Tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách, quản lý nợ công chặt chẽ
Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 9/6 về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình cụ thể và chi tiết các nội dung mà các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm như công tác thu - chi ngân sách Nhà nước (NSNN); phát hành trái phiếu Chính phủ, giải ngân vốn ODA, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nợ công...
Cơ cấu thu ngân sách Nhà nước chuyển biến tích cực
Đánh giá về những yếu tố tác động trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, nợ công…, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, NSNN gặp khó khăn trên nền những khó khăn về tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Do những biến động của tình hình kinh tế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được điều chỉnh từ 7,5% xuống còn 6 – 7%. Trên thực tế, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt 5,91%.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong giai đoạn này, giá dầu thô thế giới giảm sâu và giảm nhanh, đồng thời cắt giảm nhiều sắc thuế theo lộ trình hội nhập đã cam kết. Ở trong nước, do khó khăn của nền kinh tế, các sắc thuế được điều chỉnh giảm nhanh hơn lộ trình để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể như, thuế Thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh từ mức 25% xuống 22%, riêng thuế với DNNVV giảm xuống 20% ngay từ năm 2013, trong khi lộ trình là đến năm 2020 mới giảm thuế. Thuế Thu nhập cá nhân cũng được điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng.
Trong khi đó, tuy tăng trưởng kinh tế không đạt nhưng thu NSNN giai đoạn 2011 – 2015 đã tăng 1,95 lần so với giai đoạn 2006 – 2010. Cơ cấu thu chuyển dịch tích cực. Thu nội địa năm 2011 đạt 61,5% tổng thu NSNN, đến năm 2016 đạt 79% và trong dự toán thu năm 2017, thu nội địa đã đạt đến 81,5%...
“Ngoài ra, trong giai đoạn 2011 – 2015, chúng ta đã thực hiện rất nhiều chính sách giãn, hoãn, miễn thuế cho DN, tạo thuận lợi cho DN, thúc đẩy phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Phân tích cụ thể về cơ cấu chi NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù khó khăn, chúng ta vẫn tập trung chi cho con người, cho an sinh xã hội. “Tốc độ tăng an sinh xã hội giai đoạn này không kể tiền lương là 18%, cao hơn nhiều tốc độ tăng thu NSNN. Nếu như năm 2011, chúng ta có 11 nhóm chính sách về an sinh xã hội với mức chi 18.500 tỷ đồng, thì đến năm 2016 có 21 nhóm chính sách về an sinh xã hội với kinh phí là 57.100 tỷ đồng/năm, khiến chi thường xuyên tăng cao”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Liên quan đến công tác chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Trong giai đoạn 2011 – 2015, chúng ta bố trí dự toán khoảng 18,2% tổng chi NSNN. Tuy nhiên trong điều hành hàng năm, chúng ta đã bổ sung từ nguồn dự phòng, nguồn tăng thu NSNN, bổ sung kế hoạch giải ngân ODA, đưa tỷ lệ đầu tư phát triển tăng lên 23,6% trong tổng chi NSNN. Nếu tính cả nguồn từ xổ số kiến thiết và các khoản ứng chi thì tỷ lệ chi đầu tư đã chiếm 26% trong tổng chi NSNN hàng năm.
Trong giai đoạn năm 2014 – 2016, Quốc hội đã phê duyệt thêm 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP), ngoài con số 225.000 tỷ đồng kế hoạch. Giải ngân ODA tăng cao so với dự toán, lên đến 251.000 tỷ đồng (dự toán 142.000 tỷ) để tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Do giải ngân quá cao so với dự toán như vậy nên bội chi giai đoạn này tăng cao, lên đến 5,8% so với kế hoạch là 5%. Điều này tất yếu dẫn đến nợ công tăng cao.
Cơ cấu nợ công đã được kiểm soát rất tiến bộ
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, tỷ lệ nợ công năm 2010 ở mức 50% thì 2015 ở mức 62,5%. Xét về quy mô, nợ công năm 2015 gấp 2,3 lần năm 2010. Trước tình hình này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Bộ Chính trị, ban hành Nghị quyết 07 về tái cơ cấu NSNN, đảm bảo an toàn nợ công.
Giải trình những vấn đề liên quan đến nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực điều hành để nợ công nằm trong giới hạn an toàn, điểm tích cực về nợ công giai đoạn 2016 – 2017 là cơ cấu nợ đã được kiểm soát rất tiến bộ qua việc kéo dài kỳ hạn phát hành TPCP.
Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Nếu năm 2013, kỳ hạn TPCP là 3 năm thì đến năm 2016, kỳ hạn đã tăng trên 8 năm, đến năm 2017 là 15,6 năm, từ đó kéo danh mục kỳ hạn TPCP từ 2,98 năm năm 2013 lên bình quân trên 6 năm. Quan trọng hơn nữa là toàn bộ các khoản vay 2011 – 2013 với lãi suất cao vừa qua đã được phát hành lại, giảm lãi xuống còn quanh mức 6%. Đến thời điểm này của năm 2017, tất cả các khoản TPCP được phát hành đều có kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết của Quốc hội.
Báo cáo trước Quốc hội về nhóm các giải pháp điều hành quản lý tài chính-ngân sách trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp về cơ cấu lại thu ngân sách; Tập trung siết chặt chi tiêu, nhất là chi tiêu thường xuyên…
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nếu triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ tái cơ cấu ngân sách nhà nước, đảm bảo an toàn nợ công sẽ đạt kết quả rõ hơn.