Hải quan Cao Bằng: Quản lý hiệu quả hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất
Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng, trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đơn vị đã nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX), thực hiện Thông tư số 05/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27/01/2014 quy định về hoạt động tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa của Bộ Công Thương bắt đầu có hiệu lực từ 20/02/2014 quy định danh mục hàng hóa cấm kinh doanh TNTX, hàng hóa TNTX có điều kiện và quy chế phối hợp giữa hải quan và UBND tỉnh thực hiện quản lý giám sát hàng hóa qua cửa khẩu chính và lối mở.
Cao Bằng là tỉnh biên giới nằm ở phía Đông Bắc giáp Quảng Tây (Trung Quốc), gồm 3 cửa khẩu chính, 3 cửa khẩu phụ và 9 lối mở, điểm thông quan. Các cửa khẩu, lối mở thuộc tỉnh Cao Bằng đều nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Tại các cửa khẩu, lối mở tỉnh Cao Bằng có 06 địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa XNK được Tổng cục Hải quan quyết định công nhận.
Hàng hóa XNK qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng chủ yếu là các loại hình: XNK kinh doanh, kho ngoại quan (KNQ), TNTX; nhập đầu tư và giám sát hàng TNTX được chuyển cửa khẩu từ các Cục Hải quan khác để xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Cao Bằng.
Nhằm đưa chính sách quản lý hàng kinh doanh TNTX qua các cửa khẩu phụ, điểm thông quan trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đạt hiệu quả cao, Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành các quy chế quản lý hàng TNTX, lựa chọn doanh nghiệp tham gia, quy hoạch đầu tư xây dựng các kho bãi tập kết.
Đồng thời xin ý kiến TCHQ xây dựng và ban hành các quy trình giám sát hàng TNTX, KNQ tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan và tổ chức triển khai công tác quản lý, giám sát chặt chẽ hàng kinh doanh TNTX theo đúng quy định.
Nhìn chung từ khi Thông tư số 05/2014/TT-BCT có hiệu lực đã kịp thời sửa đổi các hạn chế trong chính sách quản lý hàng TNTX, nhất là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Quy định của Thông tư cũng đã giao quyền chủ động cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý điều hành, điều tiết hàng hóa TNTX, hạn chế tình trạng tồn đọng, ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu. Qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, tạo doanh thu, lợi nhuận cho cộng đồng DN, góp phần tăng thu NSNN.