Chuyên gia MBS:

Giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể gọi là chiến tranh thương mại

Theo Khánh An/nhadautu.vn

Theo các chuyên gia MBS, tại thời điểm hiện tại thì hai bên Mỹ và Trung Quốc chỉ đang ở mức độ xung đột thương mại, chưa phải là chiến tranh toàn diện.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Nguồn: internet
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Nguồn: internet

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, Tổng thống Donald Trump ngày 6/6 đã tuyên bố rằng sau hội nghị thượng đỉnh G20 ông sẽ đưa ra quyết định về việc có thực thi lời đe dọa về áp thuế quan lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước những diễn biến trên, mới đây, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán MB (MBS) đã có những chia sẻ và nhận định xung quanh các vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Phóng viên: Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đã chính thức nổ ra hay chưa?

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô MBS:  Xin được khẳng định là chưa có cuộc chiến tranh thương mại nào cả, đây là xung đột thương mại. Nên lưu ý rằng trong thời điểm quá khứ những cuộc chiến tranh thương mại xảy ra giữa Mỹ và Nhật Bản hoặc cuộc chiến tranh thương mại xảy ra giữa Canada và Pháp; hay giữa Italia và Tây Ban Nha thì thông thường các cuộc chiến tranh thương mại này thường chỉ đánh vào thuế, và mức độ đánh thuế thường là 60-70%, như thế mới đáng gọi là chiến tranh. Tại thời điểm hiện tại thì hai bên Mỹ và Trung Quốc tương đối kiềm chế và vẫn muốn đi đến những thỏa thuận và thông điệp nên tôi cho rằng đây chỉ đang ở mức độ xung đột thương mại mà thôi, chưa phải là chiến tranh toàn diện.

Còn thời gian tới cuộc chiến tranh thương mại này có đi tới cao trào hay không thì rất khó nói, tuy nhiên để 2 bên đi tới cuộc chiến tranh toàn diện là rất khó, bởi 2 bên rất cần nhau. Trong lộ trình phát triển của Trung Quốc và Mỹ thì không thể thiếu nhau được, họ là hai đối tác thương mại hàng đầu của nhau, đồng thời 2 nước có nhiều mặt lợi ích đan xen lẫn nhau.

Việt Nam có được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại này hay không?

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô MBS: Về mặt bản chất, Việt Nam là đối tác thương mại của cả Trung Quốc và của Mỹ, và cả 2 đều là đối tác quan trọng. Năm 2018 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ là 49 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 36 tỷ USD. Do đó, nếu cuộc chiến tranh thương mại này tiếp tục tiếp diễn thì nền kinh tế của 2 quốc gia này đều suy yếu, điều này dẫn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt nam sẽ bị giảm. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến tranh chỉ diễn ra trong mức độ hài hòa như hiện nay hoặc không đẩy lên cao trào thì tôi cho rằng Việt Nam sẽ chỉ hưởng lợi. Bởi, theo phân tích thì xuất khẩu sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay tuy có sự suy giảm nhưng xuất khẩu sang Mỹ lại tăng rất mạnh. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ đã tăng 40%, do đó một số mặt hàng của Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, ví dụ như điện thoại di động, đồ gỗ…

Nguyên nhân việc lãi suất của nhiều ngân hàng gần đây đang có xu hướng tăng? Điều này ảnh hưởng tốt/xấu như nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán (MBS): Theo khảo sát của MBS tại các ngân hàng thương mại, thì từ đầu năm đến nay lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại đã tăng từ mức 0,7-1,2% tùy ngân hàng, đặc biệt là tại các kỳ hạn dài.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tăng lãi suất này chủ yếu đến từ việc Ngân hàng nhà nước(NHNN) từ giữa năm 2018 đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng hơn, điều này đã gây áp lực huy động lên các ngân hàng thương mại.  Việc tăng lãi suất này đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tác động rõ nhất đến thị trường bất động sản.

Sau năm 2017 và đặc biệt là năm 2018 có dấu hiệu tăng nóng thì hiện nay mặt bằng thị trường bất động sản đang có dấu hiệu giảm đặc biệt là tại các thị trường đầu cơ nóng, ví dụ như Đà Nẵng. Còn đối với thị trường chứng khoán, việc lãi suất tăng sẽ khiến dòng vốn đổ vào thị trường này trở nên eo hẹp hơn.

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất 2 lần thì ở Việt nam lãi suất có hạ hay không?

Ông Hoàng Công Tuấn, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô MBS: Theo tôi, lãi suất của FED có tác động rất lớn đến lãi suất của các quốc gia mới nổi trong đó có Việt Nam. Giai đoạn từ năm 2014-2016, FED vẫn duy trì lãi suất thấp thì tại Việt Nam, Indonesia, Philippin và Thái Lan vẫn có khả năng ‘bơm’ tiền ra rất nhiều, tăng trưởng tín dụng rất cao nhưng lại không sợ áp lực lên tỷ giá, đây là một điều rất thuận lợi trong trường hợp FED hạ lãi suất.

Trong trường hợp này thì ngân hàng trung ương của các quốc gia mới nổi, trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng sẽ có thêm dư địa để áp dụng những chính sách tiền tệ cởi mở hơn, thân thiện hơn với nền kinh tế, cũng như với thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, về kỳ vọng FED có hạ lãi suất hay không thì vẫn đang có nhiều quan điểm tranh cãi, do đó, tôi cho rằng chúng ta còn cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới.