Giải pháp hiện thực hóa chỉ tiêu kinh tế đến năm 2035

Theo ncseif.gov.vn

Để đạt được kỳ vọng của Việt Nam đến năm 2035 là trở thành một nước thu nhập trung bình cao, với thu nhập bình quân đầu người là 7.000 USD, các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam cần xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh và thực hiện đô thị hóa một cách có hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Mục tiêu đạt 7.000 USD/người năm 2035

Theo Báo cáo Việt Nam 2035 mới công bố gần đây, kỳ vọng của Việt Nam đến năm 2035 là trở thành một nước thu nhập trung bình cao. Theo đó, con số thu nhập bình quân đầu người được đưa ra là 7.000 USD (hoặc 18.000 USD tính theo sức mua tương đương); gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2014 (2.052 USD).

Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch World Bank (WB) cho rằng trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những câu chuyện thành công nhất thế giới về phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chững lại, những thành quả của Việt Nam có phần mong manh. Một phần ba dân số của Việt Nam, tức khoảng 30 triệu người, đang có nguy cơ rơi trở lại vào nghèo đói.

Đề cập đến thực tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cho rằng mặc dù đã đạt được nhiều thành công nổi bật về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo nhưng Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo.

“Có lẽ rất ít ai biết rằng đầu thế kỷ thứ 19 (1820) Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình thế giới. Hiện nay (năm 2014), thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình của thế giới (2.052/12.000 USD), chỉ bằng hơn 1/3 của Thái Lan và hơn 1/5 của Malaysia”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Giải pháp hiện thực hóa mục tiêu

Các chuyên gia kinh tế nhận định, mục tiêu đến năm 2035 là trở thành một nước thu nhập trung bình cao đạt được chỉ khi Việt Nam xây dựng khu vực tư nhân có khả năng cạnh tranh và thực hiện đô thị hóa một cách có hiệu quả.

Phát triển doanh nghiệp tư nhân

Báo cáo Việt Nam 2035 chỉ ra rằng, ở Việt Nam, doanh nghiệp Nhà nước hiện diện tại hầu hết ngành, lĩnh vực kể cả: may, dịch vụ điện thoại và ngân hàng (lĩnh vực mà doanh nghiệp, công ty tư nhân có thể làm tốt hơn).

Sự thiếu rõ ràng trong ranh giới phân định nhà nước và thị trường làm giảm hiệu suất tĩnh khi nhà sản xuất có chi phí cao vẫn được thưởng bằng gánh nặng đặt lên vai người tiêu dùng và các doanh nghiệp có hiệu quả hơn.

Hiệu suất động cũng giảm khi các nhà đầu tư tiềm năng “e ngại” do phải đối mặt với những rủi ro về điều tiết cũng như nỗi lo về việc thị trường bị lũng đoạn bởi các doanh nghiệp có quan hệ với chính quyền.

Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Alex Van Trotsenburg cho rằng, việc tạo sân chơi bình đẳng cho nền kinh tế là rất cần thiết; trong đó, quan trọng là thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nhận định, những năm tiếp theo, sự tham gia của tầng lớp trung lưu, doanh nghiệp tư nhân sẽ ngày càng rõ rệt đặc biệt là trong khu vực dịch vụ. Đến năm 2035, xu hướng này sẽ rõ nét hơn mà hiện Trung Quốc đang là một ví dụ điển hình.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã đưa ra giải pháp để đạt mục tiêu đề ra. Bộ trưởng cho rằng, Việt Nam phải tập trung cao độ để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân cả về số lượng và chất lượng.

Trước mắt là phải nâng cao được năng lực cạnh tranh và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước thông qua việc hoàn thiện, củng cố nền kinh tế của thị trường đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác định các chính sách công bằng, cạnh tranh lành mạnh, trong tiếp cận vốn, đất đai tài nguyên và thông tin.

“Phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước phải tạo dựng môi trường thuận lợi, xây dựng trung tâm hướng dẫn và đào tạo cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, cung cấp kiến thức cũng như nguồn vốn thông qua việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tạo ra một làn song khởi nghiệp và tinh thần doanh nghiệp mạnh mẽ trong xã hội,” Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Đô thị hóa đúng hướng

Nhiều chuyên gia rằng, với hiệu ứng tích cực do tập trung dân cư, các đô thị sẽ làm tăng năng suất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đa dạng các hoạt động kinh tế. Mật độ dân số và kinh tế cao hơn cho phép các đô thị tiết kiệm chi phí giao thông, tăng mức độ tương tác, tạo điều kiện chuyên môn hóa sâu.

Ngoài ra, các đô thị tạo thị trường cho một số loại dịch vụ kinh doanh chuyên sâu, giúp doanh nghiệp tập trung, phát huy năng lực cốt lõi biến các ý tưởng sáng tạo thành hiện thực với quy mô thương mại; đồng thời, hỗ trợ kết nối cơ hội nghề nghiệp phù hợp với kỹ năng người lao động.

Thực tế cho thấy ở các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi phát triển nhanh càng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và đô thị hóa. Không có quốc gia nào trong thời đại công nghiệp lại có thể duy trì phát triển kinh tế mà không đi kèm với đô thị hóa nhanh. Các bằng chứng quốc tế cho thấy, nếu dân số một thành phố tăng gấp đôi, năng suất của thành phố đó tăng thêm 5%.

Theo đó, khuyến nghị được đưa ra là phải thực hiện phát triển thị trường đất đai và mở rộng hạ tầng kết nối. Cải cách thể chế đất đai thực hiện theo hướng: cải cách về đăng ký quyền sử dụng đất, thẩm định giá đất theo cơ chế thị trường để giảm bớt tình trạng chuyển đổi đất tùy tiện và manh mún.

Song song đó, tăng tính minh bạch bằng cách thiết lập cơ chế thường xuyên công khai giá đất qua đấu giá hoặc giao dịch mua bán đất đai. Nới lỏng kiểm soát và sự tham gia của nhà nước trong các hoạt động mà thị trường điều tiết có hiệu quả, cụ thể là thị trường đất đai.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới ông Jim Yong Kim cho rằng, phải đảm bảo tiếp cận vốn, đất đai theo hướng phù hợp nguyên tắc thị trường; không phân bổ nguồn vốn, đất đai cho người thân quen, tạo tiền đề giúp tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư vào yếu tố con người, bởi đây là thế hệ tương lai của đất nước. Từng chất xám, trí tuệ của con người được đầu tư, phát triển đúng là tài sản của Việt Nam trong tương lai. Như vậy, phát triển kinh tế mới thực sự vững bền.