Hà Nội phải giao nhiệm vụ thu thuế đến từng cán bộ, công chức
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Cục Thuế TP.Hà Nội chiều 10/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã yêu cầu, Cục Thuế phải giao nhiệm vụ thu đến từng bộ phận, từng cán bộ công chức thuế.
Phải tăng thu từ 12.000 đến 14.000 tỷ đồng so với dự toán
Báo cáo tại hội nghị, ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách do cục thuế thực hiện đến 30/6 đạt 93.931 tỷ đồng, đạt 50,1% dự toán pháp lệnh, tăng 18% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nhiều mặt công tác như: công tác tuyên truyền hỗ trợ, thanh tra kiểm tra, công tác thu hồi nợ thuế, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa ngành thuế... cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Sau khi nghe đại diện Cục Thuế TP.Hà Nội báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng đầu năm, giải pháp thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn bày tỏ đồng tình với những giải pháp mà đại diện Cục Thuế TP.Hà Nội nêu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có văn bản gửi các địa phương, trong đó có Hà Nội, yêu cầu phải hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN mà Quốc hội, Chính phủ, HĐND thành phố Hà Nội đã giao cho Cục Thuế.
“Theo yêu cầu của đồng chí Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Hà Nội phải tăng thu tối thiểu 12.000 - 14.000 tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội, Chính phủ giao. Để hoàn thành nhiệm vụ này, đề nghị Cục Thuế Hà Nội phải cụ thể hóa bằng việc giao nhiệm vụ tới từng phòng, từng chi cục, từng bộ phận, từng đội thuế để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Đại diện các sở, ngành và đông đảo cán bộ, công chức Cục Thuế Hà Nội đã tham dự hội nghị chiều 10/7. Ảnh: NM. |
Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Luật Thủ đô cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù trong việc đầu tư cho nguồn lực cơ sở hạ tầng. Nhưng nếu nguồn thu không đảm bảo, thì không thể tận dụng được cơ chế đặc thù đó trong việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng Thủ đô.
Về các giải pháp chống thất thu NSNN, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn yêu cầu Cục Thuế TP.Hà Nội phải đưa Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chống chuyển giá, quản lý thuế đối với doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết vào cuộc sống.
Theo TT Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện nay các DN đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội khá lớn, nhưng đóng góp chưa tương xứng với mức độ đầu tư, chưa tương xứng với quy mô, với những ưu đãi mà nhà nước đã dành cho DN. “Do đó tôi đề nghị cần tập trung thực hiện chống chuyển giá, để làm sao có sự chuyển biến mạnh hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu suất quản lý thuế của cơ quan thuế”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Triển khai hóa đơn điện tử vào năm 2018
Về cải cách TTHC thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Cục Thuế TP.Hà Nội phải làm tốt vai trò tham mưu, giúp UBND thành phố, giúp các hiệp hội DN, các sở, ban, ngành của thành phố đóng góp cho dự thảo Luật sửa 5 luật về thuế tới đây.
“Hiện nay theo Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 10 tới đây Bộ Tài chính phải trình Quốc hội, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Luật này. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, không chỉ thực hiện Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công, mà nó còn có ý nghĩa quan trọng về đảm bảo tỷ lệ động viên về thuế, đảm bảo huy động nguồn lực, đảm bảo môi trường cạnh tranh quốc gia thông qua việc cải cách TTHC”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Do đó, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu Cục Thuế TP.Hà Nội phải có kế hoạch đóng góp cho dự thảo này, làm sao tập hợp được ý kiến đóng góp của đông đảo cộng đồng DN trên địa bàn, của các sở, ban, ngành trên địa bàn để tham mưu cho UBND thành phố tổng hợp ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật được sát với thực tế.
Cũng liên quan đến công tác cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, để thực hiện Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành Thuế phải chuyển từ hóa đơn in thông thường hiện nay sang hóa đơn điện tử. Để có cơ sở pháp lý, trước hết phải xây dựng cho được nghị định về hóa đơn điện tử.
“Mục tiêu là đến năm 2018 chúng ta đưa hóa đơn điện tử vào thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Để làm được điều đó, trước mắt phải xây dựng cho được nghị định về hóa đơn điện tử. Có như vậy công tác quản lý thuế mới đáp ứng được yêu cầu mới, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu Cục Thuế TP.Hà Nội phải đẩy mạnh việc triển khai hoàn thuế điện tử; triển khai trên phạm vi 30 chi cục thuế các quận, huyện về nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy bằng phương thức điện tử.
“Hiện nay Hà Nội mới có 2/30 chi cục thuế thực hiện nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy bằng phương thức điện tử. Tôi đề nghị, chúng ta phải đẩy mạnh việc này, phải có lộ trình cụ thể, để đến 30/12/2017 tất cả các quận, huyện đều thực hiện nộp lệ phí trước bạ ô tô, xem máy bằng phương thức điện tử”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng yêu cầu, để hỗ trợ và khuyến khích các DN nhỏ và vừa phát triển. Cơ quan thuế phải có phương thức quản lý thuế đơn giản, để làm sao khuyến khích được các hộ kinh doanh chuyển dần lên DN. “Tôi đề nghị Cục Thuế TP.Hà Nội phải đi đầu, tham mưu giúp Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xây dựng chế độ kế toán đối với DN nhỏ và siêu nhỏ, làm sao thủ tục thật đơn giản, dễ thực hiện. Muốn làm được như vậy chúng ta phải thay đổi phương thức quản lý thuế hiện nay”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói./.