Giữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long bằng đập ngăn mặn và xây hồ phân tán

Thanh Sơn

Ngày 30/6 tại TP. Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Khoa học kinh tế và quản lý tổ chức Hội thảo Nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội thảo thu hút gần 100 nhà khoa học, các chuyên gia môi trường quan tâm tham dự, với mong muốn có những đóng góp hữu ích cho nhu cầu bức xúc, thiết thực về nước ngọt cho khu vực này.

Thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô ở ĐBSCL vào khoảng 4,2 tỷ m3 mỗi năm. Ảnh: TS
Thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô ở ĐBSCL vào khoảng 4,2 tỷ m3 mỗi năm. Ảnh: TS

Xây hồ chứa nước ngọt cho ĐBSCL 

Trình bày tại Hội thảo, TS. Võ Văn Hải - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ miền Nam (Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính, Bộ Tài chính) cho biết ĐBSCL có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là chìa khóa chính trong chiến lược an ninh lương thực của Quốc gia. Với tiềm năng nông nghiệp và thủy sản to lớn, trong những năm qua, ĐBSCL luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng luôn khan hiếm nguồn nước ngọt.

TS. Võ Văn Hải trình bày các phương án xây 2 hồ chứa nước ngọt cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: TS
TS. Võ Văn Hải trình bày các phương án xây 2 hồ chứa nước ngọt cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: TS

Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu về xây dựng hồ chứa nước ở khu vực ĐBSCL của nhóm chuyên gia gồm TS. Võ Văn Hải, TS. Nguyễn Phạm Hải, TS. Mai Bình Dương, Lê Thùy Hương và Đặng Phạm Thanh Tùng, nếu tất cả dòng nhánh bên bờ sông Mekong thuộc Thái Lan, Campuchia đều có các trạm bơm lấy nước trữ trong các hồ chứa thì lượng nước về ĐBSCL sẽ giảm mạnh trong mùa khô dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn tăng cao. Ngược lại, trong mùa lũ, lượng nước sẽ giảm bớt. Việc thay đổi chế dộ dòng chảy và lượng phù sa suy giảm sẽ tác động mạnh mẽ tới sản xuất nông nghiệp của hơn 17 triệu dân ĐBSCL.

Cụ thể, theo thống kê, thượng nguồn sông Mekong dự kiến có 467 đập thủy điện, trong đó khoảng 1/4 đã và đang trong quá trình xây dựng, đã làm gia tăng nguy cơ thiếu nước, hạn, mặn, sạt lở và xói mòn ở hạ lưu. Do đó, từ khi các nhà máy thủy điện ở lưu vực sông Mekong đi vào hoạt động đến nay (tính từ giai đoạn 2015 – 2023) ĐBSCL không còn mùa lũ (mùa nước nổi), gây nên tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng, đồng thời thường xuyên xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn vào sâu ở các sông và nội đồng.

 

GS. TS. Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TS
GS. TS. Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TS

Cùng với đó, theo tính toán thì nhu cầu nước ngọt ở ĐBSCL rất lớn. Theo đó, ước tính nhu cầu sử dụng nước trên vùng ĐBSCL hàng năm hiện vào khoảng 22,8 tỷ m3. Trong khi đó, hiện nay, hàng năm ở ĐBSCL, thiếu hụt nước ngọt vào mùa khô vào khoảng 4,2 tỷ m3 và dự báo sẽ lên đến 4,8 tỷ m3 vào năm 2030 và 5 tỷ m3 vào năm 2050.

Từ thực tế này, nhóm nghiên cứu đề xuất xây dựng hồ chứa nước gồm: Vị trí 1 là tại Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) và vị trí thứ 2 là xây dựng hồ chứa nước tại khu vực Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) với tổng chi phí đầu tư khoảng từ 20.000 tỷ đồng - 67.000 tỷ đồng.

Nhiều đề xuất giữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long

Tham luận tại Hội thảo, PGS. TS. Tô Văn Thanh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy Lợi miền Nam đánh giá, do thời gian nghiên cứu ít nên chưa đánh giá sâu được về tác động môi trường và chi phí dự toán. Bởi hiện nay diện tích đất trống để làm hồ còn rất ít nên bài toán về di dời dân rất lớn và đánh giá tác động môi trường rất khó khăn. Trong khi đó, chuyên gia cũng băn khoăn về tính khả thi của phương án xây 2 hồ chứa nước với tổng số tiền đầu tư 67.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang đầu tư 10.000 tỷ đồng cho nước sản xuất, nước sinh hoạt cho cả vùng.

PGS.;TS. Tô Văn Thanh - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam. Ảnh: TS
PGS.;TS. Tô Văn Thanh - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Thủy Lợi Miền Nam. Ảnh: TS

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, việc vận chuyển nước về các vùng thiếu nước sẽ gặp nhiều gặp khó và chi phí đầu tư lớn. "Chẳng hạn, nếu chuyển nước từ Hậu Giang về Cà Mau có 50km nhưng chi phí rất lớn và làm ảnh hưởng đến kinh tế, giao thông, môi trường trong khi làm sao để vận chuyển được thì cũng không hề đơn giản", PGS. TS. Tô Văn Thanh phân tích.

Đồng tình quan điểm này, GS. Trần Đình Cương - nguyên Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chúng ta cần phải làm đập ngăn mặn và hồ phân tán để làm giảm độ mặn và phân phối nguồn nước. Tuy nhiên, vấn đề sau khi xây hồ chưa nước ngọt thì việc vận chuyển nước sẽ như thế nào, tác động của hoạt động này đến môi trường ra sao?

GS. Trần Đình Cương - Nguyên Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TS
GS. Trần Đình Cương - Nguyên Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: TS

Đề xuất giải pháp để ngăn chặn xâm nhập mặn ở ĐBSCL, theo TSKH. Trần Quang Thắng - đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh giải pháp đóng nắp cống và đắp đê ở vùng ven, các tỉnh ĐBSCL cần có kế hoạch xây đập ngăn mặn và giữ nước ngọt, hồ điều tiết giữ nước mưa, nước ngọt. Song song đó, cần có giải pháp về cơ chế, chính sách, quy hoạch và ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Kết luận hội thảo GS. TS. Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đảm bảo nước ngọt cho ĐBSCL đang rất cấp thiết. Việc tối ưu hóa trong việc sử dụng tài nguyên nước ở ĐBSCL đòi hỏi sự hợp tác đến cộng đồng và các giải pháp mang tầm quốc gia, và địa phương, hướng đến bảo vệ nguồn nước ngọt và đảm bảo sự phát triển bền vững cho vùng này.