Chính sách thuế, phí, lệ phí góp phần tạo động lực phục hồi nền kinh tế
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng tác động tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu, ngay trong năm 2020, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Chính sách liên quan đến thuế, phí góp phần giúp doanh nghiệp, người dân ổn định, phục hồi
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, lan rộng khắp toàn cầu kể từ những tháng đầu năm 2020, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước theo chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.
Nhiều văn bản, chính sách được ban hành như: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho hầu hết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19; Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô; Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước...
Cũng trong năm 2020, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế (từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng) và người phụ thuộc (từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng) để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân.
Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/8/2020 đến hết ngày 31/12/2020 để hỗ trợ ngành hàng không. Số thuế giảm khoảng 384 tỷ đồng cho 21 doanh nghiệp...
Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020.
Kết quả thực hiện: số tiền lệ phí trước bạ đã giảm khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng cho khoảng 209,6 nghìn lượt hồ sơ; số giảm các khoản phí, lệ phí khác khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước thực hiện năm 2020 đạt khoảng 122 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm hơn 24,4 nghìn tỷ đồng).
Trong quá trình xây dựng các giải pháp nêu trên, từ kinh nghiệm thực tế và tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội nhằm đưa các giải pháp nhanh chóng tới được các đối tượng cần hỗ trợ.
Tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.
Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế, phí phù hợp
Năm 2021 tiếp tục đối mặt với khó khăn do dịch bệnh gây ra, các doanh nghiệp, người dân vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch Covid-19 và thực tế đã cho thấy tình hình dịch bệnh trong thời gian đã qua của năm 2021 có quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn so với các đợt dịch của năm 2020.
Theo số liệu thống kê của cơ quan thuế đến ngày 30/6/2021, tổng số tiền thuế và thu ngân sách thực tế đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước thực hiện trong 06 tháng đầu năm 2021 khoảng 26,7 nghìn tỷ đồng (trong đó số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng).
Có được kết quả trên, là do ngay từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình thực tế để nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 để hỗ trợ ngành hàng không (ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 900 tỷ đồng).
Tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính đã ban hành 2 thông tư (Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 và Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021) để tiếp tục giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính số tiền phí, lệ phí được giảm khoảng 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tổng số tiền tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.
Việc ban hành và thực hiện các giải pháp nêu trên đã tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội trong 06 tháng đầu năm 2021 (theo đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 06 tháng đã qua đạt 5,64% là hết sức tích cực).
Theo thống kê của cơ quan thuế, tính chung từ năm 2020 đến 30/6/2021, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí khoảng 148,7 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 122,1 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 26,6 nghìn tỷ.