Giải pháp tài chính, đầu tư để thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Thanh Tú

Ngày 09/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định số 389/QĐ-TTg cũng xác định các giải pháp về tài chính, đầu tư thực hiện Quy hoạch này.

Vốn thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030 được huy động, bố trí từ nhiều nguồn.
Vốn thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030 được huy động, bố trí từ nhiều nguồn.

Quyết định số 389/QĐ-TTg nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển khai thác thủy sản bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh, trật tự và lợi ích quốc gia trên sông, trên biển của Việt Nam.

Quyết định số 389/QĐ-TTg cũng nêu rõ các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đối với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đối với khai thác thủy sản và các định hướng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.

Để thực hiện Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các nhóm giải pháp được xác định gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; về tài chính, đầu tư; về môi trường, khoa học và công nghệ; về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; về đào tạo, tăng cường năng lực; về hợp tác quốc tế; về tổ chức sản xuất; về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Quyết định số 389/QĐ-TTg nêu, nhu cầu vốn thực hiện Quy hoạch đến năm 2030 khoảng 8.166 tỷ đồng, được huy động, bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác. Theo đó, các giải pháp về tài chính, đầu tư được xác định gồm:

- Huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống thông tin nghề cá, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách vào các hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, thành lập và quản lý khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản.

- Tăng ngân sách đầu tư của Nhà nước cho quản lý, xây dựng và phát triển các khu bảo tồn biển, khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thuỷ sản; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; khuyến ngư, đào tạo nguồn nhân lực; đầu tư xây dựng cảng cá loại I-II, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; bảo đảm việc tăng ngân sách đầu tư theo đúng quy định và trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

- Chủ động rà soát, đánh giá sự cấp bách, cần thiết đầu tư của các dự án phát triển thủy sản trong giai đoạn tới. Ưu tiên bố trí vốn thực hiện khởi công và hoàn thành sớm các dự án đầu tư, dự án phục vụ chống khai thác IUU; bảo đảm đầu tư đồng bộ, hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng nhiệm vụ chống khai thác IUU.

- Nguồn lực thực hiện quy hoạch được huy động, bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác, vốn ngân sách nhà nước bố trí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về đầu tư công. Các nguồn vốn huy động khác phù hợp với quy định của pháp luật.