Giảm lãi suất, ngân hàng “liệu cơm gắp mắm”
Phải giảm lãi suất cho các khoản vay đã giải ngân lẫn các khoản vay mới là việc khó mà vẫn phải làm của các nhà băng trong giai đoạn hiện nay. Làm thế nào thực hiện giảm lãi suất theo yêu cầu của cơ quan quản lý và thể hiện trách nhiệm xã hội nhưng mặt khác không để ảnh hưởng lớn tới lợi ích cổ đông là bài toán các ngân hàng đang tìm lời giải.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa được Ngân hàng Vietcombank công bố cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong quý I chỉ đạt hơn 5.222 tỷ đồng, giảm hơn 11% so với con số hơn 5.878 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nợ xấu tại Vietcombank tính đến 31/3/2020 tăng 388 tỷ đồng so với cuối năm 2019, lên mức 6.191 tỷ đồng.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, mỗi ngân hàng thương mại có năng lực tài chính khác nhau nên quyết tâm rất cao, nhưng sự ứng xử, chia sẻ với doanh nghiệp cũng khác nhau. Ước tính, Vietcombank sẽ chia sẻ lợi nhuận tới 2.240 tỷ đồng với doanh nghiệp qua việc giảm lãi suất này.
Tình trạng giảm lợi nhuận và tăng nợ xấu cũng diễn ra ở nhiều ngân hàng khác và đây cũng là xu thế được dự báo có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong những quý tiếp theo.
Báo cáo đánh giá chi tiết tác động của các yếu tố đến thu nhập ngành ngân hàng vừa được Viện Nghiên cứu và Đào tạo thuộc Ngân hàng BIDV công bố cho thấy, mức giảm thu nhập của các ngân hàng khi áp dụng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế là những con số rất lớn.
Cụ thể, chính sách giảm lãi suất 1 - 1,5% với các khoản vay hiện hữu có thể làm giảm đến 11.475 tỷ đồng thu nhập. Giảm lãi suất với khoản vay mới có thể làm giảm 6.075 tỷ đồng thu nhập. Việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và không tính lãi phạt có thể làm giảm 3.500 tỷ đồng. Việc tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do nợ xấu tăng cũng có thể làm giảm thu nhập ở mức 6.736 tỷ đồng.
Phân tích từ diễn biến hoạt động của các ngân hàng hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, các ngân hàng thương mại đang giảm lãi suất cho các khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, song mức giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào ngân hàng. Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là kêu gọi giảm lãi suất chứ không bắt buộc phải giảm và càng không phải là giảm xuống dưới mức chi phí vốn.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng tính toán lãi vay dựa trên chi phí huy động vốn cộng với lợi nhuận khoảng 3%. Do đó, giảm lãi suất là việc chia sẻ, chấp nhận bớt lợi nhuận của các ngân hàng vì khách hàng và cũng vì chính ngân hàng.
“Để vừa thực hiện chính sách này lại vừa giảm thiểu thiệt thòi về lợi nhuận, các ngân hàng buộc phải tìm cách giảm chi phí vốn nhiều nhất có thể và khéo léo tính toán mức giảm lãi vay phù hợp. Theo đó, ngân hàng có thể giảm lãi suất huy động khi nhu cầu về vốn đầu vào không quá cao. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể sử dụng nguồn tiền gửi không kỳ hạn hiện chiếm khoảng 20 - 30% tổng vốn huy động để cung ứng cho doanh nghiệp với lãi suất thấp”, ông Hiếu nói.
Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất trên dư nợ hiện hữu 948.407 tỷ đồng cho 289.204 khách hàng với số lãi dự kiến giảm là 3.530 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã có 146.571 khách hàng được cho vay mới lãi suất ưu đãi với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng.