Gian nan quản lý thuế của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Theo Kiểm toán nhà nước (KTNN), việc quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, còn bất cập, ngay cả quy trình thanh tra giao dịch liên kết cũng chưa được ban hành, cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết cũng chưa được xây dựng đầy đủ…
Loại trừ chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Điều này đã được KTNN chỉ ra thông qua kiểm toán Chuyên đề Công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với DN có giao dịch liên kết giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn TP. Hà Nội. Kết quả kiểm toán cho thấy, Cục Thuế Hà Nội đã xây dựng lồng ghép các chuyên đề giao dịch liên kết trong kế hoạch thanh, kiểm tra hằng năm mà chưa tổ chức riêng thành các cuộc thanh tra chuyên đề đối với các DN có giao dịch liên kết.
Tỷ lệ kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế đối với DN có kê khai giao dịch liên kết năm 2020 là 32 hồ sơ, chỉ chiếm 2,3% số lượt kê khai giao dịch liên kết (32/1.364 hồ sơ người nộp thuế). Kết quả kiến nghị xử lý chủ yếu là loại trừ chi phí lãi vay vượt mức khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP và khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132).
Kết quả kiểm tra chọn mẫu của KTNN đối với 13 hồ sơ thanh tra cho thấy một số bất cập lớn tại Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (sau đây gọi tắt là Công ty Đèo Cả Khánh Hòa). Trong Công ty Đèo Cả Khánh Hòa có 50% vốn góp của Công ty TNHH Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - công ty con 100% vốn thuộc Ngân hàng Vietinbank và người nộp thuế có quan hệ vay vốn dài hạn tại Ngân hàng.
Theo Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20), giao dịch vay của Công ty như trên thuộc giao dịch liên kết và KTNN xác định chi phí lãi vay đã vượt mức quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 phải loại trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN, song Đoàn thanh tra vẫn chưa loại trừ. KTNN nêu rõ: Nếu loại trừ chi phí lãi vay vượt mức quy định này thì năm 2017, tổng thu nhập chịu thuế của Công ty tăng thêm 65,207 tỷ đồng, dẫn đến thu nhập chịu thuế là 65,169 tỷ đồng (không phải thu nhập chịu thuế âm 38,1 triệu đồng như trong Biên bản thanh tra năm 2017). Vì vậy, việc tính thời gian miễn thuế thu nhập DN phải bắt đầu từ năm 2017, sớm hơn 1 năm so với thời gian cơ quan thuế xác định. Từ đó, thời gian hết hạn miễn thuế thu nhập DN của Công ty cũng sẽ sớm hơn 1 năm so với kết quả xác định của Đoàn thanh tra.
Theo Cục Thuế Hà Nội, đến ngày 31/12/2020, chỉ có 1.364 DN kê khai phụ lục thông tin về giao dịch liên kết, trong khi trên địa bàn có rất nhiều công ty con, công ty liên kết của các tập đoàn, tổng công ty, DN FDI. Qua chọn mẫu kiểm tra đối chiếu 9 hồ sơ thì chỉ có 5 DN lập phụ lục thông tin về giao dịch liên kết nhưng không có DN nào lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết; 4 DN còn lại có giao dịch liên kết nhưng không kê khai phụ lục thông tin về giao dịch liên kết.
Đối với niên độ 2018-2019, Đoàn thanh tra cũng xác định Công ty Đèo Cả Khánh Hòa phát sinh giao dịch liên kết từ tháng 9/2019 và đã tính chi phí lãi vay theo quy định; đồng thời xác định thời gian người nộp thuế được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập DN từ năm 2018 đến năm 2021, kể từ năm Công ty có thu nhập chịu thuế là năm 2018 (Công ty hoạt động có lãi).
Tuy nhiên, tại Biên bản thanh tra đối với niên độ 2018-2019, Công ty Đèo Cả Khánh Hòa đã có ý kiến về việc áp dụng DN có quan hệ liên kết tại Nghị định 20 đối với Công ty là chưa phù hợp với đặc thù hoạt động của dự án. Đồng thời, Công ty không thống nhất với kết quả tại Phụ lục Biên bản thanh tra do trong năm tài chính của kỳ thanh tra Công ty phát sinh hoạt động vay tiền của Ngân hàng Vietinbank mà không phát sinh giao dịch liên kết khác thì không thuộc trường hợp áp dụng khoản 3 Điều 8 Nghị định 20.
Nhiều vướng mắc do thiếu quy định cụ thể
Trước thực tế này, ngày 03/01/2020, Cục Thuế Hà Nội đã báo cáo xin ý kiến Tổng cục Thuế về việc DN có giao dịch liên kết quy định tại Nghị định 20, trong đó nêu cụ thể 3 vấn đề còn vướng mắc: Đối tượng DN dự án, nhà đầu tư dự án BOT, BTO, BT, PPP…; DN chỉ phát sinh hoạt động vay ngân hàng; cách xác định các khoản vay vốn để so sánh với tiêu thức 25% vốn góp của chủ sở hữu DN đi vay và cách xác định tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay (để xác định tiêu chí 50%).
Đến ngày 01/11/2020, tuy Chính phủ đã ban hành Nghị định 132 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết nhưng cũng tiếp tục không quy định riêng đối với các DN BOT.
Cùng với vấn đề nêu trên, KTNN cũng có thêm nhiều minh chứng cho thấy việc thực hiện chính sách quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết vẫn còn những khó khăn khác. Trong đó, cơ quan thuế chưa có đầy đủ dữ liệu thông tin đối với các DN có giao dịch liên kết trên địa bàn nên gặp khó trong công tác quản lý thu và kiểm tra nghĩa vụ thuế.
Hơn nữa, việc xác định “Các trường hợp khác trong đó DN chịu sự điều hành, kiểm soát quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN kia” là rất khó do quy định không cụ thể. Cùng với đó, đối với chi phí lãi vay từ các giao dịch độc lập, qua kiểm tra, đối chiếu thuế với các DN tại các chi cục thuế và cục thuế cho thấy, căn cứ tờ khai thuế thu nhập DN và Báo cáo tài chính của đơn vị thuộc diện có giao dịch liên kết thì điều kiện quy định tại Nghị định 132 là “Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay”.
Tuy nhiên, các DN đều không đồng thuận nên không cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đối chiếu, thậm chí có DN đã gửi văn bản kiến nghị về vấn đề này với Bộ Tài chính. Từ thực tế này, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, với những quy định cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng… là yêu cầu tất yếu đang được đặt ra./.