Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng

Hương Dịu

TS. Tamara Henderson - chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg nhận định, dù phải đối mặt với nhiều biến động từ bên ngoài, song Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng, tuy nhiên cần duy trì ổn định nền kinh tế, chủ động nắm bắt cơ hội, nâng cao vị thế quốc gia. 

TS. Tamara Henderson - chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg - ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
TS. Tamara Henderson - chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg - ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Chia sẻ tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 tổ chức vào ngày 9/7/2025, TS. Tamara Henderson từ Bloomberg cho rằng, để một quốc gia có thể phát triển bền vững, điều tiên quyết là phải dám đối mặt với những thách thức và thực hiện các thay đổi mang tính then chốt.

Những thay đổi này cần được đặt trong một chiến lược phát triển dài hạn nhằm dịch chuyển cấu trúc, giảm thiểu rủi ro, đồng thời hỗ trợ quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, TS. Tamara Henderson cũng nhấn mạnh "dư địa tài khóa" - khả năng chịu đựng tài chính của một quốc gia, là một yếu tố quan trọng. Việt Nam đang duy trì mức nợ công ở mức khá cân bằng so với nhiều nước khác, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19, khi nhiều quốc gia đang phải đối mặt với lãi suất cao và nợ công lớn.

Nhưng hiện có 3 thay đổi lớn trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và Việt Nam, đó là: Biến đổi khí hậu; chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và sự bùng nổ của công nghệ.

Với những phân tích nêu trên, vị chuyên gia từ Bloomberg khẳng định, Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Khi các quốc gia như Singapore hay Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều cú sốc kinh tế lớn thì Việt Nam vẫn đang duy trì được sự ổn định.

Chính phủ Việt Nam cần thực hiện các cam kết cải cách, tiếp tục tạo động lực, hỗ trợ doanh nghiệp và tận dụng cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, cần chú ý khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tại Hội nghị, ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, tác động của chính sách thuế sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế, không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp riêng lẻ. Với độ mở thương mại lớn, nền kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với biến động bên ngoài.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng nền kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với biến động bên ngoài.
Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng nền kinh tế Việt Nam rất nhạy cảm với biến động bên ngoài.

Đối với thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu như giày dép, quần áo hay bất động sản công nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt từ các chính sách thuế đối ứng của Mỹ.

Liên quan đến tác động của thông báo mới về thỏa thuận giữa Việt Nam và Mỹ, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, nhìn vào thị trường chứng khoán sẽ thấy những dấu hiệu tích cực. 

Đó là chỉ số VN-Index trong những ngày qua đã liên tục tăng và lần đầu tiên vượt mốc 1.400 điểm sau hơn 3 năm. Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh, đạt gần 30.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài cũng quay trở lại mạnh mẽ, với tổng giá trị mua ròng tăng cao.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, mức thuế được công bố đối với hàng hóa từ Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số quốc gia khác, điều này mang lại lợi thế tương đối cho Việt Nam. Song lưu ý rằng cần có thông tin đầy đủ thì mới đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của các chính sách này.

Trong chia sẻ mới đây, TS. Chu Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh tại RMIT Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã đạt được một bước đi tích cực để ổn định thương mại, dù còn nhiều chi tiết kỹ thuật cần làm rõ nhưng cũng tạo ra một khoảng đệm quan trọng để doanh nghiệp chuẩn bị và thích ứng với môi trường thương mại đang thay đổi.

TS. Tuấn khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng, đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa, minh bạch hóa quy trình sản xuất và đặc biệt là lưu trữ đầy đủ hồ sơ, từ giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), hợp đồng, hóa đơn đến vận đơn…