Giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên

Theo Phạm Hà Nguyên/thoibaonganhang.vn

Chính sách lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên được thực hiện gần 4 năm qua (Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN) đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cũng như hỗ trợ các DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao.

Sản xuất công nghệ cao là một trong những lĩnh vực vay vốn ngắn hạn bằng VND lãi suất tối đa 5%/năm. Nguồn: internet
Sản xuất công nghệ cao là một trong những lĩnh vực vay vốn ngắn hạn bằng VND lãi suất tối đa 5%/năm. Nguồn: internet

Ông Nguyễn Văn Kiên – Chủ một DN nuôi tôm ở Cần Giờ, TP.HCM cho biết, ông vừa vay của Agribank 19 tỷ đồng với lãi suất 5,5%/năm kỳ hạn 9 tháng để mua thức ăn thủy sản và trang trải các chi phí cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. DN của ông đã có quan hệ với Agribank từ nhiều năm nay, mọi hoạt động thu tiền từ đối tác mua hàng tôm, thanh toán tiền vật tư, chi trả lương thưởng tiền công người lao động… đều thực hiện thông qua Agribank. Theo đó, ngân hàng có thể nắm rõ dòng tiền của DN và đó cũng là điều kiện rất quan trọng trong việc tiếp cận các khoản tín dụng ngắn hạn phục vụ cho hoạt động của DN.

“Tôi được Agribank cho vay ngắn hạn với lãi suất chỉ 5,5%/năm. Bên cạnh đó, DN lại thuộc đối tượng được hỗ trợ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của UBND TP.HCM theo Quyết định 655, được bù lãi suất đến 100%, nên không phải trả đồng lãi nào, chỉ phải trả vốn gốc vay của Agribank. Vừa qua, cán bộ Agribank thông báo lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND tiếp tục được giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm từ ngày 13/5. Đây là cơ hội cho những DNNVV nuôi tôm như chúng tôi tiết giảm chi phí và mở rộng nuôi trồng khi thị trường tôm xuất khẩu vào Nhật Bản vẫn rất tốt”, ông Kiên bộc bạch.

Tương tự, các hộ dân ở huyện Củ Chi, TP.HCM cũng được các ngân hàng giảm lãi suất vay vốn tiền đồng ngắn hạn về còn 5,0%/năm để phát triển sản xuất rau, củ, quả sạch theo chương trình tín dụng tam nông của Chính phủ.

Theo số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến hết tháng 4/2020, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 164.966 tỷ đồng, trong đó dư nợ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đạt 27.462 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 13.619 tỷ đồng; DNNVV đạt 117.350 tỷ đồng; công nghiệp phụ trợ đạt 6.747 tỷ đồng; DN ứng dụng công nghệ cao đạt 83 tỷ đồng.

Có thể khẳng định, chính sách lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên được thực hiện gần 4 năm qua (Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN) đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu cũng như hỗ trợ các DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao. Phạm vi đối tượng cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên rất rộng, gần như phủ khắp mọi ngành hàng và đặc biệt khuyến khích mạnh vào các đối tượng DNNVV một trong những thực thể mới tham gia thị trường cần được nâng đỡ phát triển.

Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay NHNN đã hai lần công bố giảm lãi suất cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên với mức giảm lên tới 1% về còn tối đa là 5% đã hỗ trợ cho các đối tượng này tiết giảm chi phí vốn, vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên để được vay vốn với lãi suất ưu đãi, các đối tượng này vẫn phải đáp ứng các tiêu chí của các ngân hàng. Căn cứ vào Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay, các ngân hàng xây dựng tiêu chí khách hàng được vay vốn ngắn hạn bằng VND với lãi suất thấp khác nhau, tùy thuộc vào phân khúc khách hàng, thị trường của ngân hàng và năng lực tài chính của mỗi ngân hàng. Tuy nhiên, tiêu chí phổ biến nhất các ngân hàng đang áp dụng đối với khách hàng vay vốn ngắn hạn bằng VND hiện nay là DN phải hoạt động có lãi 3 năm liên tiếp, phương án sản xuất kinh doanh khả thi và tình hình tài chính minh bạch.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng giảm lãi suất thấp hơn mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND cho những cá nhân, tổ chức kinh doanh vay vốn khi ngân hàng cho vay quản lý được dòng tiền của DN. Điều này giúp tiết giảm tối đa chi phí giá vốn đầu vào cho ngân hàng để DN có cơ hội được nhận lãi suất cho vay thấp, miễn giảm phí thanh toán và đặc biệt dòng tiền của phương án bán hàng của DN chính là tài sản đảm bảo nợ vay cho ngân hàng.

Không chỉ đối với các lĩnh vực ưu tiên, thời gian qua những DN sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng như lương thực thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát luôn là những đối tượng ngân hàng săn đón cho vay với lãi suất chỉ xoay quanh mức 5%/năm. Nguyên nhân một phần cũng bởi, một khối lượng tiền mặt cần thu hộ hàng tháng, hàng quý của họ đều được thực hiện qua ngân hàng, giúp ngân hàng có thể kiểm soát được dòng tiền của các DN này.