Giải pháp để bảo hiểm xã hội tự nguyện phát triển
Nhằm tăng sức hấp dẫn cho chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người dân, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ một phần chi phí cho người dân tham gia. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vào năm 2020 vẫn còn là thách thức lớn.
Tham gia BHXHTN thấp, đâu là nguyên nhân?
Ðánh giá của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, qua 9 năm thực hiện, mặc dù tốc độ tăng bảo hiểm xã hội tự nguyện (BHXHTN) đã cao hơn so với BHXH bắt buộc nhưng con số tuyệt đối còn rất hạn chế. Ðến nay, cả nước mới có hơn 200 nghìn người tham gia, chiếm khoảng 0,47% lực lượng lao động trong độ tuổi. Ðáng lưu ý, năm 2016, số người tham gia BHXHTN giảm tới 6% so với năm 2015. Ðiều này được lý giải là do theo quy định mới của Luật BHXH năm 2014, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2016 (trước năm 2016 nhóm đối tượng này thuộc diện tham gia BHXHTN). Ðến năm 2017, số lượng người tham gia BHXHTN tăng thêm 12%, song tốc độ tăng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Thực tế, mặc dù tốc độ tăng BHXHTN bình quân khá cao nhưng số tuyệt đối chỉ tăng khoảng hơn 30 nghìn người/năm.
Thực trạng tham gia BHXHTN thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu chính sách, pháp luật về BHXHTN hạn chế và chưa hiệu quả. Cơ quan chức năng cũng chưa có sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào chính sách này. Số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, vẫn còn tới trên 70% số người được hỏi là chưa biết tới chính sách BHXH.
Về đối tượng tham gia BHXHTN, chủ yếu là người lao động (NLĐ) ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, lao động nông thôn với đặc điểm mặt bằng thu nhập bình quân thấp, không ổn định, điều kiện kinh tế còn hạn chế dẫn tới những khó khăn trong việc tham gia. Trong khi đó, khả năng tiếp cận của người dân với chính sách thông qua cơ quan BHXH và các tổ chức đại lý thu BHXH ở xã, phường, thôn, bản, khu dân cư vẫn còn những rào cản ở các khâu quy trình, thủ tục, hồ sơ, chưa đảm bảo sự linh hoạt và thuận tiện trong tham gia và thụ hưởng BHXH.
Cùng với đó, một số hạn chế về mặt chính sách như chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXHTN chậm được triển khai và với mức hỗ trợ còn khiêm tốn; Chính sách BHXHTN mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất, đây là hai chế độ dài hạn với điều kiện về thời gian đóng góp kéo dài. Cần tới 20 năm đóng để được hưởng lương hưu hàng tháng nên tạo tâm lý không muốn tham gia khi không thấy được những lợi ích trước mắt.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo thống kê, cả nước có khoảng 40 triệu NLĐ làm việc trong khu vực phi chính thức, trong đó chủ yếu là người từ nông thôn ra. Phần lớn các DN nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh sản xuất và NLĐ tự do đều trốn tránh việc không đăng ký lao động, không tham gia các loại BHXH. Vì vậy, cần nhanh chóng chính thức hóa lao động phi chính thức, khuyến khích tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ thuộc khu vực này.
Về giải pháp tăng số lượng NLĐ tham gia BHXHTN nói riêng và tham gia BHXH nói chung, một số chuyên gia thống nhất với các giải pháp trọng tâm gồm: Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, nâng cao tính hiệu quả trong công tác tuyên truyên, tập trung vào đối tượng là NLĐ, người dân để họ được hiểu, được biết đầy đủ về những quyền lợi khi tham gia BHXHTN; thực hiện tốt công tác vận động chính sách thông qua vai trò của các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của cá nhân những người có uy tín như già làng, trưởng bản, tổ trưởng dân phố, khu dân cư...; đồng thời, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm quán triệt thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó chú trọng đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH vào tiêu chí để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của mỗi địa phương, thúc đẩy việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong thực hiện chính sách BHXH.
Cùng với các giải pháp trên, cần tạo sự dịch chuyển lao động khu vực từ phi chính thức sang khu vực chính thức; đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện, chuyển đổi tác phong phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH...