Hải Phòng đầu tư gần 25.000 tỷ đồng xây dựng 4 bến cảng tại Cát Hải
Dự án đầu tư xây dựng 4 bến cảng container khu bến Lạch Huyện, đặc khu Cát Hải, TP. Hải Phòng sẽ góp phần hình thành hệ thống cảng biển hiện đại, với khả năng tiếp nhận tàu lớn sức chở 12.000 ÷ 18.000 TEUs.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1497/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 9, số 10, số 11 và số 12 - Khu bến Lạch Huyện, TP. Hải Phòng.
Dự án đầu tư trên được thực hiện tại đặc khu Cát Hải, TP. Hải Phòng (thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) với tổng vốn đầu tư là 24.846 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất (mặt nước) khoảng 146,2 ha.
Dự án sẽ xây dựng 4 bến cảng container với tổng chiều dài bến 1.800 m (450 m/bến), tiếp nhận được tàu container có sức chở 12.000 đến 18.000 TEU và 400 m/bến tiếp nhận sà lan để gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa.
Dự án cũng xây dựng hệ thống bãi chứa container, xưởng sửa chữa, đường giao thông, các công trình phụ trợ cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ bảo đảm mọi hoạt động khai thác cảng.
Dự án đầu tư các thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hoá hiện đại, chuyên dụng phục vụ khai thác cảng.
Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các nội dung được giao thẩm định chủ trương đầu tư Dự án, kiến nghị việc chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện quản lý nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn UBND TP. Hải Phòng lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Tiến độ thực hiện Dự án là từ năm 2026 đến năm 2035; chia làm hai giai đoạn phân kỳ đầu tư: Giai đoạn 1 (năm 2026 - 2030) xây dựng bến cảng container số 9, số 10; giai đoạn 2 (năm 2031 - 2035) xây dựng bến cảng container số 11, số 12.
Chính phủ giao UBND TP. Hải Phòng lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và quy định.
Thời hạn hoạt động của dự án không quá 70 năm và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với nhà đầu tư thực hiện Dự án, Chính phủ yêu cầu phải có đủ điều kiện để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.
“Chỉ được thực hiện Dự án sau khi hoàn thành thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; thủ tục, điều kiện về công nghệ sử dụng tại Dự án theo quy định của pháp luật về công nghệ và chuyển giao công nghệ”, Quyết định nêu rõ.
Chính phủ quy định, trong quá trình thực hiện Dự án, nhà đầu tư phải được sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trong trường hợp phát sinh các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh và trong trường hợp chuyển nhượng Dự án hoặc chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức thực hiện Dự án.
“Các nhà đầu tư sau khi được lựa chọn phải có trách nhiệm đảm bảo góp đủ vốn chủ sở hữu thực hiện Dự án; ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện Dự án theo quy định”, Chính phủ yêu cầu trách nhiệm nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư phải tổ chức, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, kinh doanh Dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường và pháp luật có liên quan; đồng thời lưu ý ý kiến của Bộ Xây dựng về lộ trình đầu tư từng bến cảng để bảo đảm hiệu quả khai thác; đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài phạm vi dự án theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
Dự án hoàn thành sẽ giúp gắn kết cảng biển lớn với khu phi thuế quan, logistics phía sau cảng, đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa; khai thác tối đa lợi thế điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý để phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.