Hỗ trợ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam theo chiều sâu
Theo nhận định của Bộ Công Thương, tiềm năng và cơ hội cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng ở mỗi doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực còn rất lớn và cũng là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Một trong những điều chỉnh đáng chú ý trong hoạt động hỗ trợ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là hướng vào chiều sâu.
Phong trào năng suất và chất lượng sau hơn 2 thập kỷ triển khai, đặc biệt là từ khi có Chương trình năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, với sự triển khai tương đối đồng bộ các tiểu dự án ở cấp Bộ, ngành và địa phương đã có những tác động hết sức tích cực, tạo chuyển biến cho hoạt động cải tiến năng suất chất lượng ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, tiềm năng và cơ hội cải tiến nâng cao năng suất và chất lượng ở mỗi doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực còn rất lớn và cũng là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay.
Phong trào năng suất và chất lượng sau hơn 2 thập kỷ triển khai, đặc biệt là từ khi có Chương trình năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, với sự triển khai tương đối đồng bộ các tiểu dự án ở cấp Bộ, ngành và địa phương đã có những tác động hết sức tích cực, tạo chuyển biến cho hoạt động cải tiến năng suất chất lượng ở nhiều doanh nghiệp.
Liên tục cải tiến, tối ưu hóa các quá trình sản xuất gắn với đầu tư đổi mới công nghệ trong quản trị và sản xuất sẽ là yêu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Mỗi doanh nghiệp, ở những quy mô và điều kiện khác nhau sẽ có cách tiếp cận và lựa chọn phương án phù hợp nhằm triển khai các giải pháp, đầu tư hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, hỗ trợ triển khai từ phía Nhà nước trong thời gian tới cũng cần có cách thức tiếp cận và triển khai phù hợp.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, một trong những điều chỉnh đáng chú ý trong hoạt động hỗ trợ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam là triển khai hướng vào chiều sâu.
Theo đó, yêu cầu và tiêu chí chung để lựa chọn doanh nghiệp và hoạt động gồm: Có tính đặc thù cho ngành, lĩnh vực; Có khả năng phổ biến, nhân rộng cho các doanh nghiệp khác trong ngành và toàn ngành; Doanh nghiệp đầu tư, triển khai cùng hoạt động hỗ trợ của nhà nước; đảm bảo mức độ đối ứng từ 50-70%, đặc biệt là các dự án gắn với đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tại doanh nghiệp; Doanh nghiệp thực hiện tốt các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng trong giai đoạn ít nhất từ 3-5 năm.
Bên cạnh đó, cũng theo Bộ Công Thương, đối với các nội dung ưu tiên, cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Thứ nhất, lựa chọn, đẩy mạnh triển khai một số công cụ, hệ thống cải tiến, hệ thống quản lý chất lượng có tính chất đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường.
Thứ hai, xây dựng các mô hình tổng thể triển khai các hoạt động cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp; kết hợp giữa các giải pháp đổi mới công nghệ quản trị với ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất, thiết bị tại doanh nghiệp.
Thứ ba, ưu tiên nghiên cứu, phát triển, ứng dụng thí điểm sản phẩm, giải pháp kỹ thuật nhằm triển khai, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp: Quản trị theo chuỗi sản xuất; Quản trị nhà máy và quản trị từng cấu phần hoạt động của nhà máy (hoạt động lập kế hoạch, hoạt động quản lý sản xuất, hoạt động đo lường kiểm tra, giám sát chất lượng; hệ thống bảo trì, bảo dưỡng; hệ thống năng lượng; hệ thống kho …); từng bước hình thành các mô hình quản trị thông minh, nhà máy số.
Thứ tư, lựa chọn, thí điểm đầu tư chiều sâu kết hợp giữa các giải pháp tư vấn cải tiến, đổi mới hệ thống quản trị doanh nghiệp với đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại phù hợp với xu thế phát triển và ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ năm, lựa chọn đầu tư, hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu nhằm tăng cường năng lực cho một số đơn vị nghiên cứu, tư vấn chuyên ngành trong việc nghiên cứu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất tại doanh nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm (dưới dạng dự án sản xuất thử nghiệm hoặc hỗ trợ phần nghiên cứu, chuyển giao và ứng dung công nghệ trong dự án đầu tư).