Giải pháp tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp
(Tài chính) Nguồn vốn quan trọng nhất hiện nay mà các doanh nghiệp đang chờ đợi là nguồn vốn ổn định, nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất cố định trong thời gian dài. Đó là ý kiến của chuyên gia kinh tế, PGS., TS. Trần Hoàng Ngân – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.
PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân
Nhóm giải pháp dài hạn, thực hiện 3 đột phá chiến lược (đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng, đột phá về nguồn nhân lực) của Chính phủ, đặc biệt là thể chế và các cam kết mà Việt Nam tham gia, việc tuân thủ các điều khoản khi tham gia vào sân chơi chung không chỉ giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước dễ dàng thâm nhập vào thị trường nước ngoài mà còn tạo được uy tín của Việt Nam trong việc thực hiện quy định của các hiệp định.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mở rộng thị trường chứng khoán, nới rộng cho các nhà đầu tư nước ngoài để thị trường này phát triển bền vững, và từ đó chia sẽ gánh nặng với ngân hàng thường mại trong việc hỗ trợ nguồn vốn trung và dài hạn để các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn này của nền kinh tế, còn các ngân hàng thương mại chỉ cho vay ngắn hạn mà thôi.
Nhóm giải ngắn hạn, Bộ Tài chính và các ban ngành đã đẩy nhanh quá trình bù đắp những thiệt hại của các doanh nghiệp trong sự cố vừa qua. Đây vừa là một cách giúp nước ta lấy lại uy tín với các nhà đầu tư, vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam. Việc giải quyết nhanh các thiệt hại cho các nhà đầu tư vừa tăng uy tín vừa thu hút thêm các nhà đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông để tuyên truyền, giới thiệu về môi trường đầu tư của Việt Nam để Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Chúng ta cũng cần có chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói, đây là ngành mà chúng ta có nhiều tiềm năng với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, với đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mong muốn có môi trường phát triển kinh tế xã hội bền vững lành mạnh. Muốn phát triển du lịch chúng ta phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông ở những khu du lịch.
Ngoài ra, Chính phủ phải có sự hỗ trợ với các doanh nghiệp thông qua quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, ở một số địa phương đã có thành lập mô hình này, tuy nhiên mức độ quỹ này rất nhỏ. Thế nên, việc cần thiết lúc này là chúng ta phải chuyển một nguồn nhất định từ ngân sách nhà nước cho quỹ này. Đây là cơ hội giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn, một khi doanh nghiệp có vồn thì họ sẽ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó ngân sách cũng có được nguồn thu.
Bên cạnh đó cần triển khai Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định vào ngày 17/4 (tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được triển khai, quỹ này có tác dụng hỗ trợ, xúc tiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển). Riêng với lĩnh vực nông nghiệp của chúng ta cũng là thế mạnh đang rất phát triển, chúng ta đang vướng mắc ở đầu ra sản phẩm, tập trung vốn để tái cấu trúc ngành nông nghiệp, một khi lo được cho ngành nông nghiệp thì chúng ta lo được cho hơn 60% dân số sống ở vùng nông thôn, đảm bảo được 50% lao động của xã hội, chúng ta cũng có nguồn vốn nhất định cho người nông dân.
Nguồn vốn quan trọng nhất hiện nay mà các doanh nghiệp đang chờ đợi là nguồn vốn ổn định, nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất cố định. Chính nguồn vốn này sẽ giúp cho các doanh nghiệp có nguồn vốn để đầu tư cải tiến trang thiết bị máy móc, nhưng các doanh nghiệp cũng đang lo lắng về lạm phát trong thời gian tới sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh nên chúng ta phải có nguồn vốn ổn định, duy trì lãi suất trong một thời gian để doanh nghiệp có kế hoạch vay với lãi suất thấp phục hồi doanh nghiệp. Tiếp tục giảm lãi suất cũng là một yếu tố giúp tăng tổng cầu, đẩy vốn lên cao cho nền kinh tế phát triển ổn định vững bền.