Hà Nội - doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội gần 280 tỷ đồng
Tại Hà Nội, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội đang diễn biến phức tạp với số tiền lên tới gần 280 tỷ đồng. Nguyên nhân được cho là có một số doanh nghiệp gặp khó khăn vì hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo, chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán...
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa công bố, hiện trên địa bàn có tới 500 đơn vị sử dụng lao động nợ gần 280 tỷ đồng tiền BHXH từ 6-24 tháng trong tháng 9/2019. Theo đó, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số nợ BHXH phải tính lãi trên địa bàn TP Hà Nội là 1.989,4 tỷ đồng.
Nợ đọng BHXH lớn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động |
Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHXH đang diễn biến phức tạp được lý giải là do một số doanh nghiệp gặp khó khăn vì hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, chiếm dụng vốn, nợ chồng chéo, chậm được giải ngân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bị phong toả hoá đơn; số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể tăng.
Bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn, số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể tăng lại có không ít doang nghiệp đang hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận, trả lương thưởng cho người lao động bình thường nhưng vẫn tìm cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng của người lao động để sử dụng vào mục đích khách; ý thức về thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp chưa được chú trọng.
Đặc biệt, theo BHXH TP Hà Nội, tình trạng người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận, chủ động trốn đóng BHXH, đóng không đúng mức quy định, cũng như sự hiểu biết pháp luật của người lao động còn hạn chế, chưa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Trước sự chây ỳ của doanh nghiệp, BHXH TP Hà Nội cho hay, cơ quan này đã nhiều lần công khai danh sách các đơn vị nợ BHXH kéo dài với số nợ lớn, đây đều là những doanh nghiệp có xu hướng gia tăng nợ theo thời gian do phát sinh lãi chậm đóng. Trong tháng 10/2019, cơ quan này tiếp tục công khai danh sách 500 doanh nghiệp điển hình nợ BHXH lớn tính đến hết tháng 9 đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của 13.660 lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Theo Nghị quyết Số: 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự, quy định: Việc gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BH thất nghiệp tại khoản 1 Điều 216 là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.
Không đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người sử dụng lao động không gửi hồ sơ đăng ký đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với người lao động hoặc có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH theo quy định.
Không đóng đầy đủ quy định tại khoản 1 Điều 216 của Bộ luật Hình sự là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ đóng một phần tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH theo quy định.
Theo BHXH Hà Nội, hiện nay, vấn đề trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là với doanh nghiệp nợ thời gian dài, số tiền nợ lớn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động mà còn ảnh hưởng tới niềm tin và tính nghiêm minh của pháp luật. Trước tình trạng trên, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh BHXH cần được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, nghiêm minh, và có tính răn đe, để chính sách an sinh xã hội ngày càng phát triển bền vững.