Hạ lãi suất vay, tại sao không?

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Với chỉ số CPI tháng 1 thấp nhất trong nhiều năm, mục tiêu giữ lạm phát ở mức 7% cho cả năm 2014 đang có đà khởi động khá thuận lợi. Nếu lạm phát tiếp tục giữ ở mức thấp và cùng với đó kinh tế khởi sắc hơn, doanh nghiệp (DN) sẽ có nhiều hy vọng về nới lỏng tín dụng và hạ thấp lãi suất vay.


LÃI SUẤT CHO VAY VND PHỔ BIẾN TỪ THÁNG 1/2013-THÁNG 1/2014  VỚI ĐỐI TƯỢNG DN SẢN XUẤT KINH DOANH THÔNG THƯỜNG
Hạ lãi suất vay, tại sao không? - Ảnh 1
Đơn vị: %/năm

So với khoảng 1 năm rưỡi về trước, các gói huy động được các nhà băng tung ra nhằm thu hút người gửi tiền hiện nay có phần mang tính “động viên”, tri ân khách hàng nhiều hơn là gia tăng thêm lợi tức. Đa phần các nhà băng đều dùng “chiêu” khuyến mãi tặng quà, khiêm tốn thì cái bình nước, áo mưa, ly chén lưu niệm… “nặng tay” hơn thì tặng lên một vài không phẩy mấy phần trăm tùy giá trị món tiền gửi to tới đâu và kì hạn gửi như thế nào.

Đồng tiền có dư...

Mang một khoản tiền dưới 200 triệu đồng đến một phòng giao dịch Vietcombank ở TP. Hồ Chí Minh vào ngày 26 Tết, ngày đi làm bù thứ bảy và nhà băng làm việc thông ca vào lúc chiều muộn, phòng giao dịch bên ngoài đã treo bảng close (đóng cửa) nhưng bảo vệ vẫn chỉ hướng cửa hông đi vào bên trong đồng thời các nhân viên vẫn hết sức tận tình nhận khoản tiền gửi tiết kiệm. Duy chỉ có lãi suất thì không hề có ưu đãi thêm như trước đây mà nhất định chỉ 6,8% “theo đúng chính sách được giao” cho kì hạn ngắn 3 tháng.

Trở lại ngày đầu đi làm sau Tết, nhiều cá nhân cũng mang tiền mặt đi gửi tiết kiệm bên cạnh khuynh hướng mua vàng tích tài nhân ngày vía Thần Tài mùng 10 âm lịch đầu năm. Thậm chí nhiều DN còn cho hay nếu ngày vía không rơi vào chủ nhật, có lẽ họ cũng sẽ dành một món tiền đi gửi nhà băng tích tài và tích luôn sự ổn định thông suốt của dòng tiền cho cả năm.

Có vẻ như về phía các nhà băng, sự cẩn trọng khi hút tiền trong khi nhu cầu tăng trưởng tổng huy động, bàn đạp cho tăng trưởng tổng tài sản, nền tảng để kinh doanh diện hoàn toàn không thừa. Một diện mạo thanh khoản ổn định tích cực so với cách đây chừng một, hai năm, khi nhà nhà dùng mọi chiêu để hướng đến xé rào lãi suất, nay đã khá rõ ràng. Cũng có vẻ người gửi tiền không quá nóng vội sốt ruột với lãi suất cứ đủng đỉnh ở mức thấp giữa vạch thực dương và thực âm, càng không phải quá cân đo đong đếm để khoản tiền nằm trong tài khoản nhà băng phải sinh lời thực dương cao và cao hơn nữa.

Chìa khóa khơi vốn

Song nhìn về phía trước năm mới, để dòng vốn từ ngân hàng ra nền kinh tế tiếp tục chất lượng hơn, tăng trưởng mà an toàn hơn, cái ổ khóa dòng vốn vẫn chưa hoàn toàn được mở. Người mở được và chủ động, theo các DN, lại vẫn chính là ngân hàng.

Kết thúc năm 2013, tuy không hoàn toàn khả quan nhưng nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu vượt qua đáy khó khăn và khả năng phục hồi là rất rõ. Chỉ số sản xuất PMI của Việt Nam do ngân hàng HSBC Việt Nam công bố trong tháng 1/2014 đã đạt mức cao nhất trong 33 tháng qua – tín hiệu tốt nhất cho thấy nền kinh tế thực sự đang vận động bước vào chu kì mới. Hơn lúc nào hết, các DN cần liều thuốc trợ lực quan trọng, chính là nguồn vốn với lãi suất hợp lí để nắm giữ được thời cơ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

“Không nhất thiết thuốc trợ lực cho nền kinh tế, cho DN phải là một gói kích cầu khủng, mà chỉ cần mỗi một nhà băng linh động hơn, rộng cửa cho vay hơn với DN và mỗi một khoản vay chỉ cần nhà băng tính toán hạ lãi suất xuống 1-2%, DN sẽ có thêm nhiều cơ hội”, anh Nguyễn Duy Anh - chủ DN sản xuất Duy Anh nói.

Có thể nói một cách chắc chắn, bên cạnh mong đợi vĩ mô ổn định, hạ lãi suất vay để giảm chi phí là điều mà hầu hết các DN đều mong mỏi. Cũng xứng đáng để họ mong mỏi khi hiện tại, lãi suất vay tiền đồng thực tế vẫn đang ở mức cao so với mức lãi suất huy động mà các nhà băng ấn định. Chẳng hạn, các gói vay cho DN xuất khẩu, đối tượng được nhà băng ưu ái nhiều nhất vẫn quanh quẩn ở mốc 9 -12%. Tức chênh lệch khoảng 3 - 4% so với lãi suất huy động kì hạn dưới một năm. Với các DN kinh doanh trong lĩnh vực khác, lãi suất vay bình quân thực tế vẫn ở mức 13-15%. Ông Lê Hữu Nghĩa - Công ty Lê Thành khá bức xúc khi cho biết “lãi suất hạ xuống thấp ở đâu không thấy nhưng Công ty Lê Thành vẫn phải vay và trả lãi 15% đều đặn suốt năm qua”.

15% là mức lãi vay quá cao đối với DN trong một nền kinh tế lạm phát kì vọng chỉ 7%. Hay nói cách khác lãi vay vẫn đang là gánh nặng với nhiều DN và lãi vay chứ không hẳn là sức mua hay tồn kho sản xuất đang khiến các DN ngần ngại trong khi khởi động guồng máy kinh doanh đầu năm mới.

Chẳng ai muốn kinh doanh khi chưa thấy có lời.

Có thể hạ lãi suất ?

Về mặt lí thuyết, nếu xét trên lạm phát kì vọng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, khả năng điều chỉnh lãi suất xuống thấp hơn trong năm 2014 khó có thể xảy ra. Ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định lãi suất huy động khó có thể xuống thấp hơn nữa, dưới 7%.

Tuy nhiên, ngoài lợi thế thanh khoản đang dôi dư mà một số kênh tạm gọi là đầu tư giúp các ngân hàng sinh lợi như trái phiếu Chính phủ không thể ngốn hết nguồn vốn huy động nên các ngân hàng cần vận động tìm khách cho vay, thì các nhà kinh doanh vốn cũng đang nhìn vào cơ hội tìm nguồn vốn giá rẻ đến từ chiết khấu trái phiếu VAMC. Nếu bán nợ cho VAMC, họ có thể xin vay chiết khấu từ NHNN với giá trị tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu VAMC. Nếu toàn bộ nợ xấu của hệ thống có thể được xử lý hết qua kênh VAMC trong năm 2014 thì ước tính tối đa có khoảng gần 200.000 tỉ đồng có thể được NHNN bơm vào hệ thống qua kênh chiết khấu trái phiếu đặc biệt này.

Quan trọng hơn, số dòng vốn này sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn 2%/năm so với mức lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố trong từng thời kỳ, theo quyết định Thủ tướng Chính phủ. Điều đó sẽ là cơ sở để các nhà băng có thể sử dụng đồng vốn linh hoạt hơn cho cho các gói vay DN, với lãi suất ít nhất điều chỉnh thấp hơn 2% so với lãi suất hiện hành. Tất nhiên nếu các nhà băng không quá căn ke tính đếm cho mình trước khi nghĩ tới người đồng hành DN!

Một lưu ý không thừa là do dòng vốn này có giá trị không nhỏ nên áp lực lên lạm phát có thể sẽ xuất hiện. Mặt khác VAMC cũng không thể mua đứt nợ xấu trong một lần cho cả năm nên khả năng NHNN tái cấp vốn trái phiếu chiết khấu cho các nhà băng cũng sẽ không ồ ạt trong một lần, một thời điểm. Dù vậy, tính toán để bán nợ và mượn vốn giá rẻ kinh doanh cũng là một phương án khôn ngoan mà các nhà băng không bỏ qua, kể cả những nhà băng không có nợ xấu trên 3% bắt buộc phải bán nợ, cũng là phương án để DN có thể trông mong ngân hàng sẽ hạ lãi suất vay.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, NHNN sẽ điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam. “Nếu điều kiện thị trường diễn biến thuận lợi, các mức lãi suất cho vay có thể được các tổ chức tín dụng cân nhắc điều chỉnh giảm 1-2%/năm để hỗ trợ cho nền kinh tế nhưng trần lãi suất huy động nhiều khả năng tiếp tục ổn định như hiện nay”, bà Hồng nói.

Một cách công bằng với DN, đối tượng vay chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tín dụng của toàn hệ thống nhà băng, dù chỉ giảm thêm được 1-2% lãi suất vay, đó là cũng là điều rất đáng mừng. Đáng mừng hơn nữa nếu các nhà băng sẽ tiếp tục quan tâm đến DN bằng cách không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ cũ với “nghiệp vụ” nâng lãi suất của các khoản vay mới. Khoản nào ra khoản đó mặc dù bù trừ và cân đối, dự phòng rủi ro là chuyện các ngân hàng không thể không làm. Cân đối và dự phòng mà vẫn tạo cơ hội để DN được “thở”, được kinh doanh và có cơ hội trả nợ, nếu sử dụng công cụ chủ động hạ lãi suất vay và “nín nhịn” lợi nhuận nếu cần thiết, các nhà băng cũng sẽ không phải ngay ngáy trữ thật to khối dự phòng dự phòng rủi ro của ngân hàng mình.

Đã đến lúc lãi suất và nợ xấu không còn là câu chuyện con gà quả trứng loanh quanh, khi mục tiêu ưu tiên của nền kinh tế và của các nhà băng nay đã quá rõ ràng!