Giao dịch chứng khoán: Khối ngoại ngược dòng thị trường
Thị trường chứng khoán tăng điểm nhưng khối nhà đầu tư nước ngoài đã có chuỗi bán ròng gần như liên tục trong hơn 2 tháng qua.
Tăng cường bán ròng
Tính riêng tháng 10/2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng trên HOSE, trong đó khoảng 6.800 tỷ đồng thông qua giao dịch khớp lệnh. Trong tuần đầu tháng 11, khối ngoại bán ròng gần 2.000 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 3 và 4/2020, khối ngoại cũng bán ròng mạnh khi dịch bệnh Covid-19 ở Mỹ và châu Âu ngày càng có diễn biến xấu.
Tuy nhiên, các đợt bán ròng của khối ngoại không ảnh hưởng nhiều đến đà phục hồi của thị trường.
Nhìn lại lịch sử giao dịch trong những năm gần đây, tháng 10 và 11 là các tháng trong chu kỳ bán của khối ngoại, sau đó mua ròng trở lại từ nửa cuối tháng 12.
Năm nay, một tín hiệu tích cực đó là các quỹ ETF mới như VFM Diamond và SSIAM Finlead thu hút dòng vốn ngoại, trong khi dòng vốn ETF mang tính định hướng thị trường cao.
Ngoài ra, khối ngoại sẵn sàng mua cổ phiếu hết “room” với mức chênh giá cao như MWG, TCB, FPT, REE cho thấy sự chọn lọc đầu tư rất kỹ, nhưng cũng thể hiện niềm tin vào triển vọng của kinh tế và chứng khoán Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân
Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam cho biết, khối ngoại bán ròng là xu hướng luân chuyển dòng vốn trên toàn cầu, chủ yếu do các quỹ đầu tư thực hiện phân bổ lại danh mục theo hướng giảm vốn vào các thị trường mới nổi và đang phát triển.
Thế nên, ngoài Việt Nam, các thị trường khác như Thái Lan, Indonesia… đều ghi nhận tình trạng khối ngoại bán ròng. Tại Việt Nam, mặc dù bán ròng, nhưng hoạt động mua của khối ngoại tập trung vào M&A hơn là đơn thuần mua cổ phiếu trên sàn, chứng tỏ nhiều quỹ hướng tới đầu tư dài hạn.
Ông Nguyễn Hữu Bình, nhà đầu tư lâu năm cho biết, trong những thương vụ mua thỏa thuận hay lô lớn riêng biệt, nhà đầu tư ngoại có xu hướng bán ròng từ tháng 8 cho đến cuối năm. Càng về cuối năm, mức bán ròng càng tăng, sau đó quay trở lại mua ròng trong nửa đầu năm mới.
Phân tích dòng tiền đến từ các quỹ ETF, mức độ và xu hướng dòng tiền thông qua nhóm quỹ này tương đồng với chu kỳ trên. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài gồm cá nhân và tổ chức mới thành lập nên rất khó để đoán định.
Quan sát nhóm cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất có thể lý giải: thứ nhất, nhiều mã cổ phiếu đã tăng giá mạnh dẫn đến động thái chốt lời như MSN, HPG; thứ hai, nhà đầu tư đảo danh mục khi bán những mã tăng cao và mua những mã chưa tăng; thứ ba là xu hướng chung của các quỹ ETF, quỹ tương hỗ không thay đổi.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán VNDIRECT, có hai nguyên nhân chính lý giải khối ngoại liên tục bán ròng trong thời gian qua. Một là hoạt động chốt lời, tái cấu trúc danh mục của khối ngoại. Thị trường chứng khoán gần như liên tục tăng điểm kể từ đầu tháng 8 tới nay, P/E của VN-Index hiện ở mức 14 - 15 lần, tương đương thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Do vậy, định giá hiện tại của thị trường tương đối hợp lý và kích thích hoạt động chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài bắt đáy trong giai đoạn trước. Bên cạnh đó, nếu như giai đoạn tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, tích lũy cổ phiếu cho một năm đầu tư, thì tháng 10 và 11 thường là giai đoạn tái cấu trúc danh mục, chốt lời các khoản đầu tư ngắn hạn.
Hai là, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ duy trì chính sách tiền tệ “siêu nới lỏng” khiến dòng tiền có xu hướng rút khỏi các quỹ mới nổi và cận biên để đầu tư vào các thị trường phát triển, vốn được coi là an toàn hơn.
Dự báo động thái cuối năm
Theo ông Bình, những năm trước, xu hướng bán ròng của khối ngoại thường kéo dài đến cuối năm. Tuy nhiên, năm nay, Mỹ nhiều khả năng có Tổng thống mới có thể dẫn đến nhiều chính sách thay đổi và tác động tới thị trường chứng khoán cũng như USD.
Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định, ứng viên Tổng thống Mỹ Joe Biden nếu đắc cử thì chính sách của ông này có thể không hỗ trợ thị trường chứng khoán. Dòng tiền đầu tư dự kiến sẽ dịch chuyển sang các thị trường mới nổi.
Thị trường Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng tiền này, trong bối cảnh cơ quan quản lý đang nỗ lực để được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Mặt khác, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số của MSCI tăng lên 28% sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng giúp dòng tiền ngoại giải ngân mạnh hơn.
Trong bối cảnh hiện tại, xu hướng mua bán của khối ngoại khó có thể đảo ngược trong ngắn hạn do tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường VNDIRECT cho rằng, kỳ vọng từ việc MSCI nâng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Market 100 Index và MSCI Frontier Market Index có thể kích hoạt xu hướng mua ròng của một nhóm quỹ đầu tư đang mô phỏng theo, giúp tình hình giao dịch của khối ngoại tích cực.
Ngoài ra, các chỉ số vĩ mô có chiều hướng tích cực như GDP tăng trưởng cao hơn kỳ vọng, xuất siêu đạt kỷ lục… sẽ khiến các nhà đầu tư ngoại chú ý hơn và sớm quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.