Giảm tải áp lực vốn cho thị trường tiền tệ

Theo thoibaonganhang.vn

Có được tín nhiệm tốt, chắc chắn, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành sẽ có tính thanh khoản cao và đồng nghĩa với việc huy động vốn qua kênh TPDN của doanh nghiệp (DN) sẽ thành công.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, mục tiêu đặt ra là phấn đấu đưa dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 7% GDP vào năm 2020 (quy mô TPDN hiện chỉ chiếm 1% GDP).

Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, chuyên gia ngân hàng (NH), TS. Bùi Quang Tín cho rằng đây là chủ trương hoàn toàn đúng, bởi nếu làm được như vậy sẽ giúp giảm áp lực nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường tiền tệ. Nhưng, vấn đề là thực thi như thế nào.

Phóng viên: Theo ông, lý do nào mà thị trường TPDN lại phát triển chậm trong thời gian vừa qua?

TS. Bùi Quang Tín.
TS. Bùi Quang Tín.

  TS. Bùi Quang Tín: Tôi cho rằng, có nhiều lý do khiến cho thị trường TPDN chậm phát triển, nếu không nói là giậm chân tại chỗ trong thời gian vừa qua. Đó là khung pháp lý cho thị trường chưa rõ. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, từ nhà phát hành đến thị trường thứ cấp chưa tốt.

Đặc biệt, rủi ro từ các DN phát hành TPDN còn lớn nên các nhà đầu tư (NĐT) cũng rất thận trọng khi đầu tư. Trong khi đó, cơ quan xếp hạng về TPDN rất ít và thị trường còn thiếu các nhà bảo lãnh. Đây là nguyên nhân mấu chốt khiến cho thị trường TPDN còn yếu.

Vậy, làm cách nào để các mục tiêu mà lộ trình phát triển thị trường TPDN như nêu trên trở nên khả thi?

Để thị trường TPDN phát triển, chắc chắn cần những nhà xếp hạng TPDN để đưa các trái phiếu này lên thị trường sơ cấp. Lúc đó, NĐT hay nhà đầu cơ mới dám mua.

Thời gian đầu chỉ kỳ vọng các NHTM, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tham gia mua. Còn xét góc độ cá nhân, theo tôi, người nào giỏi về lĩnh vực tài chính mới tham gia thị trường này.

Một trong những yếu tố rất quan trọng nữa đó là cần có đơn vị bảo lãnh phát hành như các TCTD, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính… Nhà bảo lãnh lúc này không những bảo lãnh phát hành mà đảm bảo trong quá trình chi trả trái phiếu đó.

Càng nhiều nhà bảo lãnh thì lãi suất TPDN phát hành lại càng thấp, có lợi cho DN phát hành. Đối với NĐT thì yên tâm hơn về khoản đầu tư của mình an toàn khi có nhà bảo lãnh.

Tất nhiên, khi bảo lãnh thì DN tốn chi phí. Vì vậy, về vấn đề này, theo quan điểm của tôi, các cơ quan chức năng phối hợp, trao đổi với các NHTM, tổ chức tài chính để cùng nhau bàn cách đưa ra giải pháp bảo lãnh hiệu quả nhất.

Nếu bảo lãnh trên cơ sở tín chấp thì liệu NH dám bảo lãnh hay không, vì rất rủi ro trong khi khung pháp lý vẫn chưa rõ ràng cụ thể. Trường hợp không may xảy ra, DN không trả được thì NH bảo lãnh phải trả thay. Để giải tỏa lo ngại cho cả DN và nhà bảo lãnh, theo tôi cần có cơ quan nhà nước đứng ra làm đầu mối mới có thể đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Thời gian tới, các DN đẩy mạnh phát hành TPDN trên thị trường thứ cấp thay vì loanh quanh tại thị trường sơ cấp. Đó là cơ sở quan trọng theo tôi có thể giúp cho mục tiêu phát triển thị trường TPDN tăng từ 1% GDP hiện nay lên 7% GDP vào năm 2020.

Theo ông, TPDN nào sẽ thu hút được NĐT nhiều hơn?

Thứ nhất là những DN làm ăn hiệu quả dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Thứ hai, DN đó phải lên sàn, có thể là chính thức hoặc UPCoM, OTC – bởi khi lên sàn các thông tin sẽ được công khai, minh bạch hơn về sức khỏe tài chính của DN.

Thứ ba, quan hệ vay vốn với các NH, tổ chức tài chính phải rõ ràng, chứng minh được mức độ đáng tin cậy cao, tạo niềm tin cho NĐT.

Thứ tư, hoạt kinh doanh trong quá khứ như thế nào cần phải công khai để làm cơ sở giúp các nhà bảo lãnh tin tưởng giảm chi phí bảo lãnh, cũng như giảm lãi suất cho NĐT.

Có được tín nhiệm tốt, chắc chắn, TPDN được phát hành sẽ có tính thanh khoản cao và đồng nghĩa với việc huy động vốn qua kênh TPDN của DN sẽ thành công.

Đó là triển vọng trong dài hạn. Trước mắt, làm thế nào để giảm áp lực vốn trung, dài hạn cho hệ thống NH?

Thị trường tài chính Việt Nam có nhiều trụ cột, NH chỉ là một trụ cột. Nhưng thực tế các trụ cột khác lại hoạt động không hiệu quả nên tạo gánh nặng vốn lên hệ thống NH. Thời gian tới, theo tôi, khi thị trường trái phiếu còn chờ ngấm chính sách, công ty bảo hiểm hoạt động yếu, quỹ đầu tư tranh sáng tranh tối thì chỉ còn có thể trông chờ TTCK.

Cụ thể, việc ra đời TTCK phái sinh ngày 10/8/2017 là động thái tích cực hỗ trợ thanh khoản cho thị trường này, tăng cơ hội đầu tư cũng như giảm thiểu rủi ro cho các NĐT. Theo tôi, đây sẽ là kênh được kỳ vọng giảm tải áp lực cấp vốn nền kinh tế cho NH trong thời gian tới.

Cảm ơn ông!