Giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm nhờ áp dụng ISO 22000


Thông qua sự hỗ trợ từ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng thành công Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm (ISO 22000) với hiệu quả thiết thực về tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.

 Áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Nguồn: internet
Áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí. Nguồn: internet

Nhân rộng mô hình áp dụng ISO 22000

Thời gian qua, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp đã nhân rộng áp dụng Hệ thống ISO 22000 vào áp dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam thuộc Dự án “Thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng” nằm trong Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Dựa trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp, các chuyên gia về ISO 22000 đã triển khai đào tạo doanh nghiệp nắm được các yêu cầu tiêu chuẩn ISO 22000 và triển khai trên thực tế, duy trì có hiệu lực ISO 22000 tại doanh nghiệp, qua đó, cải tiến hệ thống nhằm nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng.

Theo đó, ISO 22000 ngày càng được phổ biến và nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng thực phẩm trên cả nước. Nhờ áp dụng hiệu quả ISO 22000, doanh nghiệp đã có bước chuyển biến đáng kể về nhận thức, đặc biệt trong việc nhận biết và kiểm soát mối nguy về an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng.

Quan trọng hơn, áp dụng ISO 22000 đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, chuẩn hoá các hành vi thực hành sản xuất và quản lý về an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế…

Doanh nghiệp giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm

Điển hình trong áp dụng thành công ISO 22000 là Công ty TNHH thực phẩm Sunrise. Với sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn, Công ty đã tập trung xây dựng và chuẩn hóa hệ thống quy trình, thủ tục, hướng dẫn và đưa vào áp dụng ISO 22000 tại tất các bộ phận trong Công ty. Nhờ đạt chứng nhận ISO 22000, các sản phẩm của Công ty TNHH thực phẩm Sunrise dễ dàng được phân phối tại các chuỗi siêu thị lớn. 

Cũng trong khuôn khổ Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Công ty CP Thực phẩm 1/6 đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã triển khai thực hiện Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000, mang lại những hiệu quả rất thiết thực cho doanh nghiệp.

Nhờ áp dụng hiệu quả ISO 22000, doanh nghiệp đã có bước chuyển biến đáng kể về nhận thức, đặc biệt trong việc nhận biết và kiểm soát mối nguy về an toàn thực phẩm trong toàn chuỗi cung ứng.

Ban đầu, Công ty cổ phần Thực phẩm 1/6 có tổng 20 người hoạt động tại hai ban ISO; mỗi cán bộ được Công ty trả thêm 1,5 triệu đồng/người/tháng, tương đương 360 triệu đồng mỗi năm. Sau khi thực hiện tích hợp hai ban ISO thành một, thì chi phí cho hoạt động này cũng giảm đi giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, việc áp dụng ISO 22000 còn giúp Công ty tiết kiệm được thời gian đánh giá nội bộ. Việc tích hợp ban ISO thành một đã rút ngắn thời gian đánh giá nội bộ xuống chỉ còn 4 ngày/ đợt đánh giá (ít hơn so với trước là cần 8 ngày/ đợt đánh giá). Trước đây các cuộc họp để kiểm soát hai hệ thống thường được tổ chức, sau khi tích hợp, ban lãnh đạo sẽ được tiếp cận thông tin chỉ với một cuộc họp giao ban, rút ngắn đáng kể thời gian tổ chức.

Công ty cổ phần NosaFood - doanh nghiệp chuyên sản xuất tương ớt, tương cà, nước tương, viên gia vị, các loại sốt, nước mắm, nước mắm chay, muối tiêu… cũng là một minh chứng cho hiệu quả mà  ISO 22000 mang lại. Sau khi thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 22000, Công ty Cổ phần NosaFood đã tiết kiệm chi phí 120 triệu đồng/năm, trong khi các cán bộ, nhân viên tham gia trong ban ISO được tăng thêm thu nhập 5 triệu đồng/tháng.

Không những thế, Công ty cũng giảm 1/2 thời gian đánh giá tiêu chuẩn so với trước khi áp dụng IOS 22000. Qua quá trình đánh giá cũng cho thấy, việc ghi chép hồ sơ của cán bộ vận hành cũng giảm rất nhiều trong khi vẫn kiểm soát được các công việc một cách hiệu quả; Hệ thống tài liệu cũng giảm đi một nửa nên việc tìm hiểu hệ thống quy định cũng thực hiện một cách dễ dàng...