Phát triển kinh tế tập thể trong bối cảnh mới
Triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những năm qua, kinh tế tập thể đã có sự phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Nhiều mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 hợp tác xã (HTX). Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 tỷ lệ này chỉ là 10%), thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện.
Hệ thống Liên minh HTX đã thực hiện các nhiệm vụ được giao, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX; chủ động nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất và triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX.
Bên cạnh những kết quả tích cực, khu vực KTTT vẫn còn một số hạn chế, bất cập như: Tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác; tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều HTX có quy mô nhỏ, phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, khu vực.
Tính đến tháng 6 năm 2020, cả nước có hơn 25.200 hợp tác xã (HTX). Tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả đạt hơn 54% (năm 2012 chỉ có 10% HTX), thu nhập của người lao động trong HTX được cải thiện.
Công tác quản lý nhà nước, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về phát triển KTTT còn chưa đầy đủ, kịp thời; bản thân các tổ chức KTTT chưa nắm vững các nguyên tắc quản trị, công nghệ mới…
Những hạn chế, yếu kém trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, cụ thể: Nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực KTTT, HTX chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình KTTT, HTX kiểu cũ.
Công tác quản lý nhà nước ở một số nơi còn buông lỏng hoặc can thiệp quá sâu, không đúng đối với tổ chức, hoạt động của KTTT, HTX. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho KTTT, HTX nhiều nhưng dàn trải, phân tán, thiếu nguồn lực thực hiện…
Tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong bối cảnh mới
Nhằm phát huy và khẳng định vai trò quan trọng của KTTT trong nền kinh tế quốc dân, trong thời gian tới cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, khẳng định vị trí, vai trò của KTTT
- Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT và Kết luận số 70-KL/TW của Trung ương.
- Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về bản chất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT, HTX trong điều kiện mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và người dân; Xác định rõ phát triển KTTT, HTX là xu thế tất yếu, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương.
- Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT thống nhất từ trung ương đến địa phương, thống nhất quản lý nhà nước chung về KTTT, HTX; Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX; Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển KTTT, tiếp thu kinh nghiệm của các quốc gia có phong trào KTTT phát triển, đem lại hiệu quả, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội...
Thứ hai, hoàn thiện khung pháp lý
- Nghiên cứu, xây dựng hướng dẫn đối với kiểm toán HTX phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; Bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương và địa phương nhằm kịp thời hỗ trợ vốn cho HTX đầu tư phát triển, nhất là các HTX sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất công nghệ cao.
- Xây dựng Chiến lược phát triển KTTT, HTX đến năm 2030 để có định hướng, chính sách tổng thể, lâu dài cho HTX.
- Xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát các nội dung Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo hỗ trợ tập trung, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao...
Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phat triên KTTT, xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội các cấp.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động KTTT, HTX để nắm bắt sát tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và dự báo xu hướng phát triển KTTT, HTX; Xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trên cả nước.
- Tăng cường công tác liên doanh, liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh của HTX; Theo dõi, xuyên suốt quá trình hoạt động và thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình mới, cách làm hiệu quả; Thực hiện tốt công tác đánh giá, khen thưởng nhằm khích lệ các HTX...
Thứ tư, đổi mới tổ chức hệ thống Liên minh KTTT, HTX
- Củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX; Thực hiện tái cơ cấu, giải thể dứt điểm các HTX yếu kém, đã ngừng hoạt động để tạo dư địa cho thành lập HTX mới;
- Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đào tạo và thu hút cán bộ về công tác tại các HTX; Thực hiện hiệu quả chính sách đưa cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX; Tăng cường năng lực quản trị KTTT, HTX theo hướng công khai, minh bạch; củng cố bộ máy kế toán, kiểm toán.
- Phát triển tổ hợp tác để tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, chuyển dần thành HTX; phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, trên cơ sở liên kết hộ sản xuất với DN chế biến, tiêu thụ hàng hóa; khuyến khích và hỗ trợ thành lập các liên hiệp HTX làm đầu kéo cho HTX thành viên tăng quy mô, phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị...