Kinh tế Việt Nam: Những dự báo lạc quan

ThS. NGUYễN THị KIM CHUNG

Cùng với những chuyển biến tích cực của kinh tế thế giới, tình hình kinh tế trong nước có nhiều dấu hiệu phục hồi trong những tháng đầu năm 2015 khi nền tăng trưởng tiếp tục ổn định ở mức tốt hơn năm trước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức đang đặt ra cần có giải pháp trong những tháng cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng phục hồi

Trong những tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế đất nước tiếp tục đà hồi phục nhờ đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9,9% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,2% của nửa đầu năm trước. Trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tăng 10,1% (cùng kỳ 2013 tăng 5,8%, năm 2014 tăng 8,1%). Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu giảm, con số 7 tháng đầu năm cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 92,3 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập siêu ước 3,4 tỷ USD, bằng 3,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (giảm 1,2 điểm % so với 6 tháng năm 2015).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 7 tháng đầu năm cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, tháng 7/2015 đã tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, CPI cả nước tăng 0,68%, mức thấp nhất kể tăng năm 2002 trở lại đây. Sau khi chịu tác động của việc tăng giá xăng dầu trong tháng trước qua đi, trong tháng 7, CPI lại trở về nhịp tăng vốn có của nó như đã xác lập trong những tháng đầu năm. Nhóm giao thông đã trở lại diễn biến nhẹ nhàng khi chỉ tăng 0,16% chủ yếu do tác động từ nhóm hàng xăng dầu. Mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm vào ngày 4/7/2015 và 20/7/2015 nhưng theo Tổng cục Thống kê, những đợt tăng giá trong tháng trước vẫn tác động khiến bình quân giá xăng dầu tháng 7 vẫn tăng cao so với bình quân tháng 6. Sau khi chịu tác động từ việc tăng giá các dịch vụ y tế trong tháng trước, tháng này chỉ số giá nhóm hàng này cũng chỉ tăng nhẹ nhàng ở mức 0,15% so với tháng trước.

Ở các nhóm hàng khác, đáng chú ý là mức tăng của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, sau khi giảm liên tiếp trong 3 tháng trước, chỉ số giá của nhóm này đã tăng trở lại ở mức 0,1% trong đó lương thực tiếp tục giảm 0,28%, thực phẩm tăng 0,24% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,1% so với tháng trước…

Sau thời gian dài, cùng với sự nỗ lực từ các doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tình hình sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có nhiều cải thiện tích cực. Quy mô khu vực doanh nghiệp phi tài chính tại quý I/2015 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu bình quân, tổng tài sản bình quân và vốn chủ sở hữu bình quân toàn khu vực trong quý I/2015 lần lượt tăng 49,29%, 86,31% và 79,69% so với cùng kỳ năm 2014 mức cao nhất kể từ quý I/2009. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ cuối năm 2014. Điều này biểu hiện ở mức tăng trưởng doanh thu bình quân tại quý I/2015 của khu vực là 60,93%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2014 (15,89%). Đặc biệt, đầu tư khu vực tư nhân từ đầu năm đến nay đã tăng 11,4%, là mức tăng cao nhất so với các khu vực còn lại của nền kinh tế. Tính đến 20/7/2015, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 3,15%). Theo khảo sát tại quý II/2015 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại kể từ quý I/2014. Cụ thể, 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm % so với quý trước và ở mức tương đương với quý III/2014.

Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định trong 7 tháng qua. Các yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định là việc Ngân hàng Nhà nước đã có sự nhất quán trong điều hành tỷ giá. Và mức giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục ổn định; Tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) tăng nhẹ từ 83,3% (năm 2014) lên 84,7% (trong những tháng đầu năm 2015). Tiền gửi và vay liên ngân hàng giảm đáng kể so với cuối năm 2014 (giảm 16,83%), do đó tỷ trọng vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn cũng giảm từ 13,9% (tháng 12/2014) xuống còn 11,5% (tháng 5/2015). Trừ một số ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, cần hỗ trợ thanh khoản, các tổ chức tín dụng khác thanh khoản tương đối ổn định.

Vẫn còn những thách thức

Mặc dù nền kinh tế đang có nhiều điểm sáng nhưng vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, đến tháng 7/2015, phát hành trái phiếu chính phủ mới đạt 34% so với kế hoạch cả năm. Lũy kế 7 tháng phát hành trái phiếu chính phủ vẫn thấp so với kế hoạch năm, mặc dù tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ trong tháng 7 đã cải thiện hơn. Tính từ đầu năm đến nay đã phát hành được 86.106 tỷ đồng trái phiếu chính phủ qua Kho bạc Nhà nước, đạt 34,4% kế hoạch năm, với tỷ lệ huy động thành công là 58,4% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,48 năm.

Ngoài ra, tính đến 15/7, thu ngân sách mới đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ 2014 (57,3%). Giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn (thu từ dầu thô giảm (-32,5%) so với cùng kỳ). Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm với sự hỗ trợ nỗ lực của ngành Tài chính cùng sự hồi phục của doanh nghiệp nên dự báo thu ngân sách đạt dự toán.

Nhập khẩu tăng chủ yếu do tăng nhập các mặt hàng phục vụ sản xuất như: điện tử, máy tính, linh kiện tăng 36,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện khác tăng 35,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 21,5%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 12,8%. Điều này cho thấy nhập siêu tăng vừa do giá hàng hóa thế giới giảm vừa do cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất.

Trong khi đó, tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại. GDP của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức 2,96% của cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, mục tiêu điều hành tỷ giá cũng chịu không ít sức ép. Trong nước, do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất vào cuối năm sẽ làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn), cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND. Đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.

Giải pháp những tháng cuối năm

Như vậy, nền kinh tế đất nước trong 7 tháng đầu năm 2015 cơ bản có chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu đề ra trước mắt cần khắn phục những khó khăn và tập trung thực hiện mạnh mẽ các giải pháp trong những tháng cuối năm, cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA... tập trung hoàn thành, giải ngân các dự án quan trọng, cấp bách; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội.

Thứ hai, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các hiệp định thương mại, sự hồi phục kinh tế thế giới và khu vực.

Thứ ba, tăng cường chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; tập trung kiểm soát chi NSNN, bảo đảm triệt để tiết kiệm; Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, bảo đảm tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết một cách đồng bộ, có chất lượng, có tính khả thi; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách và chỉ đạo tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính thực tiễn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.