Giới nhà giàu Mỹ thắt chặt chi tiêu, chuộng "hàng đổi hàng"
Giới nhà giàu Mỹ đang có xu hướng giữ chặt tiền trong túi, đưa du thuyền, biệt thự triệu USD ra trao đổi để vượt qua đại dịch.
Khi Covid-19 tấn công New York, một số bỏ trốn, những người khác tích trữ tài sản, người đàn ông 40 tuổi, Hamptonite, đã gọi cho luật sư để lên kế hoạch cho khối tài sản của mình.
Luật sư Sal Strazzullo cho biết: “Hamptonite nhìn thấy những rủi ro có thể xảy ra trong đại dịch và nói: “Đã đến lúc tôi phải lập kế hoạch cho gia sản của mình”. Anh ta cần sự tin tưởng, giấy ủy quyền, di chúc và rất nhiều tài liệu khác".
Strazzullo đã quyết định đổi khoản phí dịch vụ 20.000 USD để lấy 2 tuần nghỉ dưỡng ở ngôi nhà bên bờ biển của Hamptonite ở Montauk. “Đây là cơ hội tốt để đưa cả gia đình đi nghỉ dưỡng sau một thời gian dài cách ly", Strazzullo nói.
Theo Business Insider, giao dịch “hàng đổi hàng" dường như khá phổ biến trong giới giàu có và quyền lực ngay cả trước khi đại dịch ập đến. Covid-19 bùng phát khiến mọi người có xu hướng “thắt chặt hầu bao" hơn.
Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng của Oxford Economics, Mỹ, nói với CNBC vào tháng 5: “Nỗi sợ hãi virus đang kìm hãm mong muốn đi ra ngoài và chi tiêu của mọi người". Điều đó có nghĩa các giao dịch trao đổi hàng cao cấp đang được thực hiện nhiều hơn bao giờ hết.
Paulo Wei đổi chỗ ở tại trang trại để sở hữu kỳ nghỉ tại nhà một người bạn ở Hamptons. Ảnh: Judy Yang. |
Paulo Wei, chủ sở hữu của Our Kitchen, một trang trại kiêm nhà hàng rộng 43 mẫu Anh ở East Village, ngoại ô New York. Phát chán với việc phải cách ly ở Manhattan, Wei đã liên hệ với một người bạn. Họ nhanh chóng đi đến một thỏa thuận. Wei sẽ có một kỳ nghỉ cuối tuần trong căn biệt thự 6 phòng ngủ trị giá 30 triệu USD bên bờ biển Southampton, đổi lại người bạn sẽ ở lại Our Kitchen.
“Đó sẽ là một trải nghiệm thú vị với gia đình anh ấy. Họ sẽ được học cách làm vườn, các kỹ thuật lên men truyền thống... Tôi cũng thực sự hứng thú với một kỳ nghỉ ở biển”, Wei nói.
Ngay cả những tác phẩm nghệ thuật cũng không nằm ngoài các thương vụ “hàng đổi hàng".
"Một nhà sưu tập tại hội chợ ảo Hamptons đã liên hệ để mua tác phẩm của tôi", Deng, người đang ra giá 20.000 USD cho tác phẩm nghệ thuật có tên là "News" cho biết.
"Ông ấy đồng ý mua, đồng thời để mắt tới một tác phẩm khác của tôi. Ông ấy đã đưa ra đề nghị trao đổi một kỳ nghỉ cho ngày lễ lao động tại nhà nghỉ dưỡng 4 phòng ngủ bên hồ George lấy tác phẩm nghệ thuật thứ hai của tôi", họa sĩ Linjie Deng nhớ lại.
Không mất nhiều thời gian, Deng đồng ý trao đổi bức tranh “Moon Catcher” trị giá 30.000 USD để lấy kỳ nghỉ bên hồ với thuyền kayak và ván trượt mà anh đã dự định từ lâu. “Tôi đã trải qua 150 ngày trong căn hộ ở New York, và phát chán với nó rồi", Deng nói.
Nghệ sĩ người Tây Ban Nha Domingo Zapata cho biết việc trao đổi nghệ thuật để lấy những dịch vụ cao cấp không quá mới mẻ.
“Tôi đã đổi một bức tranh theo phong cách graffiti đương đại để lấy một kỳ nghỉ ở Sag Harbor và bay hàng giờ trên máy bay riêng từ Los Angeles đến Miami cùng các con”, Zapata nói.
Tiến sĩ Marie Hayag, bác sĩ da liễu ở NYC, thừa nhận bà cũng có vài cuộc giao dịch thú vị trong thời gian mọi người ở nhà vì Covid-19. Tháng trước, một khách hàng đã thuyết phục bà thực hiện một cuộc gọi tư vấn để đổi lấy 500 gram trứng cá muối Petrossian thượng hạng.
“Làm sao tôi có thể nói không với điều đó?”, Hayag nói.
Correale đã đổi một bữa tiệc sinh nhật sang trọng tại nhà hàng của cô lấy kỳ nghỉ trên chiếc du thuyền Viking dài 20 m. Ảnh: Business Insider. |
Các đầu bếp cũng không nằm ngoài xu hướng giao dịch “hàng đổi hàng". Andrea Correale, người sở hữu công ty cung cấp dịch vụ ăn uống Elegant Affairs, có trụ sở tại Manhattan và Hamptons, điểm đến yêu thích của nhiều ngôi sao Hollywood như Mariah Carey hay Billy Joel, nói gia đình bà cảm thấy rất nhớ những chuyến du lịch vì phải ở nhà quá lâu do Covid-19.
Vì vậy, khi một khách hàng đặt bữa tiệc sinh nhật lần thứ 40 với rượu và nhạc sống trên bãi biển ở West Hampton vào tháng 7, bà đã từ chối thanh toán số tiền phí 20.000 USD bằng tiền mặt. “Đổi lại, tôi yêu cầu một kỳ nghỉ trên chiếc du thuyền Viking dài 20 m của ông ấy”, Correale nói.
Trao đổi hàng hoá là một hình thức giao dịch mang lại lợi ích cho cả đôi bên, nhưng không phải không có rủi ro.
Theo Sở thuế vụ Mỹ (IRS), hình thức hàng đổi hàng cũng phải chịu thuế.
Một nhà từ thiện của Upper East Side nói: “Gia đình một người bạn của tôi sở hữu thương hiệu đồ nội thất cao cấp. Cô ấy chơi bời mọi lúc và dùng những món đồ nội thất xa xỉ để trao đổi. IRS hẳn sẽ không để yên nếu họ biết việc này".