Giải pháp phục hồi nền kinh tế Việt Nam năm 2021 do ảnh hưởng từ đại dịch COVID -19

ThS. Lê Phương Hoa - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp/tapchicongthuong.vn

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, tác động tiêu cực đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu,... Tại Việt Nam, COVID-19 tác động mạnh tới nền kinh tế, khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Bài viết phân tích những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới nền kinh tế Việt Nam năm 2021 và những giải pháp phục hồi kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

1. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam

Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế (GDP) cả nước. Các đợt dịch kéo dài khiến các tỉnh, thành phố như Hà Nội và Hồ Chí Minh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong thời gian dài. Điều này khiến GDP quý III/2021 có mức giảm sâu nhất kể từ khi tính và công bố GDP theo quý tại Việt Nam.

Giải pháp phục hồi nền kinh tế Việt Nam năm 2021 do ảnh hưởng từ đại dịch COVID -19 - Ảnh 1
Nguồn: Báo cáo kết quả kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê

GDP quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngoại trừ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt tăng trưởng dương 1,04% nhưng vẫn rất thấp trong 10 năm qua (chỉ cao hơn mức tăng trưởng 0,97% của 9 tháng năm 2016); Khu vực công nghiệp và xây dựng, Khu vực dịch vụ đều giảm lần lượt là 5,02% và 9,28%. Mặc dù GDP quý III/2021 giảm sâu nhưng tính chung 9 tháng, tăng trưởng GDP vẫn đạt 1,42% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ngoài khu vực dịch vụ giảm 0,69% thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực dịch vụ vẫn đạt tăng trưởng dương lần lượt là 2,74% và 3,57% nhưng đều thấp hơn so với kỳ vọng.

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng thấp (+1,04%) trong quý III/2021 do ảnh hưởng giãn cách xã hội kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long khi đến hơn 90% sản lượng cá tra và tôm nước lợ tập trung tại vùng này. Sản lượng thủy sản nuôi trồng cả nước quý III/2021 giảm 8,8%, trong đó cá tra giảm gần 20% và tôm giảm 5,2%.

- Khu vực công nghiệp và xây dựng suy giảm ở hầu hết các ngành trong quý III, trong đó giảm mạnh nhất là ngành xây dựng và khai khoáng với mức giảm lần lượt là 11,41% và 8,25%. Đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn giữ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thì sang quý III giảm 3,24%;

- Khu vực dịch vụ quý III/2021 giảm kỷ lục do thời gian giãn xã hội kéo dài (giảm 9,28%). Trong đó, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 54,8% (20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chiếm 63% ngành dịch vụ cả nước); vận tải kho bãi giảm 21,1%; bán buôn, bán lẻ giảm gần 20%. Tuy nhiên, trong quý III/2021 một số ngành đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt ngành Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng rất cao 38,7% do dồn sức chống dịch; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,1% do tăng trưởng tín dụng đạt tốt; hoạt động thông tin và truyền thông tăng 5,3% với sản lượng chủ yếu phục vụ công tác phòng chống dịch và hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, học tập của học sinh, sinh viên.

Một trong những khâu quan trọng nhất là lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố bị hạn chế tối đa, thậm trí mọi loại hình vận tải phải ngưng hoạt động tại các tỉnh giãn cách xã hội. Hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do không thể lưu thông được hàng hóa nông sản. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm ngừng thu mua nông sản, doanh nghiệp đóng hàng xuất khẩu không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng khiến nhiều nông sản (lúa, hoa quả các loại) không thể xuất khẩu.

Không thể tiêu thụ sản phẩm do ách tắc khâu lưu thông, chi phí vận tải, bảo quản tăng cao nên giá thu mua hàng nông sản giảm mạnh nhưng giá bán tới tay người tiêu dùng ở mức cao. Tùy vào tình hình dịch bệnh, các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16+, Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 15 dẫn đến các hoạt động thương mại, lưu trú ăn uống rơi vào tình trạng ngưng trệ. Nguyên nhân khiến nền kinh tế quý III/2021 suy giảm mạnh chủ yếu do các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt được áp dụng trên phạm vi rộng, thời gian kéo dài theo Chỉ thị 16 để kiểm soát dịch bệnh.

Khi đại dịch bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài dẫn đến đứt gãy lưu thông, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Nhiều doanh nghiệp muốn duy trì sản xuất đã phải lựa chọn phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nếu không sẽ phải tạm ngừng hoạt động làm ảnh hưởng đến các đơn hàng đã ký kết trước đó.

Ngay cả khi hoạt động như vậy, các doanh nghiệp cũng phải chịu chi phí vận hành rất lớn, lực lượng lao động thiếu hụt do nghỉ việc, cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã không thể hoàn thành đơn hàng đúng hạn, phải giãn hoặc hủy bỏ hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp bị phá sản, giải thể do kiệt quệ, không đủ lực để chống chịu dịch bệnh kéo dài. Một số doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh cầm chừng, trì hoãn việc sản xuất do không hiệu quả, thua lỗ trong điều kiện rất khó khăn.

Có thể thấy, COVID-19 tác động lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động thương mại, lao động, việc làm và thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, đứng trước cú sốc này, Nhà nước nhanh chóng thực hiện các giải pháp mạnh, trước hết là để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, sau đó là để phát triển kinh tế. Các giải pháp đã chứng tỏ thành công bước đầu khi khống chế được dịch bệnh. Vấn đề còn lại là phục hồi kinh tế sau đại dịch.

2. Giải pháp phục hồi nền kinh tế Việt Nam năm 2021 do ảnh hưởng từ đại dịch COVID -19

Thứ nhất, Chính phủ và các bộ, ngành kết hợp cùng địa phương kiểm soát, kiềm chế Covid-19 thông qua tăng cường tiêm vắc-xin, xét nghiệm nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Việt Nam chủ động sản xuất vắc-xin để ứng phó với nhu cầu cao kéo dài và nguồn cung toàn cầu không ổn định.

Nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhất là khi Việt Nam mở cửa trở lại trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương lớn về thực hiện mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất - kinh doanh bắt nhịp trở lại tại những trung tâm kinh tế, khu sản xuất công nghiệp trên cả nước. 8 tỉnh/thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước), tuy chỉ chiếm gần 20% dân số, nhưng đóng góp tới 45% GDP và 40% vào giá trị xuất khẩu.

Riêng TP. Hồ Chí Minh có thể được ví như một trong những trụ cột phát triển, đóng góp khoảng gần 30% vào tăng trưởng GDP cả nước. Do đó, việc thực hiện giãn cách đã làm thiệt hại lớn cho GDP của nền kinh tế. Chính vì lí do đó, các biện pháp giãn cách cần được dần nới lỏng để phục hồi sản xuất nhằm giảm thiểu các thiệt hại về mặt kinh tế. Các tỉnh/ thành có thể tham khảo phương án mới đây của TP. Hồ Chí Minh áp dụng là yêu cầu 4 xanh, gồm: người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Thứ ba, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ cả về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn. Chính sách tài khóa cần hỗ trợ nhiều hơn cho phục hồi kinh tế, xã hội theo hướng có thể tăng chi cho y tế; hỗ trợ bằng tiền mặt nhiều hơn cho người dân; hỗ trợ lãi suất có mục tiêu, có địa chỉ cho doanh nghiệp… Trong đó bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới. Các chính sách cũng được thực hiện với chi phí thấp, do vậy không gây ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bảo lưu dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ tư, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô vì sau dịch bệnh, một số vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô được đặt ra và công tác ổn định kinh tế vĩ mô vẫn cần tiếp tục được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cần duy trì tỷ lệ lạm phát thấp. Vì, mục tiêu đặt ra là dưới 4%, nhưng có nhiều yếu tố có thể đẩy lạm phát lên cao như giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu… Do đó, đối với giá thực phẩm, thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Công Thương cần có các giải pháp kích thích tăng đàn; tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu thịt lợn nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Đối với giá xăng dầu hay lương thực, Chính phủ cần có biện pháp làm cho giá trong nước biến động đồng nhịp với giá thế giới. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy công tác kiểm tra, giám sát những hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá, trục lợi.

Bội chi ngân sách, nợ công sau COVID-19 có thể sẽ tăng cao do nguồn thu ngân sách thu hẹp và chi ngân sách tăng mạnh. Trước các cú sốc tiêu cực, bội chi ngân sách gia tăng là bình thường, nhưng vì thời kỳ trước đó, bội chi ngân sách và nợ công luôn ở mức cao, nên cú sốc COVID-19  càng làm cho các chỉ số kinh tế vĩ mô rơi vào tình trạng bất ổn. Vì thế, sau khi nền kinh tế hoạt động bình thường trở lại, các gói hỗ trợ cần được rút dần, chỉ tập trung vào những ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động tiêu cực nhất, như vận tải, bán lẻ, bảo hiểm, ngân hàng, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm từ gỗ, thép, du lịch,…

Thứ năm, triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là nhóm dễ tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài, như cú sốc dịch bệnh. Trong khi đó, các doanh nghiệp này lại là nhóm tạo nhiều việc làm cho nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới thường thiết kế chính sách riêng cho nhóm doanh nghiệp này, tập trung vào:

- Kết hợp giữa giảm bớt tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trên diện rộng và thúc đẩy cấu trúc lại các doanh nghiệp, với các biện pháp cụ thể, gồm: Hỗ trợ nguồn lực nhằm khôi phục vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp gặp khó khăn,  khuyến khích các giải pháp cấu trúc lại nợ, nâng cao hiệu quả của các thủ tục thanh lý, phá sản (nhằm phân bổ lại nguồn lực hiệu quả từ các doanh nghiệp kém hiệu quả sang các doanh nghiệp hiệu quả hơn).

- Đối tượng thụ hưởng chính sách phải được xác định cụ thể, thường là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

- Thông tin chính sách cần minh bạch và kịp thời để doanh nghiệp sớm tiếp cận.

- Nội dung chính sách hướng đến là thúc đẩy sự phổ biến công nghệ và kiến thức, bảo đảm rằng lợi ích của chuyển đổi kỹ thuật số được chia sẻ giữa các doanh nghiệp và người lao động. Thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tạo một môi trường kinh doanh năng động. Hỗ trợ người lao động, nhất là nhóm yếu thế, chuyển đổi sang công việc, việc làm mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Báo cáo số 6219-BC/BKHĐT ngày 22/9/2020 về đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
  2. Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021.
  3. https://www.gso.gov.vn