Hà Nội: Hạn chế phát triển nhà cao tầng trong nội đô


Nhằm hạn chế việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng, nhà chung cư tại khu trung tâm Hà Nội sẽ bị hạn chế trong việc xây dựng các dự án mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sở Xây dựng Hà Nội đặt chỉ tiêu phát triển nhà ở năm 2023 với tổng số nhà ở hoàn thiện trong năm nay là 21.100 căn với tổng diện tích là 4.110.000 m². Đối với nhà ở xã hội, tổng số nhà ở cùng diện tích là 400 căn và 28.000 m². Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 28 m²/sàn/người.

Trên cơ sở Chiến lược nhà ở Quốc gia năm 2020 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Sở Xây dựng Hà Nội đã trình UBND TP phê duyệt các chương trình như: Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội TP Hà Nội giai đoạn 2021 -2025; Kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 -2025.

Trong giai đoạn 2010 – 2020, thành phố đã hoàn thành gần 50 triệu m² sàn nhà ở. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 45 triệu m² và 45 triệu m² vào giai đoạn 2021 – 2030. Theo dự báo trong giai đoạn này, Thủ đô sẽ cần 89 triệu m² cho người dân trên địa bàn. Theo đó, mục tiêu đề ra về nhu cầu vốn xây dựng nhà ở trong giai đoạn này là 880.000 tỷ đồng và vốn ngân sách khoảng 11.700 tỷ đồng.

Cùng với đó, Sở cũng đã tập trung thúc đẩy các chủ đầu tư dự án triển khai xây dựng nhà ở, khu đô thị để đạt chỉ tiêu trong việc phát triển nhà ở theo đúng kế hoạch của thành phố đã đề ra.

Trong giai đoạn 2021 – 2030, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phát triển các khu đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến lên quận. Các loại hình nhà ở được tập trung triển khai, đồng thời tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu chỗ ở cho người dân có mức thu nhập khác nhau. 

Đối với khu vực nội đô lịch sử, việc giảm thiểu tối đa phát triển nhà chung cư để hạn chế gia tăng dân số cũng như quá tải hạ tầng là điều cần thiết. Tuy vậy, các dự án cải tạo và xây dựng chung cư cũ hoặc nhà tái định cư vẫn sẽ được triển khai. Đối với các khu vực còn lại, các dự án chung cư lại được khuyến khích gia tăng nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất thay vì phát triển nhà ở liền kề, thấp tầng.

Dựa trên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án chậm triển khai và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Mặt khác, những dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi nhằm phục vụ cho việc lựa chọn lại chủ đầu tư cũng như công khai thông tin vi phạm.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng tiếp tục cân đối để phân bổ phù hợp phục vụ nhu cầu nhà ở cho dân cư, tránh tình trạng tập trung cao vào một loại hình trên một khu vực.

Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho biết, nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra, Hà Nội cần giải quyết ba vấn đề chính. Đầu tiên, các dự án phát triển nhà ở bị ách tắc lâu này cần được giải quyết, nếu cần thiết đề xuất lên cấp trên cơ chế đặc thù. Thứ hai, cần dành ra quỹ đất và cơ chế để phát triển nhà ở xã hội. Thứ ba, cần thúc đẩy triển khai mạnh mẽ việc cải tạo lại chung cư cũ. Do đó, các cấp chính quyền của TP cần vào cuộc quyết liệt hơn.

Đại diện Phòng Quản lý quy hoạch trung tâm TP và phụ cận (Sở Quy hoạch Kiến trúc) cho rằng, trên địa bàn năm quận nội đô, khoảng 20 khu thuộc 69 nhóm chung cư, trong đó 209 căn là chung cư cũ độc lập riêng lẻ cần cải tạo. Đơn vị đã cùng các cơ quan chức năng thuộc các quận đã đưa ra định hướng cũng như mục tiêu để lập ra quy hoạch cụ thể cùng tổng mặt bằng các khu chung cư cũ.

Sở đã đề nghị các địa phương chủ động liên hệ các nhà đầu tư đã được giao nghiên cứu lập 19 ý tưởng quy hoạch chung cư cũ và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội để tham khảo và tận dụng các nội dung đã có, tiết kiệm thời gian nghiên cứu.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, Chính phủ đã ban hành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, chương trình hỗ trợ nguồn vốn để hoàn thành mục tiêu hoàn thiện ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021 – 2030, để chủ đầu tư cũng như người mua nhà vay vốn với lãi suất thấp hơn 1- 2% so với lãi suất trung dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn