Giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Đức Hùng

Ông Phạm Nam Kim, chuyên gia tư vấn chiến lược về tài chính và là cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ, cho rằng Việt Nam có thể áp dụng mô hình hỗ trợ mà trong đó cơ quan trung ương, địa phương hay những tổ chức ngành nghề, phòng thương mại có thể đứng ra bảo lãnh toàn bộ hay một phần nào đó những khoản vay của doanh nghiệp.

Với mô hình này, ngân hàng Việt Nam sẽ dễ dàng hơn cung cấp vốn cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà không bị nguy cơ nợ xấu.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, ông Phạm Nam Kinh cho biết, không ai phủ nhận doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng khó khăn chưa từng thấy, sản xuất suy giảm, nhu cầu từ doanh nghiệp và từ người tiêu thụ khựng lại, hàng tồn kho tăng cao. Trong tình trạng này vấn đề tiếp cận vốn là vấn đề cốt lõi. Doanh nghiệp cần vốn lưu động để tiếp tục hoạt động và đi qua giao đoạn khó khăn, cũng như cần vốn đầu tư để chuyển hướng kinh doanh, tìm những lĩnh vực khả quan hơn.

Nghị quyết 13 của chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh ngiệp đưa ra hai hướng hỗ trợ, hướng thứ nhất là giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng cách gia hạn và cắt giảm thuế, hướng thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn bằng cách hạ mặt bằng lãi suất cho vay và tái cơ cấu khoản nợ hiện có.

Để thi hành nghị quyết 13, Ngân hàng Nhà nước đã đặt trở lại mức trần lãi suất cho vay, liên tục hạ lãi suất để hiện tại xuống mức 14% và chỉ đạo trong việc tái cơ cấu và gia hạn nợ hiện có. Như vậy, trên lý thuyết những điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn đã khả quan hơn trước nhiều. Trên thực tế thì các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn như trước để vay ngân hàng, vì ngân hàng viện ra rất nhiều lý lẽ để từ chối đơn xin vay tiền.

Ông Phạm Nam Kim cho rằng, không phải là họ không tuân thủ nghị quyết và ý nguyện của nhà nước, nhưng quả thực là họ đang bị ngay từ phía chính quyền, hai sức ép trái chiều, rất khó dung hòa. Một mặt chính phủ chỉ đạo phải hỗ trợ những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, doanh thu xuống, lợi nhuận cũng không còn, tất nhiên là những doanh nghiệp rất rủi ro, mặt khác chính phủ muốn tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và việc đầu tiên là xử lý nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức hợp lý với những đe dọa nếu ngân hàng quá yếu kém thì sẽ bị sát nhập bởi những ngân hàng lớn mạnh hơn, tất nhiên ngân hàng lớn cũng lo sợ là khi bị “bắt” sáp nhập một ngân hàng yếu kém thì họ cũng bị “lây” nợ xấu và sẽ trở nên yếu kém hơn.

Theo ông Phạm Nam Kim, ngân hàng hiện đang trong tình trang “trên đe, duới búa” bởi hai hướng đi trái chiều của chính phủ, rốt cuộc họ sẽ tuân thủ Nghị quyết 13 bằng cách cho vay với lãi suất ưu đãi cho những khách hàng kinh doanh tốt, không có rủi ro, khổ một nỗi là những doanh nghiệp này, trong giai đoạn hiện tại lại không cần tiền! Xét trên phương diện nguyên tắc quản lý ngân hàng, thì các ngân hàng Việt Nam làm việc theo đúng chuẩn mực. Căn bản một ngân hàng sống trên chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi và tiền cho vay.

Người ta lý giải chênh lệch lãi suất là lợi nhuận dùng để chi trả phí quản lý ngân hàng, chi trả nguồn vốn bị giam khi cho vay khách hàng và chi trả rủi ro tín dụng của người vay, vì vậy đối với khách hàng có nhiều rủi ro hơn, lãi suất cho vay sẽ cao hơn. Một khi Chính phủ định lãi suất trần thì tất nhiên sự lựa chọn sẽ hướng về phía khách hàng ít rủi ro và gạt bỏ khách hàng có rủi ro cao vì chênh lệch lãi suất không đủ để bù lắp rủi ro tín dụng.

Kết cục tài chính Việt Nam đang sống trong một giai đoạn rất tương phản, ngân hàng thì thừa vốn doanh nghiệp thì thiếu vốn vì cung và cầu không gặp nhau và mọi người đều ý thức là nếu doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng khó sống sót.

Khi chính phủ quyết định chỉnh đốn lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, thì đây là một chính sách rất đúng, một nền kinh tế chỉ có thể mạnh khi dựa vào một nền tài chính mạnh. Khi chính phủ quyết định hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cặn nguồn vốn thì đó cũng là một điều rất đúng. Khó khăn của doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, đến tạo công ăn việc làm cho người dân vì vậy phải giúp họ thoát khỏi khó khăn là hợp lý. Vậy tại sao lại có sự thiếu hiệu quả hiện tại, phải chăng có vấn đề điều hòa trong thới gian của 2 quyết định trên? Thiết nghĩ Việt Nam đã trải qua 2 năm trong sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô và ta phải quyết liệt giải quyết sự yếu kém của hệ thống ngân hàng. Từ đầu năm, doanh nghiệp giải thể hàng loạt, ta cũng không thể trì trệ trong giai đoạn khó khăn này. Cái khó ở đây là phải thi hành đồng loạt hai quyết định trái chiều và trên một sân chơi hoàn toàn theo quy luật luật thị trường và nếu những quyết định của chính phủ không dựa trên những luật chơi của thị trường tự do thì cũng sẽ không hiệu quả.

Tình huống hiện tại của Việt Nam không phải là hiếm, rất nhiều quốc gia muốn một mặt bảo vệ một hệ thống ngân hàng vững mạnh, mặt khác muốn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, nhưng họ tránh không gây sức ép trên ngân hàng thi hành hai mục tiêu trái ngược. Khi muốn ngân hàng cho vay những doanh nghiệp hay khu vực kinh tế với rủi ro cao, họ chỉ định một cơ quan khác gánh chịu rủi ro phát sinh. Cụ thể những khoản vay trên sẽ được chính phủ, thông qua những cơ quan chức năng bảo lãnh. Làm như vậy, doanh nghiệp sẽ dễ dành vay vốn, ngân hàng không bị suy yếu vì phải gánh chịu rủi ro, chính phủ thực hiện được chính sách của mình mà chỉ đụng đến ngân sách nhà nước khi rủi ro thực sự xẩy ra.

Mô hình giúp đỡ doanh nghiệp trên thường được áp dụng trong một thời gian ngắn để giúp đỡ doanh nghiệp trong những thời buổi khó khăn, để khôi phục kinh tế của một vùng hay một khu vực và đã chứng tỏ hiệu quả của nó.