Gọi tên những cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công

PV.

Trong những tháng cuối năm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được cho là sẽ “bù đắp” cho nhiều nhóm ngành như xây dựng, nguyên vật liệu xây dựng. Triển vọng của các nhóm ngành này có thể còn kéo dài hơn, khi cao điểm giải ngân đầu tư công vẫn nằm ở trung hạn giai đoạn 2022-2025.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiệu quả rõ nhất từ đầu tư công đem lại là tính dẫn dắt và lan toả trên nhiều nhóm ngành, từ bất động sản, vật liệu, hạ tầng cho đến việc tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp.

Đẩy mạnh đầu tư công cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, dự báo giai đoạn 2021 - 2025, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì ước GDP sẽ tăng thêm 0,058%.

Ngoài ra, đầu tư công sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ tới khu vực đầu tư ngoài Nhà nước (bao gồm khối tư nhân và khối FDI). Ước tính, 1 đồng giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đòng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.

Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10/2021, cả nước mới giải ngân 257.387 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021, hoàn thành 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Vì vậy, nhu cầu giải ngân trong những tháng cuối năm là hết sức khẩn trương và gấp rút. Cơ hội từ sóng đầu tư công cho nhóm xây dựng, thi công, vật liệu xây dựng như thép, xi măng... theo đó sẽ rộng mở hơn.

Đặc biệt, cơ hội đầu tư vẫn còn khi mà cao điểm giải ngân đầu tư công vẫn nằm ở trung hạn giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 nâng lên là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 43% so với con số thực hiện của giai đoạn 2016 - 2020. Chính phủ cam kết tập trung nguồn vốn giải ngân ở các công trình hạ tầng lớn như sân bay, cao tốc, nhà ga có quy mô quốc gia.

Như vậy, một số cổ phiếu như HPG, HSG, HT1, BCC, KSB, HBC... và các doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia vào các dự án đầu tư công trong quá khứ, có vị thế đầu ngành sẽ nắm lợi thế lớn. Có thể thấy, các nhịp điều chỉnh của thị trường là cơ hội phù hợp để tham gia với thời gian nắm giữ từ 6 tháng đến 1 năm với các cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh (dự kiến tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38,5% trong năm 2020, tăng 1,16 điểm phần trăm so với 2019) cùng tăng trưởng dân số 0,9% mỗi năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng.

Hầu hết những doanh nghiệp xây dựng dù tăng trưởng chậm lại trong quý III/2021 do ảnh hưởng bởi thực hiện giãn cách phòng chống dịch COVID-19, nhưng đều được kỳ vọng bật tăng trở lại nhờ động lực từ đầu tư công. Một loạt cổ phiếu như HBC, IDJ, CSC, BCG, L14... đều có mức tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 11 đến nay.

Riêng thép, vừa được hưởng lợi từ đầu tư công, vừa được hưởng lợi từ cung vượt quá cầu trên thế giới, doanh nghiệp thép lãi nhờ tích lũy mạnh hàng tồn kho trong quá trình giá thép tăng đột biến.

Về xi măng, bên cạnh kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp từ việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, các doanh nghiệp nhóm ngành này đã và đang tập trung xuất khẩu nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Những cổ phiếu xi măng có tiềm năng mà nhà đầu tư nên dành sự quan tâm có thể kể đến gồm: HT1, BTS, CQT...