châu Âu trong khi các quy định này lại thường xuyên thay đổi. Điều đó dẫn tới năng lực nắm và đáp ứng các yêu cầu về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch các doanh nghiệp bị giảm đáng kể, hậu quả là tăng chi phí hoặc có thể hạn chế khả năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường châu Âu chưa được triển khai diện rộng tại châu Âu. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải đầu tư nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại đối với trái cây tại thị trường này.

Thách thức từ xu hướng tiêu dùng xanh tại châu Âu

Thị trường châu Âu đang chứng kiến một sự dịch chuyển mạnh mẽ hướng đến tiêu dùng xanh và bền vững, đòi hỏi tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Người tiêu dùng ở châu Âu đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường và coi chất lượng xanh là một tiêu chí quan trọng. Họ cũng quan tâm đến quy trình sản xuất, như việc khả năng xả thải carbon vào khí quyển, trả lương tốt cho người lao động, và điều kiện làm việc trong quá trình sản xuất.

Xu hướng tiêu dùng xanh đang lan rộng ra các thị trường trên toàn cầu, điều này đã tạo ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi phải đối mặt với mục tiêu tạo lợi nhuận và tăng trưởng bền vững. Đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang gặp khó khăn về vốn để phát triển sản phẩm xanh. Ngoài ra, mặc dù công nghệ xanh đã phát triển rất nhiều nơi, nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá hạn chế. Tại Việt Nam có thể chuyển giao công nghệ tiên tiến nhưng khả năng của con người và trình độ năng lực vẫn còn chưa đủ để theo kịp sự phát triển này.

Thách thức từ tình trạng gia tăng lừa đảo thương mại và thiếu thông tin, hướng dẫn

Với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động giao thương và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguy cơ trở thành mục tiêu lừa đảo hoặc phải đối mặt với những tranh chấp thương mại phức tạp là không nhỏ.

Ngành “công nghiệp trái cây” Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển, nhưng doanh nghiệp trong lĩnh vực này chủ yếu là các trang trại và doanh nghiệp nhỏ nên năng lực tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu thông tin và hiểu biết về các quy định của thị trường quốc tế trở nên báo động và cần lưu ý. Hơn nữa, hiện chưa có một bộ phận pháp lý chịu trách nhiệm nghiên cứu và đánh giá thị trường quốc tế. Trong khi, hầu hết các hiệp hội liên quan đến ngành trái cây tại Việt Nam đang phải đối mặt với việc thiếu nhân lực và nguồn tài chính, khiến hoạt động hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp thành viên vẫn chưa thể thực hiện một cách toàn diện.

Giải pháp xuất khẩu trái cây sang thị trường châu Âu

Nghiên cứu thực tế cho thấy các thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam phải đối mặt khi tham gia thị trường châu Âu. Các yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và hàng rào kỹ thuật ngày càng cao đã đặt ra một loạt các khó khăn. Để giải quyết thách thức đối với trái cây nhập khẩu vào thị trường châu Âu, cần có các giải pháp mang tính đồng bộ để vừa cải thiện cạnh tranh vừa tăng khả năng tiếp cận thị trường này. Một số giải pháp cụ thể như:

Một là, nâng cao chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm: Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để cải thiện quá trình sản xuất và chế biến trái cây theo các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm của châu Âu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn GLOBALGAP và các chứng nhận chất lượng tương đương để đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu.

Hai là, tăng cường quản lý dư lượng thuốc trừ sâu: Thúc đẩy sử dụng các phương pháp canh tác hữu cơ, giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu; Đầu tư vào nền tảng kiểm tra và kiểm dịch nội bộ để đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các giới hạn MRL và yêu cầu an toàn thực phẩm của châu Âu.

Ba là, tăng cường đào tạo và thông tin: Đào tạo và tư vấn các nhà sản xuất về các quy định, tiêu chuẩn và thủ tục xuất khẩu của thị trường châu Âu; Tạo ra một cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng để kịp thời cung cấp thông tin và hướng dẫn về các thay đổi mới trong quy định và chính sách.

Bốn là, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm: Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu về sản phẩm trái cây Việt Nam và các cam kết về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm. Phát triển chiến dịch quảng cáo và marketing tập trung vào các yếu tố môi trường, xã hội và an toàn thực phẩm của sản phẩm.

Năm là, hợp tác và liên kết với các đối tác châu Âu: Xây dựng mạng lưới hợp tác với các doanh nghiệp, Hiệp hội và cơ quan chức năng tại châu Âu để tìm hiểu và tham gia vào các dự án chung về phát triển sản phẩm và tuân thủ tiêu chuẩn.

Sáu là, tận dụng Hiệp định EVFTA: Sử dụng lợi thế giảm thuế từ Hiệp định EVFTA để cải thiện cạnh tranh giá và tăng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu; Đảm bảo rằng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm của EVFTA được tuân thủ đầy đủ.

Bảy là, phát triển sản phẩm xanh và bền vững: Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm trái cây có tính thân thiện với môi trường và đáp ứng yêu cầu của xu hướng tiêu dùng xanh tại châu Âu; Tạo ra các giải pháp sử dụng công nghệ xanh để giảm thiểu tác động của sản xuất và vận chuyển đối với môi trường.

Những giải pháp trên cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan để đảm bảo rằng trái cây nhập khẩu từ Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và môi trường tại thị trường châu Âu.

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Văn Kiệm (2023), Nghiên cứu thị trường và dịch vụ logistic đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng trái cây (xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận hậu) của tỉnh Sơn La sang thị trường một số nước châu Âu, Đề tài NCKN cấp tỉnh Sơn La;
  2. Tìm hiểu thông tin pháp luật về tiêu chuẩn marketing của EU, http://www.freshquality.org/english/home.asp:;
  3. Ủy ban châu Âu, Các quy định đối với hàng rau quả nhập khẩu, tháng 10/2022.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023