Để cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng thực sự trở thành phong trào trong doanh nghiệp
Với việc triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” theo Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg, đến nay, cả nước có hàng vạn doanh nghiệp, tổ chức áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng tiên tiến khác nhau. Theo Bộ Công Thương, để hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng thực sự trở thành phong trào trong các doanh nghiệp, còn rất nhiều việc phải làm.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã xác định việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ chính là một trong những yếu tố nền tảng quan trọng nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Việc Chính phủ phê duyệt duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” tại Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg đã thể hiện những nỗ lực cụ thể của Chính phủ đối với định hướng của Đảng và Nhà nước.
Nhờ đó, phong trào năng suất và chất lượng sau hơn 2 thập kỷ triển khai, đặc biệt là từ khi có Chương trình năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, với sự triển khai tương đối đồng bộ các tiểu dự án ở cấp Bộ, ngành và địa phương đã có những tác động hết sức tích cực, tạo chuyển biến cho hoạt động cải tiến năng suất chất lượng ở nhiều doanh nghiệp.
Triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã tổ chức việc xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động triển khai dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp. Mặc dù về mặt số lượng, các mô hình triển khai tại doanh nghiệp chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ Chương trình nói chung và hoạt động của Dự án của Bộ Công Thương nói riêng là tích cực.
Theo Bộ Công Thương, để hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng thực sự trở thành phong trào trong các doanh nghiệp, ngành và cả nước, trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về thúc đẩy phong trào năng suất quốc gia
Cần có sự tập trung ưu tiên hơn nữa đối với Phong trào năng suất quốc gia cũng như hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp. Tiếp tục xây dựng và triển khai Chương trình năng suất trong giai đoạn tiếp theo là cần thiết, song việc thiết kế cũng như tổ chức thực hiện cần khắc phục những vướng mắc hiện tại.
Thứ hai về thúc đẩy hoạt động cải tiến năng suất chất lượng tại doanh nghiệp
Tập trung xây dựng những mô hình điểm, điển hình về cải tiến năng suất, chất lượng, không chỉ tập trung vào vấn đề quản trị mà cần hướng tới những mô hình tổng thể, gắn với đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ ba về cơ chế thúc đẩy mở rộng các hoạt động cải tiến của doanh nghiệp
Hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng phải trở thành nhu cầu nội tại và hoạt động tự thân của doanh nghiệp trong dài hạn. Do đó, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, minh bạch và bình đẳng trong cạnh tranh là điều kiện cơ bản. Bên cạnh đó, để khuyến khích, cần có những chính sách, cơ chế tài chính khuyến khích việc thực hiện của doanh nghiệp dựa trên những kết quả các doanh nghiệp đã đạt được từ hoạt động cải tiến. Những hoạt động tôn vinh, quảng bá rất cần thiết để thúc đẩy phong trào năng suất.
Triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã tổ chức việc xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động triển khai dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp.