Giám sát, quản lý tài chính để bảo vệ hệ thống tài chính - ngân hàng
(Tài chính) Bảo vệ hệ thống tài chính - ngân hàng trước tác hại của hoạt động rửa tiền, tài trợ cho khủng bố và sự lạm dụng hệ thống vì mục đích tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Các cơ quan cấp quốc gia nếu chỉ áp đặt các yêu cầu bảo vệ khu vực tài chính bằng luật pháp thì vẫn chưa đủ mà còn phải tiến hành các biện pháp để bảo đảm rằng những yêu cầu đó được thực hiện trong thực tế.
Tiền không thể được rửa, khủng bố không thể được tài trợ nếu không có sự dính líu của các tổ chức tài chính, một số doanh nghiệp hoặc cá nhân. Khi bọn tội phạm kiểm soát được các tổ chức tài chính hay nắm được các vị trí quản lý cấp cao trong các tổ chức tài chính thì việc ngăn chặn và khám phá việc rửa tiền, tài trợ cho khủng bố sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Giống như nhiều yếu tố khác của các tiêu chuẩn quốc tế, phạm vi quản lý và giám sát cần dựa trên mức độ rủi ro về rửa tiền và tài trợ cho khủng bố của tổ chức hữu quan. Khuôn khổ được các tổ chức đặt tiêu chuẩn thiết lập cần quy định các loại quản lý và giám sát dành cho:
• Các tổ chức phải thi hành những nguyên tắc cốt lõi,
• Các tổ chức tài chính khác, và
• Các doanh nghiệp và ngành nghề phi tài chính chỉ định.
Các tổ chức có các nguyên tắc cốt lõi: Các tổ chức này, ví dụ, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, ngành chứng khoán phải tuân theo các chế độ giám sát toàn bộ như quy định trong các tiêu chuẩn đã được ban hành bởi Uỷ ban Basel về giám sát hoạt động ngân hàng, Hiệp hội quốc tế các cơ quan giám sát bảo hiểm và Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán. Những điều khoản đó bao gồm các yêu cầu đối với:
- Việc cấp giấy phép và việc trao quyền tham gia kinh doanh;
- Đánh giá (xác định là thích hợp và hợp thức) của các giám đốc và cán bộ quản lý cao cấp về tính liêm chính, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm;
- Những điều cấm tham gia đối với các giám đốc và cán bộ quản lý có hồ sơ phạm tội hoặc phán quyết chỉnh đốn bất lợi; và
- Những điều cấm đối với quyền sở hữu hoặc việc kiểm tra những giám đốc và cán bộ quản lý cao cấp có hồ sơ phạm tội.
Các tổ chức tài chính khác: Các tổ chức tài chính này bình thường không phải tuân theo các yêu cầu chặt chẽ tương tự như các tổ chức có nguyên tắc cốt lõi nhưng những yêu cầu tối thiểu đối với các tổ chức tài chính khác này là:
- Các tổ chức đó phải được cấp giấy phép hoặc đã đăng ký;
- Họ phải tuân theo sự giám sát hoặc kiểm soát vì các mục đích chống rửa tiền đối với nguy cơ rửa tiền và tài trợ cho khủng bố trong lĩnh vực đó.
Theo Khuyến nghị thứ 23 trong 40 khuyến nghị về chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) thì ít nhất các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ chuyển tiền hay giá trị hoặc chuyển đổi tiền tệ phải được cấp phép hoặc đăng ký và được giám sát bởi các hệ thống quản lý và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của quốc gia nhằm phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Các ngành nghề và doanh nghiệp phi tài chính chỉ định: Nhóm này được phân chia thành hai loại: các sòng bạc và doanh nghiệp phi tài chính khác (các NFBP khác).
Các sòng bạc phải là đối tượng điều chỉnh của một cơ chế quản lý và giám sát toàn diện đảm bảo thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ khủng bố cần thiết. Tối thiểu là:
- Các sòng bạc phải được cấp phép;
- Các cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện các biện pháp quản lý và pháp lý cần thiết để ngăn cản tội phạm hoặc các băng nhóm của chúng nắm giữ hoặc trở thành chủ sở hữu thụ hưởng lợi ích kiểm soát, quyết định hoặc nắm giữ vai trò quản lý hay trở thành người điều hành sòng bạc;
- Các cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo rằng các sòng bạc được giám sát hiệu quả trong việc tuân thủ các yêu cầu về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Đối với tất cả các doanh nghiệp phi tài chính khác (NFBP khác), yêu cầu là các hệ thống hiệu quả để việc theo dõi và bảo đảm thực hiện trên cơ sở sự nhạy cảm với rủi ro phù hợp. Việc theo dõi có thể do hoặc một cơ quan nhà nước hoặc một tổ chức tự quy định thực hiện.
Đây cũng là nội dung khuyến nghị 24 của FATF trong 40 khuyến nghị về chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền phải xây dựng hướng dẫn và cung cấp thông tin phản hồi hỗ trợ các định chế tài chính, các loại hình kinh doanh chỉ định và ngành nghề phi tài chính trong việc áp dụng các biện pháp quốc gia nhằm phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đặc biệt là trong việc phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ.