Gian nan xử lý tài sản bảo đảm
Mặc dù nắm trong tay tài sản bảo đảm, nhưng các tổ chức tín dụng không phải đã thu hồi được nợ. Điều đáng nói, hệ thống pháp luật liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm đã có nhiều quy định bảo vệ chủ nợ, song hành trình thu nợ của các tổ chức tín dụng không hề đơn giản. Có những vụ mất vài năm mới thu hồi được nợ, không ít vụ rơi vào tình cảnh án không thể thi hành.
Quyền chủ nợ: Không dễ thực hiện
Có khá nhiều văn bản điều chỉnh việc xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng (TCTD). Điều 351 Luật Dân sự quy định, cho phép TCTD có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ 3 giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Ngoài ra, Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm có quy định khá cụ thể, bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, hoặc yêu cầu tòa án giải quyết. Nhưng trong thực tế, các TCTD (người xử lý tài sản) rất khó thực hiện các quy định này.
Không khó để liệt kê các trường hợp phát sinh ngoài ý muốn trong quá trình thực hiện hợp đồng, phát mại tài sản bảo đảm. Từ việc khách hàng không hỗ trợ, hoặc có hành vi cản trở quá trình xử lý tài sản bảo đảm, đến sự xuất hiện của bên thứ ba có quyền đối với tài sản bảo đảm.
Ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ pháp chế SeaBank nêu thực tế, tài sản bảo đảm tuy thuộc sở hữu của bên bảo đảm, nhưng lại là tài sản đang thuộc diện di sản thừa kế, đang bị kê biên để thi hành án, hoặc tài sản đang trong quá trình giải quyết tranh chấp với một bên thứ ba phát sinh sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp. Còn nếu TCTD có các hành vi như cưỡng chế, sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực yêu cầu người vay ra khỏi nơi cư trú để thu giữ tài sản thì có thể vi phạm pháp luật hình sự về một trong các tội chiếm đoạt tài sản trái phép, hoặc tội xâm phạm chỗ ở của công dân.
Bán nợ xấuMặc dù, Nghị định 163/2006/NĐ-CP có quy định về chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm, nhưng Bộ luật Dân sự lại quy định: “Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu”. Như vậy, khi xử lý tài sản bảo đảm, TCTD phải trông chờ vào sự hợp tác của chủ sở hữu (người vay hoặc bên bảo lãnh).
Trên thực tế, khi đã rơi vào tình trạng không thể thanh khoản được món vay, hiếm có người vay nào hợp tác, chây ì, kéo dài thời gian là hiện tượng phổ biến. Nếu các TCTD chọn phương án khởi kiện ra tòa án thì TCTD phải trải qua quá trình tố tụng kéo dài nhiều tháng để nhận được phán quyết lần thứ nhất của tòa án, nhưng vẫn chưa thể thu giữ, xử lý được tài sản bảo đảm nếu người vay… vẫn không hợp tác.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì TCTD có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, bảo lãnh cho người khác để thu hồi nợ, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất, mà không cần có sự đồng ý của khách hàng hoặc bên bảo lãnh. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định đối với trường hợp tài sản bảo đảm khác không phải là quyền sử dụng đất khi mà TCTD không có quyền chuyển nhượng hoặc bán đấu giá khi chưa có sự chấp thuận của khách hàng.
Con đường khởi kiện ra tòa hết sức khó khăn, bởi khi có phán quyết của tòa cũng không phải là thi hành được án, thu hồi được nợ. Nhưng nếu không chọn cách giải quyết này thì không còn cách giải quyết khác. Thực tế, thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng đã trở thành điểm nghẽn trong hoạt động THADS.
Bộ Tư pháp đã phải thành lập Tổ công tác xử lý nợ xấu - với nhiệm vụ chủ yếu là phối hợp với các TCTD xử lý các món nợ khó, tồn đọng nhiều năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thực sự ấm lên, sự phối hợp giữa các TCTD và cơ quan THA chưa thực sự nhịp nhàng thì tình hình chưa cải thiện là mấy.
Đã đến lúc, TCTD cần tính đến một phương thức xử lý nợ đang nhận được nhiều sự quan tâm, đó là bán những khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC). VAMC sẽ mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà Công ty phát hành, hoặc mua theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Có vậy, mới góp phần giảm gánh nặng cho công tác THA, cũng như giải quyết được số nợ xấu cho các TCTD.