Giảm thời gian thông quan hàng hóa qua đổi mới kiểm tra chuyên ngành
Để giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, ngành Hải quan đã, đang đẩy mạnh các hoạt động cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan...
Thủ tục thông quan hàng hóa qua biên giới liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp (cơ quan Hải quan, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan quản lý và kinh doanh kho bãi cảng, logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ngân hàng, kho bạc...).
Do vậy, để giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới cần có sự nỗ lực cố gắng của cơ quan Hải quan và nhiều cơ quan, bộ ngành liên quan.
Để giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan.
Đồng thời, ngành Hải quan tích cực phát huy vai trò chủ trì, đầu mối trong triển khai cơ chế một cửa, cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhằm giảm thời gian thông quan, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, phương tiện vận tải.
Một số cải cách tiêu biểu như tiếp tục cải cách thể chế theo hướng đồng bộ, minh bạch, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất nhập khẩu và các Luật khác có liên quan, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng, triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Hệ thống công nghệ thông tin Hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về hải quan trong tình hình mới, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, kết nối với các đối tác thương mại của Việt Nam… nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý tập trung, kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan với các bộ, ngành và đơn vị có liên quan tham gia chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu quản lý doanh nghiệp, quản lý toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Song song, ngành Hải quan đẩy mạnh triển khai thanh toán thuế điện tử 24/7; tăng cường ứng dụng quản lý rủi ro; tăng cường quan hệ đối tác Hải quan doanh nghiệp, thực hiện liêm chính hải quan.
Không dừng lại ở đó, hiện nay Tổng cục Hải quan tích cực, tập trung triển khai Đề án kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 với 7 nội dung cải cách: cơ quan Hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra chặt, thông thường, giảm cho cả lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro; mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra; ứng dụng tối đa hệ thống công nghệ thông tin.
Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm để làm cơ sở pháp lý triển khai các nội dung cải cách tại Đề án.
Để triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng các bộ, ngành cần tiếp tục khẩn trương, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) triển khai thành công Đề án kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg.
Tăng cường rà soát, tháo gỡ tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; ban hành đầy đủ tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro, áp dụng công nhận, thừa nhận lẫn nhau, truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành…
Triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo hướng xử lý tập trung thủ tục hành chính của các Bộ, ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.