Vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Gỡ nút thắt thủ tục và tài sản thế chấp
(Tài chính) Chiếm đến 97% số doanh nghiệp (DN) hoạt động trên thị trường, đóng góp hơn 40% GDP và sử dụng tới 51% lao động xã hội, song việc tiếp cận vốn của DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn nan giải, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của khối này vẫn chưa đạt hiệu quả.
Vướng từ thủ tục
Theo ông Andrew Terry - GS. chuyên ngành quy chế kinh doanh thuộc Đại học Sydney (Australia), tại các thị trường mới nổi có đến 45 - 55% DNNVV không tiếp cận được với các khoản vay thế chấp chính thức, đối với các DN siêu nhỏ (hộ gia đình) tỷ lệ này lên đến 65 - 72%. Tuy nhiên, tại Việt Nam, con số này còn đáng lo ngại hơn khi chỉ có 30% DNNVV tiếp cận được vốn vay, còn lại 70% DN phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn khác.
Tiếp cận vốn vay là một trong những rào cản hàng đầu hiện nay mà DNNVV phải đối mặt. Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME), mặc dù Chính phủ đã triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho khối này như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ tín dụng, nhưng trên thực tế chỉ có một số lượng nhỏ DN được thụ hưởng các chính sách này, còn phần lớn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Điều đáng chú ý là tuy chỉ có một tỷ lệ nhỏ các DNNVV tiếp cận được các nguồn vốn vay từ ngân hàng, song phần nhiều trong số này vẫn phải chịu mức lãi suất cao (từ 15 - 18%).
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vay vốn nói chung, DNNVV còn được hưởng các chính sách ưu đãi riêng. Theo đó, có khoảng 30% nguồn vốn tín dụng hàng năm chảy vào các DNNVV, song theo đánh giá của các chuyên gia, con số này không "thấm tháp" vào đâu so với nhu cầu phát triển của khối DNNVV.
Việc khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua càng khiến cho các DNNVV dễ tổn thương hơn, khi số lượng DN giải thể, ngừng hoặc tạm ngưng hoạt động tăng cao. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một trong hai nguyên nhân chính khiến cho DN phải ngừng hoạt động là do không tìm được đầu ra sản phẩm và DN không vay được vốn.
Công bằng với DNNVV
DNNVV có sự phát triển khá nhanh, song ông Kiêm cho rằng do chưa được chuẩn bị một cách đầy đủ về kỹ năng, năng lực và kiến thức kinh doanh, nên việc tiếp cận và sử dụng vốn còn nhiều hạn chế. Còn theo bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, không chỉ tiêu chí xác định DNNVV hiện chưa rõ ràng, thống nhất, gây khó khăn cho tổ chức tín dụng trong thẩm định và áp dụng cơ chế cho vay, mà các chính sách bảo lãnh vốn vay hiện vẫn chưa hiệu quả, khi các thủ tục còn nhiều bất cập, chưa thông thoáng.
Với các tổ chức tín dụng, do chịu áp lực lớn trong trong cân đối nguồn vốn, trong khi việc thẩm định dự án, phương án sản xuất - kinh doanh của DNNVV gặp nhiều khó khăn do quy mô hoạt động nhỏ, sản xuất không ổn định, lại thiếu tài sản thế chấp, nên đây là lý do phổ biến khiến các DN bị từ chối các khoản vay.
Tuy nhiên, ở góc độ khác ông Sergio Arzenri - Giám đốc Trung tâm OECD vì sự phát triển của doanh nhân, DNNVV, lại cho rằng DNNVV hiện đang bị đối xử bất bình đẳng với các DN lớn. Trong khi khối này phải trả thuế gấp 6 lần so với DN lớn, các giao dịch thương mại cũng hiệu quả hơn do tính linh động trong mô hình hoạt động, song phần lớn các ưu đãi, hay cơ chế bảo lãnh tín dụng lại chỉ có các DN lớn được hưởng. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ và nâng cao sức cạnh tranh cho DNNVV để nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, ông Sergio cho rằng các chính sách hỗ trợ cần được thực thi và được đo lường hiệu quả tác động, trong đó gỡ nút thắt về tài sản đảm bảo, xử lý các khoản nợ xấu là yêu cầu cần thiết đặt ra hiện nay.
Sự ra đời của Quỹ Bảo lãnh tín dụng đã góp phần tháo gỡ nút thắt về vốn cho DNNVV, song yêu cầu phải có tài sản thế chấp bằng ít nhất 15% giá trị các khoản vay vẫn là thách thức lớn cho DN tiếp cận vốn. Do đó, một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu là thủ tục vay vốn, bởi theo tính toán của Trung tâm OECD, nếu làm giảm thiểu 25% chi phí về thủ tục của các DNNVV, khối này có thể mang về 1% GDP cho mỗi quốc gia.
Việc tạo cơ chế hành chính thuận lợi, phù hợp với năng lực của DNNVV là cần thiết, đặc biệt với các DN có phương án doanh tốt nhưng thiếu vốn để phát triển. Ngoài ra, cần có các cơ chế bảo lãnh một phần tín dụng, đa dạng hóa điều kiện về tài sản thế chấp, mở rộng thêm các kênh huy động vốn…