Hải quan tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Sáng ngày 28/8, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu nội dung mới của dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi; kết quả triển khai Luật Hải quan và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn chủ trì cuộc họp, cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Tổng cục Hải quan và đại diện hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí.
Tại cuộc họp báo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đã thông tin về những công tác ngành Hải quan đang triển khai như dự thảo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi; kết quả triển khai Luật Hải quan 2014 và công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lân thương mại... Đồng thời, Tổng cục Hải quan với cương vị là Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã cung cấp thông tin về kết quả hoạt động về vấn đề chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian qua.
Những điểm mới của dự án Luật thuế XK, NK sửa đổi
Qua 10 năm thực hiện, Luật thuế XNK số 45/2005/QH11 đã tác động tích cực đến nhiều mặt KT-XH của đất nước và đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành Luật. Tuy nhiên, đến nay Luật Thuế XNK đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sửa đổi, đó là: Thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết tự do thương mại (AFTA), theo đó, từ năm 2018 mức thuế suất thuế NK cơ bản sẽ được xóa bỏ. Để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ về thuế trong Luật thuế XNK; Một số nội dung quy định tại Luật không còn phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường…; Một số quy định trong Luật chưa phù hợp với những nội dung cam kết trong hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia; Một số quy định trong Luật cần được sửa đổi để góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển KT-XH, yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn mới....
Theo đó, những nội dung sửa đổi chủ yếu của dự thảo Luật được tập trung vào các vấn đề như: Bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp; Sửa đổi nguyên tắc, thẩm quyền ban hành Biểu thuế, thuế suất; quy định mức thuế xuất khẩu tối thiểu của Biểu thuế theo Danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu thay cho khung thuế suất hiện nay; Sửa đổi, bổ sung những quy định về ưu đãi thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy mạnh xã hội hóa; sửa đổi, bổ sung để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật liên quan; đồng thời khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế XNK hiện hành, bao gồm các nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế; Bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất khẩu đối với trường hợp có hàng hóa xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế xuất khẩu; Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường nội địa đáp ứng các điều kiện về xuất xứ thì được áp dụng theo mức thuế suất ưu đãi, ưu đãi đặc biệt tương ứng; Bổ sung quy định về miễn thuế đối với hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Điều ước quốc tế và các Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc một số tổ chức quốc tế để đảm bảo minh bạch, phù hợp với Luật ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế...
Kết quả triển khai, thi hành Luật Hải quan
Ngay sau khi Luật Hải quan được thông qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 9296/CT-TCHQ ngày 25/7/2014 trong đó nêu rõ các công việc cần tập trung và kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Luật Hải quan. Đến nay, các công việc đã được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và đạt được những kết quả nhất định như: đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành 03 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 10 Thông tư; đồng thời Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành các quy trình nghiệp vụ để triển khai thực hiện.
Nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Luật Hải quan năm 2014, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình để tiến hành sắp xếp bộ máy, bố trí nguồn lực phù hợp với yêu cầu triển khai thực hiện Luật. Các Cục Hải quan đã chủ động rà soát đội ngũ cán bộ, công chức tại đơn vị để lựa chọn những công chức đã được đào tạo và có nghiệp vụ chuyên sâu, có kinh nghiệm bố trí vào các bộ phận phù hợp với yêu cầu của quá trình triển khai thực hiện Luật.
Những thay đổi của Luật Hải quan và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã tác động sâu rộng đến toàn bộ hoạt động hải quan đặc biệt là các hoạt động nghiệp vụ hải quan, như: Thủ tục hải quan tiếp tục được đơn giản hóa: Trên cơ sở Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành đã kiến nghị bãi bỏ 17 thủ tục, đơn giản hóa 46 thủ tục; Hồ sơ hải quan đã được đơn giản, giảm bớt; giảm thời gian kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa; thủ tục hải quan điện tử đã được triển khai tại tất cả các Chi cục Hải quan trên toàn quốc; Phương thức hoạt động hải quan hiện đại theo nguyên tắc quản lý rủi ro đã được áp dụng trong toàn bộ hoạt động kiểm tra, giám sát hải quan; Công tác kiểm tra sau thông quan được tăng cường, để bảo đảm yêu cầu quản lý hải quan theo phương pháp hiện đại: thay đổi phương thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, công tác kiểm tra sau thông quan được tăng cường, việc thu thập phân tích thông tin được mở rộng, tập trung trọng điểm vào các doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng có rủi ro cao; Công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đạt hiệu quả tích cực...
Về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Trong 7 tháng đầu năm 2015, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó trọng điểm là địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp,…Mặt hàng trọng điểm là ma tuý, vũ khí, tài liệu phản động, động vật hoang dã, gỗ, ngoại tệ, vàng, rượu ngoại, xăng, dầu, khoáng sản, thuốc lá ngoại, ôtô, máy móc thiết bị, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, hàng bách hóa Trung Quốc, hàng thời trang, thực phẩm chức năng, rác thải,... Các đối tượng vi phạm gồm doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu, cá nhân xuất, nhập cảnh, cư dân biên giới,…
Để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi thủ đoạn buôn lậu gian lận thương mại, Tổng cuc Hải quan đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, dự báo đúng xu hướng tội phạm; tăng cường áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; thực hiện nhiều chuyên đề, kế hoạch lớn như: tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan, hàng bách hóa Trung quốc, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu,...; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong tuần tra, kiểm soát, điều tra, bắt giữ và xử lý nên trong 07 tháng đầu năm 2015, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 11.498 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 118 tỷ 920 triệu đồng, thu nộp ngân sách nhà nước 90 tỷ 524 triệu đồng, cơ quan Hải quan khởi tố 09 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 42 vụ án hình sự.
Để hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, từ nay đến cuối năm 2015, Tổng cục Hải quan tập trung vào một số nhiệm vụ trọng yếu như: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138, Ban chỉ đạo 389 quốc gia mà trọng tâm là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến hoạt động kiểm soát hải quan, làm tốt vai trò thường trực Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; Tiếp tục hiện đại hóa trong lĩnh vực chống buôn lậu mà trọng tâm thực hiện có hiệu quả Đề án thành lập Phòng Chỉ huy trực tuyến, kết nối và tích hợp các hệ thống dữ liệu quản lý giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại các điểm nóng, khu vực cửa khẩu; Đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, nắm vững địa bàn, tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát, tập trung đấu tranh vào các lĩnh vực dễ bị lợi dụng như chính sách ưu đãi hoàn thuế VAT, tạm nhập - tái xuất, kho ngoại quan, chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu kinh tế cửa khẩu; Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong việc chia sẻ thông tin, tuần tra kiểm soát, hiệp đồng tác chiến, đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm minh, kịp thời hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền rộng rãi tại các địa bàn, trên phương tiện thông tin đại chúng về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, bao che và tiếp tay cho buôn lậu.
Cũng tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi, cũng như những ý kiến xoanh quanh một số vấn đề mà dư luận quan tâm trong suốt thời gian vừa qua như: kết quả hoạt động trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại của Tổng cục Hải quan nói chung và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nói riêng và một số vụ việc buôn lậu điển hình thời gian qua; các biện pháp để giảm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của CBCC hải quan; thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về giảm thời gian thông quan hàng hóa, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về giảm thời gian thông quan hàng hóa trong thời gian qua như thế nào? Tất cả những ý kiến và câu hỏi của phóng viên báo chí đã được Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cùng đại diện các đơn vị chức năng trả lời cụ thể, đáp ứng yêu cầu thông tin đặt ra./.