Tổng cục Hải quan: Xứng danh “người gác cửa” nền kinh tế
Ra đời chỉ 8 ngày sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (10/9/1945), Hải quan Việt Nam đã có lịch sử 70 năm phát triển vẻ vang. Trải qua những giai đoạn phát triển của đất nước, lực lượng hải quan luôn xứng đáng là người chiến sĩ gác cửa nền kinh tế đất nước. Phát huy truyền thống đó, ngày nay Hải quan Việt Nam đã và đang phát huy tiềm lực bước vào thời kỳ mới với những vận hội, thời cơ mới.
70 năm trưởng thành và phát triển, trên mỗi chặng đường cách mạng của dân tộc, ngành Hải quan luôn tuân thủ tuyệt đối đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Những thành tựu nổi bật của Tổng cục Hải quan trong 5 năm gần đây là minh chứng sắc nét nhất.
Thực hiện tốt công tác cải cách, phát triển, hiện đại hóa
Mục tiêu cải cách, hiện đại hoá hải quan đến năm 2015 của ngành Hải quan là phát triển mô hình nghiệp vụ hải quan dựa trên nền tảng của tự động hoá một phần và xử lý dữ liệu tập trung ở cấp cục, từng bước áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư trang thiết bị hiện đại tại các địa bàn trọng điểm được lựa chọn. Đến năm 2020 Hải quan Việt Nam sẽ trở thành “Hải quan mọi lúc, mọi nơi”.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành Hải quan đã có kế hoạch xây dựng hệ thống quy trình thủ tục hải quan, quy chế quản lý hải quan đầy đủ, minh bạch, đơn giản, hài hoà, thống nhất, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro đáp ứng yêu cầu hội nhập và hiện đại hoá; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại tại một số địa bàn trọng điểm có lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải và hành khách xuất nhập cảnh lớn; sắp xếp lại tổ chức bộ máy hải quan, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; triển khai chiến lược đào tạo tập trung cho một số lĩnh vực nghiệp vụ quan trọng. Các chủ đề thi đua gắn liền với các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, chỉ thị về kỷ cương, kỷ luật, chống tham nhũng, thực hiện liêm chính hải quan... đã giúp hoàn thành các kế hoạch cải cách, hiện đại hóa đề ra.
Năm 2011, đối với 13 cục hải quan tỉnh, thành phố được nêu tại Quyết định 103/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 149/2005/QĐ-TTg về việc thí điểm thủ tục hải quan điện tử, thủ tục hải quan điện tử được triển khai ở tất cả các loại hình tại 100% các chi cục, đạt tỷ lệ 80% kim ngạch và tờ khai xử lý trên quy trình thủ tục hải quan điện tử... Những mục tiêu này đều đã được các bộ, công chức toàn ngành Hải quan ra sức thực hiện có kết quả cao. Đến năm 2013, thủ tục hải quan điện tử được triển khai tại 34/34 cục hải quan tỉnh, thành phố với 147/170 chi cục. Số lượng doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục hải quan điện tử là 47,8 nghìn, chiếm 96% tổng số DN tham gia làm thủ tục hải quan. Số tờ khai thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt 4,721 triệu, chiếm 92,7% so với tổng số tờ khai trên toàn quốc. Kim ngạch xuất nhập khẩu trên thủ tục hải quan điện tử đạt 228,74 tỷ USD, chiếm 95,07% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. thủ tục hải quan điện tử chính thức được triển khai thành công trong giai đoạn từ 2010 đến 2013 đã tạo điều kiện tốt để Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực thương mại, tài chính và quản lý hải quan nói riêng.
Trong năm 2014, Tổng cục Hải quan tham mưu trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành 04 Quyết định công bố thủ tục hành chính (Quyết định số 1011/QĐ-BTC ngày 15/5/2014; Quyết định số 1531/ QĐ-BTC ngày 03/7/2014; Quyết định số 1842/ QĐ-BTC ngày 30/7/2014; Quyết định số 2510/ QĐ-BTC ngày 30/9/2014) nhằm duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính. Tổng cục Hải quan phấn đấu cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khi tham gia thủ tục hành chính lĩnh vực hải quan. Cùng với đó, Tổng cục đã triển khai thành công thủ tục hải quan điện tử, hệ thống thông quan tự động một cửa quốc gia (VNACC/VCIS), Hệ thống quản lý mã vạch cho tờ khai hải quan.
Những cải cách này đã góp phần tạo thuận lợi cho thương mại. Nếu như trước kia, trong hồ sơ hải quan, doanh nghiệp phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ như: Tờ khai hải quan, tờ khai trị giá, hợp đồng, hóa đơn… thì nay chỉ cần một chứng từ duy nhất. Bên cạnh đó, Hệ thống quản lý mã vạch cho phép tự động xác định thuế suất từng mã số, từng dòng hàng nên hạn chế được sai sót trong quá trình nhập liệu, giảm tình trạng phụ thuộc vào văn bản, giấy tờ của cả DN và cán bộ hải quan.
Theo kết quả cuộc đo giải phóng hàng tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực I, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh do Tổng cục Hải quan và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tháng 10/2014 thì thời gian đăng ký tờ khai hải quan qua Hệ thống VNACCS/VCIS là 3 giây. Thời gian trung bình từ khi DN đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan/giải phóng hàng đối với hàng nhập khẩu chỉ còn 34 giờ, giảm 18% (năm 2013 là 42 giờ); thời gian trung bình từ khi DN đăng ký tờ khai đến khi quyết định thông quan với hàng hóa xuất khẩu là 6 giờ, giảm 58% (năm 2013 là 16 giờ).
Năm 2014, Tổng cục Hải quan đã thu NSNN đạt 244.994 tỷ đồng, bằng 109,37% dự toán năm 2014, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013; Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng số thu NSNN của ngành Hải quan đạt 124.946 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán 2015, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Hiện nay, thời gian tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin khai báo chỉ từ 1-3 giây. Với hàng luồng xanh (miễn kiểm tra hồ sơ giấy và thực tế hàng hóa), thời gian thông quan chỉ từ 1-3 giây. Cùng với đó, thời gian thực hiện giám sát với hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ còn vài phút thay vì hàng giờ như trước kia, giảm ách tắc hàng hóa tại cổng cảng… Bên cạnh đó, bước đột phá thông qua triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS là đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu thu nộp thuế với việc thực hiện thanh toán điện tử qua ngân hàng. Hệ thống VNACCS/VCIS tạo nền tảng để xây dựng thành công Cơ chế một cửa quốc gia, đem lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp khi triển khai đầy đủ cơ chế một cửa.
Ngoài ra, đối với các chương trình hiện đại hóa khác mà ngành Hải quan đã và đang tiếp tục thực hiện như: công nhận DN ưu tiên đặc biệt, năm Kiểm tra sau thông quan, sửa đổi Tuyên ngôn phục vụ khách hàng... đều được thực hiện gắn với những hình thức thi đua, xét khen thưởng đảm bảo ý nghĩa động viên, khích lệ tinh thần làm việc của cán bộ công chức. Đối với ngành Hải quan, đây là cơ hội để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, minh bạch hóa thủ tục hành chính, góp phần quan trọng hình thành chính phủ điện tử.
Đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách Nhà nước
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm Tổng cục Hải quan đều đề ra kế hoạch cụ thể, bám sát thực tế. Để thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh do Quốc hội giao trong điều kiện số thuế năm sau luôn cao hơn năm trước từ 12% - 25%, mức thuế suất của hàng hóa xuất nhập khẩu năm sau luôn thấp hơn năm trước do phải cắt giảm thuế theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, ASEAN, trong khuôn khổ các Hiệp định song phương khác, Tổng cục Hải quan đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, có hiệu quả cao. Nhờ vậy, số thu của ngành Hải quan vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng đều. Từ năm 2010 đến nay số thu luôn tăng so với chỉ tiêu được giao. Hoàn thành nhiệm vụ thu của ngành Hải quan đã góp phần không nhỏ vào kết quả của kế hoạch kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm và bình ổn kinh tế của Chính phủ.
Số thu nộp ngân sách của ngành Hải quan đã góp phần quan trọng, cân đối thu chi trong NSNN, đảm bảo lành mạnh nền tài chính quốc gia. Kết quả cụ thể như sau:
Năm 2011, số thu NSNN đạt 217.014 tỷ đồng;
Năm 2012, số thu NSNN đạt 197.480 tỷ đồng;
Năm 2013, số thu NSNN đạt 221.421 tỷ đồng;
Năm 2014, Tổng cục Hải quan đã thu NSNN đạt 244.994 tỷ đồng, bằng 109,37% dự toán năm 2014, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2013;
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng số thu NSNN của ngành Hải quan đạt 124.946 tỷ đồng, đạt 48,1% dự toán 2015, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người gác cửa biên giới trên mặt trận kinh tế
70 năm qua, trong bất kỳ giai đoạn nào, ngành Hải quan luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “người gác cửa biên giới trên mặt trận kinh tế”. Với lưu lượng hàng hoá xuất nhập khẩu, hành khách, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh tăng lên không ngừng, nhưng thủ tục hải quan luôn được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về phát triển nền kinh tế đất nước. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát hải quan và công tác điều tra chống buôn lậu, lực lượng Hải quan đã phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả hàng ngàn vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; các vụ giấu diếm, mang trái phép tài liệu phản động, văn hoá phẩm đồi trụy từ nước ngoài vào Việt Nam, hoặc mang trái phép tài liệu bí mật quốc gia, cổ vật... ra nước ngoài; các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma tuý qua đường hàng không, đường biển, qua biên giới đất liền, qua đường bưu điện; cũng như đã phát hiện, thu giữ, chuyển cho cơ quan Công an tiếp tục điều tra xử lý nhiều vụ nhập lậu vũ khí, tài liệu phản động, tiền giả với số lượng lớn. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận chống buôn lậu, lực lượng Hải quan đã đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn phá hoại về kinh tế của thế lực thù địch đối với nước ta.
Điển hình, năm 2010, ngành Hải quan đã phát hiện bắt giữ 05 vụ buôn bán vận chuyển trái phép động vật hoang dã, thu giữ 5.328,23 kg ngà voi, 1.778,3 kg tê tê; 19 vụ vận chuyển trái phép vũ khí, thu giữ 83 khẩu súng; 74 vụ ma túy, thu giữ trên 90 bánh herôin, 424,6 gram thuốc phiện, 12.107 viên ma túy tổng hợp và 250 viên thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Trong năm, Ngành đã phát hiện, bắt giữ được 12.502 vụ vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính hơn 418,308 tỷ đồng, đã xử lý 9.696 vụ, thu nộp ngân sách gần 64 tỷ đồng. Năm 2011, Tổng cục Hải quan đã bắt giữ được 19.485 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 639,580 tỷ đồng. Số đã xử lý, thu nộp ngân sách ước đạt 119 tỷ đồng. Năm 2012, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 24.164 vụ việc vi phạm (tăng 19% so với năm 2011), trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 378,789 tỷ đồng. Số đã xử lý, thu nộp ngân sách ước đạt 219,311 tỷ đồng (tăng 28% so với năm 2011)… Bên cạnh đó, toàn Ngành đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 869 vụ việc vi phạm liên quan đến vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tân dược có chứa thành phần gây nghiện, hướng thần. Tang vật gồm 51.669.5 gam heroin, 22.201,2 gam thuốc phiện, 29.3kg cần s), 19.995 viên ma túy tổng hợp, 54.537,8 gam ma túy đá, 50.287 viên, vỉ, lọ tân dược... Năm 2013, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 22.012 vụ việc vi phạm (trong đó có 677 vụ việc liên quan đến ma túy), trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 565,426 tỷ đồng (số vụ vi phạm giảm 9,2%, trị giá tăng 9,36% so với năm 2012). Số đã xử lý, thu nộp ngân sách đạt 148,827 tỷ đồng... Năm 2014, đã phát hiện, bắt giữ được 18.448 vụ (giảm 16,19% về số vụ so với cùng kỳ năm 2013), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 400 tỷ 976 triệu đồng (giảm 29,08% so với cùng kỳ năm 2013), thu nộp NSNN 134 tỷ 567 triệu đồng, khởi tố 25 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 59 vụ. Tang vật vi phạm chủ yếu: heroin (145 bánh; 31.689,4 gam); ma túy tổng hợp (38.169,3 gram; 44.772 viên); tiền chất: 36.975 gam; thuốc gây nghiện, hướng thần: 20.516 viên; ngà voi ( 1.522,6 kg; 157 khúc); vẩy tê tê: 1.471 kg; thuốc lá ngoại: 609.106 bao (gói)...
Trong 6 tháng đầu năm 2015 (tính từ 16/12/2014 đến 15/6/2015) Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 9.670 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 85 tỷ 82 triệu đồng; thu nộp NSNN đạt 76 tỷ 221 triệu đồng...
Thành tựu trên đã góp phần tích cực vào việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế; giữ gìn kỷ cương trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư, du lịch; bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng. Lực lượng Hải quan thực sự là một trong những công cụ hữu hiệu của bộ máy Nhà nước cùng các lực lượng chức năng khác bảo vệ vững chắc an ninh, chính trị, kinh tế, văn hoá, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Không ngừng đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế
Quán triệt đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ của Đảng và Nhà nước; nhận thức rõ vai trò, tính chất đặc thù của hoạt động hải quan luôn gắn liền với hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế, ngành Hải quan đã chủ động có những bước đi trong hội nhập khu vực và thế giới từ rất sớm.
Từ đầu những năm 1990 đến nay, Hải quan Việt Nam đã lần lượt ký kết các thoả thuận hợp tác và hỗ trợ nghiệp vụ với Hải quan các nước Pháp, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Ấn Độ, Đài Loan, Liên bang Nga và Hải quan các nước trong ASEAN. Đồng thời, tích cực tham gia vào hoạt động của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), hợp tác hải quan trong APEC, ASEAN, tổ chức thành công nhiều hội nghị hải quan khu vực tại Việt Nam. Thông qua các mối quan hệ hợp tác hải quan song phương và đa phương, Hải quan Việt Nam đã nhanh chóng hoà nhập vào cộng đồng Hải quan quốc tế, tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật, đào tạo cán bộ và tiếp cận với phương pháp quản lý hải quan hiện đại, góp phần đưa Hải quan Việt Nam tiến tới ngang tầm Hải quan các nước tiên tiến.
Trong 6 tháng đầu năm 2015 (tính từ 16/12/2014 đến 15/6/2015) Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 9.670 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 85 tỷ 82 triệu đồng, thu nộp NSNN đạt 76 tỷ 221 triệu đồng...
Thành tựu nổi bật trong giai đoạn 2006-2015 đã duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau với các nước trong khu vực và thế giới, tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho hoạt động hợp tác song phương và đa phương. Chỉ tính đến năm 2010, Hải quan Việt Nam đã ký kết 42 Điều ước đa phương với các tổ chức Hải quan quốc tế như WCO (10 Điều ước), WTO (12 Điều ước), trong khu vực (16 Điều ước) và các Điều ước đa phương khác (4 Điều ước), cùng các Điều ước song phương liên quan đến hoạt động Hải quan với nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan đã chủ trì đăng cai thành công nhiều hoạt động hợp tác song phương quan trọng và các sự kiện đa phương trong khuôn khổ APEC (Tiểu ban Thủ tục Hải quan SCCP 2006), trong khuôn khổ ASEAN (Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan năm 2004 và năm 2014), các cuộc họp khu vực của Tổ chức Hải quan Thế giới (Hội nghị lần thứ 25 của Văn phòng tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO A/P) tại Việt Nam năm 2013), Chủ trì Hội nghị Ủy ban Hợp tác Hải quan ASEAN tại Việt Nam năm 2014… Chính những thành tựu này đã tạo cơ hội cho Hải quan Việt Nam khẳng định quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời phát huy vai trò, tiếng nói của Hải quan Việt Nam tại các Diễn đàn Hải quan và các tổ chức Hải quan quốc tế như WCO, APEC, ASEAN, ASEM và GMC… Thông qua việc tích cực tham gia vào hoạt động hợp tác hải quan quốc tế này không chỉ thấy được vai trò quan trọng của Hải quan Việt Nam, mà mặt khác là cơ sở tốt để góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách, hiện đại Hải quan trong nước.
Tiếp tục xây dựng lực lượng hải quan trong sạch, vững mạnh
Trong những năm qua, ngành Hải quan đã không ngừng cải tiến, củng cố, kiện toàn bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ, ổn định tổ chức theo quy định của Chính phủ, của Bộ Tài chính. Tất cả các đơn vị hải quan đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kỷ cương, kỷ luật, ngăn chặn và chấm dứt tệ gây phiền hà, sách nhiễu trong cán bộ công chức Hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc và trực thuộc được rà soát để sắp xếp lại phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ mới và quy định của Luật Hải quan năm 2014 (có hiệu lực từ tháng 01/2015). Công tác quản lý cán bộ được nâng cao nhằm đảm bảo nguồn lực cán bộ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, kỷ cương, kỷ luật được chú trọng tăng cường góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị…
Với những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công chức trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành, hàng nghìn tập thể, cá nhân của ngành Hải quan đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Những kết quả đạt được cũng là nhờ Tổng cục Hải quan luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, sự phối hợp, giúp đỡ chặt chẽ, có hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các bộ, ngành, được sự đùm bọc và sự giúp đỡ, ủng hộ to lớn của nhân dân. Đó là những yếu tố vô cùng quan trọng, tạo niềm tin, sức mạnh cho đội ngũ cán bộ, nhân viên vượt qua khó khăn, gian khổ, anh dũng hy sinh, nỗ lực phấn đấu vươn lên, xây dựng ngành Hải quan lớn mạnh và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.