Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2019

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia hay vùng lãnh thổ. Trong những năm qua, vùng Đồng bằng sông Hồng đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo yêu cầu phát triển của Vùng, đặc biệt trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bài viết phân tích thực trạng nguồn nhân lực vùng Đồng bằng sông Hồng và đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Cần phải có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng.
Cần phải có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng.

Tiềm năng đa dạng và lợi thế vượt trội của vùng Đồng bằng Sông Hồng

Vùng Đồng bằng Sông Hồng (ÐBSH) gồm các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Toàn vùng có diện tích 23.336 km2. Vùng có những ưu thế có thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. Vùng có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời mang đậm đà bản sắc dân tộc; nhiều danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hào hùng, oanh liệt trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của thế kỷ trước, ÐBSH là hậu phương vững chắc, cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến chống giặc, góp phần giành lại nền độc lập của Tổ quốc.

ÐBSH có tiềm năng to lớn và nhiều lợi thế vượt trội so với nhiều vùng kinh tế khác; có vị trí rất thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Ở đây có các vùng sinh thái đa dạng, có cả đồng bằng, trung du và miền núi; có đồng ruộng màu mỡ với đồng bằng ven biển từ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh), đến huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Những vùng sinh thái phong phú như vậy là điều kiện cơ bản để phát triển nền sản xuất hàng hóa nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện.

Bên cạnh đó, vùng ÐBSH có nguồn nhân lực lớn, trình độ dân trí cao, tập trung đội ngũ trí thức giỏi, nhân dân có truyền thống lao động cần cù và sáng tạo. Vùng đã tập trung khoảng 26% số cán bộ có trình độ cao đẳng và đại học, 72% số cán bộ có trình độ trên đại học, khoảng 23,6% lực lượng lao động kỹ thuật của cả nước.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính theo vùng kinh tế, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là nơi tập trung đông nhất số đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp với trên 1,5 triệu đơn vị và thu hút 8,04 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 26,4% về số đơn vị và 29,9% về lao động. Mức độ phổ cập giáo dục ở vùng ĐBSH cao nhất cả nước. Tính đến năm 2017, toàn Vùng có 5.879 trường học, trong đó: 1.909 trường Mầm non; 1.822 trường Tiểu học; 1.678 trường THCS; 371 trường THPT; 99 TTGDTX. Tổng số 2.837.298 học sinh. Đến nay, toàn Vùng đã đạt phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi; hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Trong đó: Tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định hoàn thành phổ cập giáo dục mức độ 3; tỉnh Quảng Ninh có 93,5% xã, phường đạt chuẩn mức độ 3. Công tác phổ cập giáo dục THCS từng bước được nâng cao: Tỉnh Hải Dương, Nam Định hoàn thành phổ cập THCS mức độ 2; tỉnh Quảng Ninh đạt 82%; tỉnh Hưng Yên đạt 80%....; Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hoàn thành công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này cho thấy, phổ cập giáo dục cấp Trung học cơ cở và Trung học phổ thông ở ĐBSH rất được quan tâm, đây sẽ là nguồn tuyển sinh đầu vào dồi dào cho các trường đại học, cao đẳng cũng như các trường dạy nghề trong vùng.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1

Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, mỗi tỉnh trong Vùng cũng đã có trường đại học và cao đẳng, hơn nữa các trường này chủ yếu thuộc sở hữu công lập (chiếm 76,6%). Nhờ chủ trương xã hội hóa giáo dục, số trường đại học, cao đẳng ngoài công lập tại khu vực này là 31 trường (chiếm tỷ lệ 20,1%).

Tính đến năm 2018, toàn Vùng có khoảng 12095,5 nghìn lao động từ 15 tuổi trở lên. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đang làm việc trong nền kinh tế ở vùng ĐBSH rất cao tăng từ 20,7% năm 2010 lên 28,4% năm 2016 và tăng lên khoảng 30,5% năm 2018. Đây là khu vực có tỷ lệ lao động qua đào tạo dẫn đầu cả nước. Các ngành đào tạo chủ yếu bao gồm toàn bộ các ngành trong nền kinh tế quốc dân như: kinh tế, kỹ thuật, giáo dục, y tế.

Mặc dù, tỷ lệ nhân lực qua đào tạo của Vùng tăng lên nhưng phát triển nhân lực vùng ĐBSH còn có những hạn chế:

Một là, chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế, chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. 

Hai là, đội ngũ giáo viên thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng, thiếu giảng viên ở tất cả các cấp đào tạo làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Vùng ĐBSH chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ba là, cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo, do vậy, cơ cấu lao động tại vùng ĐBSH vẫn xuất hiện nhiều bất cập.

Bốn là, chương trình đào tạo chưa được bổ sung thường xuyên cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm, chưa điều chỉnh và cập nhật kịp thời những thành tựu công nghệ hiện đại và tham khảo các tài liệu của nước ngoài. 

Năm là, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng hiện đại chưa được trang bị đầy đủ. Số lượng thiết bị thực hành của nhiều trường còn thiếu so với chương trình đào tạo, chất lượng các thiết bị thực hành còn cũ, lạc hậu và chưa đáp ứng theo quy đinh của chương trình khung…

Sáu là, nhiều địa phương chưa xác định được cầu nhân lực, thu hút người tài, xong không bố trí việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên môn trình độ, không có điều kiện để đối tượng phát triển tài năng, gây lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng Đồng bằng Sông Hồng

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng ĐBSH, thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau: 

Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần tăng cường vai trò của mình trong việc quy hoạch ngành nghề đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trong Vùng. Cần sắp xếp lại hệ thống giáo dục ở quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, cơ sở đào tạo, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng, địa phương. Hiện nay, việc cho phép mở trường, mở ngành tràn lan không chỉ tăng nguy cơ lãng phí nguồn lực của xã hội mà còn để lại một hệ lụy rất nghiêm trọng là tạo ra một lực lượng lao động đã qua đào tạo có chất lượng kém trong tương lai, làm mất đi cơ hội việc làm của những lao động có chất lượng.

Thứ hai, tăng cường và đa dạng hóa nguồn đầu tư cho giáo dục. Các cơ quan chức năng cần tập trung rà soát và tạo điều kiện hỗ trợ các trường đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo các yếu tố để nâng cao chất lượng đào tạo. Khi các trường hiện có đã hoạt động hiệu quả, đảm bảo việc đào tạo chất lượng tốt mà không đủ để đáp ứng nhu cầu xã hội về nhân lực thì mới tiếp tục thành lập các trường mới hoặc cho phép các trường hiện tại mở những ngành mới mà nhu cầu xã hội đang cần.

Thứ ba, các trường trong Vùng, ngành giáo dục các tỉnh, thành địa phương cần phối hợp chặt chẽ nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông để học sinh có thái độ đúng và chủ động lựa chọn loại hình học nghề sau phổ thông phù hợp với thị trường. Các địa phương tiếp tục có các chính sách khuyến khích học sinh đăng ký vào những ngành mà địa phương đang cần, các ngành mới. Để điều chỉnh bậc học, ngành học, các trường cần có sự định hướng nghề nghiệp thường xuyên cho học sinh trong 3 năm phổ thông để các em có thời gian dài suy nghĩ và tìm hiểu về ngành nghề phù hợp một cách chủ động hơn. Đồng thời, các địa phương cần công bố rộng rãi các bậc đào tạo, ngành đào tạo đang thiếu, dễ xin việc.

Thứ tư, các địa phương trong Vùng cần có sự xúc tiến liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo đặc biệt là trường nghề, để các trường có kế hoạch đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo đầu ra cho các cơ sở đào tạo.

Thứ năm, cần coi trọng việc tạo lập các cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong vùng ĐBSH. Việc đổi mới chính sách tuyển dụng, bố trí sử dụng nguồn nhân lực cần phải được triển khai theo hướng công khai, công tâm, khách quan, chính xác, dựa trên cơ sở phẩm chất và năng lực thực chất. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo, quản lý cần mạnh dạn sử dụng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; lôi cuốn họ nỗ lực thực hiện những kiến thức, chuyên môn đã được tích lũy, được đào tạo thông qua những chính sách sử dụng hợp lý. Bên cạnh đó, cần tạo sự đột phá về đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện chính sách tiền lương linh hoạt theo tiêu chí tài năng và hiệu quả đóng góp; tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến để tạo động lực, kích thích, khuyến khích người lao động sáng tạo và hiệu quả; Bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện làm việc, nghiên cứu cho những nhà khoa học, những tài năng trẻ; Thường xuyên tôn vinh nhân tài đi kèm cơ chế khuyến khích về lợi ích vật chất đối với những người có cống hiến mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Thứ sáu, cần đa dạng hóa hình thức và loại hình đào tạo để tăng nhanh số lượng nguồn nhân lực. Cần  sắp xếp lại hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục đại học và dạy nghề; Khắc phục bất hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu trình độ ngành, nghề và cơ cấu vùng, miền; Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ; Chú trọng hơn nữa phát triển ngành tự động hóa, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, thông tin vệ tinh, số hóa, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học… 

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học bậc đại học, nhanh chóng chuẩn hóa đội ngũ giảng viên đại học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục - đào tạo, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có tài năng và kinh nghiệm của nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường cao đẳng, đại học ở trong Vùng.

Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê (các năm 2010-2014), Niên giám thống kê các năm từ 2010-2014;
2. Tổng cục Dạy nghề (2014), Báo cáo tổng hợp các cơ sở dạy nghề;
3. Nguyễn Hồng Minh(2016), Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/6434/seo/Cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-vanhung-van-de-dat-ra-doi-voi-he-thong-giao-duc-ngh;
4. Vũ Minh Giang, Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh mở cửa và hội nhập, https://vnu.edu.vn/ttsk/?C2091/N6485/dao-tao-nguon-nhan-lucchat-luong-cao-trong-boi-canh-mo-cua-va-hoi-nhap.htm;
5. Dĩ Hạ (2017), Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng có nhiều sáng tạo, đổi mới, https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cac-tinh-dong-bang-song-hong-co-nhieu-sangtao-doi-moi-trong-giao-duc-3082505-c.html.