Giới đầu tư Phố Wall tin Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12
Giới đầu tư tại Phố Wall đang tin chắc rằng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ngắn hạn tại cuộc họp bàn chính sách trong tháng 12 tới.
Điều này được thể hiện qua việc các nhà đầu tư đã đổ 2.100 tỷ USD vào thị trường giao dịch kỳ hạn đồng Euro và USD, phá vỡ con số kỷ lục hồi năm 2014.
Số liệu trên được Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Kỳ hạn công bố. Đây cũng là dấu hiệu mới nhất cho thấy chiến thắng của ông Donald Trump đang chi phối diễn biến của các thị trường tài chính trên toàn thế giới.
Theo đó, giới đầu tư cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông Trump, kinh tế Mỹ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, lạm phát cao hơn và Fed sẽ bị gây áp lực buộc phải nâng lãi suất theo cách chưa từng có trong hơn một thập niên qua.
Nhìn chung, những dự đoán của thị trường trùng khớp với mục tiêu của Fed là tiến hành hai đợt tăng lãi suất trong năm 2017.
Tuy nhiên, nguy cơ nằm ở chỗ những dự đoán về các đợt tăng lãi suất có thể bị đẩy quá nhanh, gây áp lực lên lãi suất cũng như giá trị đồng USD, làm thắt chặt các điều kiện tài chính và khiến Fed gặp khó khăn trong việc từng bước giải phóng nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào chính sách kích thích tiền tệ.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 17/11, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho biết, kinh tế Mỹ đang tiến triển ổn định và có thể sắp đến lúc không cần phải kích thích bằng biện pháp giảm lãi suất xuống mức cực thấp nữa.
Theo bà Yellen, giữ lãi suất thấp quá lâu có thể khuyến khích các hình thức đầu tư nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính cần thiết. Mặt khác, nếu giữ lãi suất ở mức quá thấp, lạm phát có thể tăng đột biến và khi đó Fed sẽ phải chặn lại bằng cách tăng nhanh lãi suất, dẫn đến phá hỏng kế hoạch của giới doanh nghiệp và đầu tư.
Việc giới đầu tư Mỹ đổ xô đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất là đáng ngạc nhiên sau một loạt cuộc thoái vốn khỏi những mặt hàng đầu tư từng được ưa chuộng như là cổ phiếu lợi tức hay vàng. Một số nhà phân tích cảnh báo giao dịch theo tâm lý đám đông này làm dấy lên nguy cơ bất kỳ sự thất vọng nào cũng có thể gây thua lỗ nghiêm trọng.
Một số người khác cảnh báo đồng USD mạnh lên và lãi suất Mỹ tăng có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm ngân quỹ kinh niên tại những thị trường mới nổi, nơi hoạt động vay nợ bằng đồng USD đã bùng nổ kể từ thời khủng hoảng tài chính, đồng thời có khả năng "đổ thêm dầu" vào làn sóng rút vốn khỏi chứng khoán, hàng hóa, và một số tài sản có nguy cơ cao hơn khác.
Ông Blake Gwinn, nhà nghiên cứu chiến lược về lãi suất của Mỹ tại công ty chứng khoán RBS Securities nhắc lại hai đợt hoảng loạn tại thị trường chứng khoán Trung Quốc vào tháng 8/2015 và tháng 1/2016 để cảnh báo về nguy cơ xảy ra một tình huống tương tự. Theo ông, cho tới nay mọi việc có vẻ đã được lập lại trật tự, song nguy cơ thì vẫn còn tồn tại.
Nhiều người thất nghiệp và mất nhà cửa trong thời kỳ kinh tế suy giảm đã khiến Fed phải hạ lãi suất xuống mức gần bằng 0 để kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỉ lệ thất nghiệp 10% vào thời điểm xấu nhất của cuộc suy thoái đã được cải thiện dần đến nay còn 4,9%. Lãi suất thấp giúp tăng việc làm, nhưng cũng có thể châm ngòi cho lạm phát.
Fed đã tăng nhẹ lãi suất hồi tháng 12/2015. Nếu cơ quan này quyết định nâng lãi suất vào tháng 12 tới như đồn đoán thì đây là lần nâng lãi suất đầu tiên trong năm nay và là lần thứ hai kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.