Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong bối cảnh đại dịch covid-19

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 03/2021

Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí địa chính trị quan trọng, nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, tỉnh này vẫn gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nhất định. Để phát triển kinh tế xã hội hiệu quả, ổn định và bền vững, Hà Giang cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ.

Thực trạng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2016-2020

Những thành tựu đạt được

Hà Giang là Tỉnh có nhiều tiềm năng và thế mạnh về phát triển kinh tế. Trong những năm qua, kinh tế Hà Giang đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế Hà Giang duy trì ở mức khá. Tuy nhiên, năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức từ 2,0%-2,5%; bình quân cả giai đoạn 2016-2020 đạt từ 6,0%-6,2%, chưa đạt kế hoạch đề ra. Quy mô nền kinh tế của Tỉnh năm 2020 đạt mức 25.200 tỷ đồng. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2020 đạt trên 29,5 triệu đồng (tăng hơn 9 triệu đồng so với năm 2015).

Cơ cấu kinh tế của Hà Giang giai đoạn 2016-2019 chuyển dịch đúng hướng. Tuy nhiên, năm 2020, do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến hai lĩnh vực công nghiệp-xây dựng và thương mại-dịch vụ, nên tỷ trọng nông-lâm nghiệp tăng 2,6% so với năm 2019; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng giảm 2,0% so với năm 2019; tỷ trọng thương mại - dịch vụ giảm 0,6% so với năm 2019. Do đó, giai đoạn 2016-2020, cơ cấu kinh tế chưa đạt kỳ vọng đề ra; tỷ trọng nông-lâm nghiệp chiếm 33,7%, giảm 5,1% so với năm 2015; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng chiếm 23,1%, giảm 1,6%; thương mại-dịch vụ chiếm 43,2%, tăng 1,1%.

Sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, an ninh lương thực được đảm bảo. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa được triển khai hiệu quả; tập trung tổ chức lại sản xuất cho nông dân với nhiều hoạt động trọng tâm; đã xác định rõ 06 cây, con chủ lực, có lợi thế so sánh và khả năng sản xuất trở thành hàng hóa của tỉnh (Cam, chè, dược liệu và trâu, bò, ong). Đồng thời, Tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư chiến lược đối với 10 chuỗi giá trị tiềm năng nhằm phát triển các sản phẩm trở thành hàng hóa. Trong đó, hiện đang tập trung xây dựng và phát triển đối với 03 sản phẩm là Cam sành, Gạo chất lượng cao và Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn. Chương trình phát triển cây dược liệu gắn với xóa đói giảm nghèo đã được triển khai những bước đầu về nghiên cứu sản xuất giống và xây dựng quy trình kỹ thuật trồng trọt các cây dược liệu.

Về chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): Hà Giang đã tập trung xây dựng và triển khai thực hiện mạnh mẽ Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2020 (định hướng đến năm 2030); đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin, truyền thông, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP như: Cam sành, chè Shan tuyết, mật ong, các sản phẩm dược liệu, gạo đặc sản… trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về lâm nghiệp, Hà Giang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch đất lâm nghiệp và 3 loại rừng giai đoạn 2016-2025; triển khai mô hình đưa giống tốt vào trồng rừng; tổng diện tích rừng trồng được giai đoạn 2016 - 2020 là 38.353 ha. Trong đó, diện tích thực hiện trồng rừng bằng cây giống tốt đạt 31,3%. Tỉnh đã triển khai cấp chứng nhận rừng bền vững cho 9.162,5 ha.

Sản xuất công nghiệp của Tỉnh có mức tăng trưởng khá; công nghiệp khai thác đã dần chuyển từ xuất sản phẩm thô sang sơ chế và tinh chế sản phẩm, để nâng cao giá trị sản xuất; công nghiệp chế biến tập trung vào phát triển các sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu nông lâm sản của địa phương như: chè, ván bóc, dược liệu, và các sản phẩm vật nuôi khác…; công nghiệp điện tập trung đầu tư phát triển các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ phát huy lợi thế của Tỉnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành tăng trưởng đều qua các năm, riêng đến năm 2020 bị sụt giảm, do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ước đạt 5.718 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch. Đến hết năm 2020, đã có tổng số 36 nhà máy thủy điện hoàn thành và đi vào hoạt động, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên 3.000 tỷ đồng/năm; gần 500 cơ sở chế biến nông lâm sản; 01 nhà máy luyện chì kim loại; 01 nhà máy luyện feromangan.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, quyết liệt và có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo tại Hà Giang như: Phong trào hiến đất; tham gia đóng góp ngày công để làm đường giao thông; phong trào thi đua “dân vận khéo”; mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”; các mô hình thôn tự chủ, tự quản; mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả (mô hình ngô, chăn nuôi lợn hàng hóa tại huyện Xín Mần; mô hình nhân rộng cây Ấu tẩu, Thảo quả tại huyện Quản Bạ; mô hình cam sành theo quy trình VietGAP tại huyện Bắc Quang…); đã huy động được nguồn vốn đầu tư cho Chương trình được trên 5.109,78 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp chiếm 25,5%. 

Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm, đặc biệt Hà Giang đã chủ động trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 trong năm 2020 với tinh thần quyết liệt, không chủ quan lơ là, khẩn trương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhận được sự đồng thuận, phối hợp thực hiện từ phía người dân.

Những khó khăn, hạn chế

Công tác lập, thực hiện các quy hoạch tại Hà Giang chưa đồng bộ; các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa gắn với quy hoạch sử dụng đất; chất lượng quy hoạch chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến sự thống nhất giữa các ngành và địa phương trong việc quản lý theo quy hoạch. Chất lượng quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng còn yếu. Việc thực hiện chính sách phát triển các thành phần kinh tế còn hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy mô doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh còn nhỏ lẻ.

Mục tiêu của một số đề án, phương án, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội mà Tỉnh đặt ra chưa sát nguồn lực thực tế, chủ yếu dựa vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước, chưa huy động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức thực hiện, trong khi khả năng cân đối của ngân sách địa phương còn khó khăn.

Công tác quản lý chất lượng và thương hiệu của các sản phẩm nông sản chủ lực (Cam sành, chè Shan tuyết, Mật ong bạc hà...) chưa hiệu quả, có nguy cơ bị mất thương hiệu. Sản phẩm của các làng nghề chưa đa dạng, số lượng còn ít, chưa có chỗ đứng trên thị trường. Phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng; sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú, hoạt động du lịch thiếu tính chuyên nghiệp. Hiệu quả đầu tư các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế còn hạn chế. Hoạt động xuất nhập khẩu thiếu ổn định, chính sách khuyến khích kinh tế biên mậu chưa phát huy hiệu quả.

Kết quả giảm nghèo tại Hà Giang chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao; Chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị còn lớn...

Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong giai đoạn tiếp theo

Trong những năm qua, Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, kinh tế trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến Hà Giang. Để phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, trong giai đoạn tiếp theo, Hà Giang cần chú trọng các giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ, các chương trình, dự án giảm nghèo, cải thiện và nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo động lực, khuyến khích các tầng lớp nhân dân làm giàu và tạo cơ hội để hộ nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo. Phấn đấu hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020-2025, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung sản xuất cho sản phẩm tốt, nhằm nâng cao giá trị thu hoạch/ha cây hàng năm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và thu nhập cho người dân; xây dựng thương hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường đối với một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực Tỉnh có ưu thế và sức cạnh tranh trên thị trường như: Cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà, sản phẩm thịt bò vàng, thịt lợn đen địa phương, rau củ, quả sạch...; nhân rộng mô hình liên kết nâng cao giá trị sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt các mô hình liên kết từ việc ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm; phát huy hiệu quả mô hình sản xuất đa canh trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tỉnh.

Thứ ba, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhất là ở tuyến cơ sở, phát triển mô hình bác sỹ gia đình, đưa cán bộ, bác sỹ về công tác tại cơ sở và thực hiện chế độ luân chuyển hợp lý. Khuyến khích xã hội hóa, kêu gọi đầu tư các bệnh viện, các cơ sở y tế bằng nhiều nguồn vốn. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là các chuyên khoa như tim mạch, nội tiết, ung thư...; nâng cao tinh thần phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo chuyển biến căn bản mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; đổi mới phương pháp dạy và học, khuyến khích tinh thần tự học, năng lực tư duy và vận dụng sáng tạo của học sinh.

Thứ năm, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Thứ sáu, chú trọng việc gắn phát triển du lịch với dịch vụ; Xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo mang tính đặc trưng vùng miền; Xây dựng các điểm, tuyến du lịch trọng tâm để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Thứ bảy, đẩy mạnh thực hiện các chính sách giải quyết việc làm gắn với phát triển thị trường lao động; tăng cường hợp tác, liên kết về đào tạo và giới thiệu việc làm với các địa phương trong và ngoài nước.

Thứ tám, rà soát, đánh giá chất lượng và phân loại nguồn nhân lực của Tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tạo cơ chế để thực hiện đào tạo nghề theo yêu cầu, tiêu chí của doanh nghiệp.

Thứ chín, đưa công nghệ thông tin và truyền thông trở thành động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của Tỉnh; nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước. Xây dựng một chính quyền hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin ở mức độ cao để tăng cường tính công khai, minh bạch trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chỉ số sẵn sàng ứng dụng thông tin trên địa bàn Tỉnh.

Thứ mười, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ thủ tục hành chính không phù hợp; công khai, minh bạch rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, cấp giấy phép đầu tư, kê khai nộp thuế, phí, lệ phí... Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hóa và nâng cao chất lượng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý.                

Tài liệu tham khảo:

UBND tỉnh Hà Giang (2020), Báo cáo Kết quả thực hiện Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 21/7/2016 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020;

Niêm giám thống kê tỉnh Hà Giang các năm 2016, 2017, 2018, 2019;

http://baohagiang.vn/; http://hagiang.gov.vn.