Hải quan tích cực triển khai chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp
Thời gian qua cơ quan Hải quan đã tích cực tham mưu, đề xuất, xây dựng trình Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành nhiều giải pháp để ứng phó với đại dịch COVID-19. Trong đó, hàng loạt cơ chế, chính sách liên quan đến miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch đã được cơ quan Hải quan chủ động tham mưu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành. Sự kịp thời đó đã được cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của cơ quan Hải quan đối với công tác phòng, chống dịch ở nước ta.
Chính sách hướng về doanh nghiệp, người dân
Đầu năm 2020 dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập và lây lan trong nước, tình hình khan hiếm về nguồn cung các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng đã xảy ra. Ngày 4/2/2020, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng theo thẩm quyền quy định tại điểm c khoản 1 Điều 28 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 197/TTg-KTTH đồng ý miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế, nước rửa tay sát trùng, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước sát trùng, các vật tư, thiết bị cần thiết khác phục vụ việc phòng, chống dịch, trong đó, giao Bộ Tài chính ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu.
Để nhanh chóng triển khai các giải pháp, chính sách thuế đối với mặt hàng này, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương phối hợp với các Bộ: Y tế, Công Thương, các cơ quan liên quan trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định 155/QĐ-BTC ngày 7/2/2020 về danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
Tiếp đó, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất bộ trang phục phòng chống dịch, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các Bộ: Y tế, Công Thương, các đơn vị liên quan trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định 436/QĐ-BTC ngày 27/3/2020 về việc bổ sung mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu tại danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra ban hành kèm theo Quyết định 155/QĐ-BTC.
Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2, cơ quan Hải quan đã báo cáo báo Bộ Tài chính trình Chính phủ về việc miễn thuế đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở và đã được Chính phủ ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 11/11/2020. Theo đó, ngày 18/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 2138/QĐ-BTC về việc ban hành danh mục linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở được miễn thuế nhập khẩu để phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Mới đây, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, nhu cầu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch một lần nữa lại đặt ra yêu cầu bức thiết. Trước tình hình đó, cơ quan Hải quan đã báo cáo, xây dựng và trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ quyết định hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.
Và ngay trong ngày cuối cùng của tháng 9, trên cơ sở đề xuất của cơ quan Hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1921/QĐ-BTC bổ sung mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu tại danh mục các mặt hàng được miễn thuế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 được ban hành kèm theo Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 7/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Để triển khai thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng phòng chống dịch cũng như linh kiện nhập khẩu để sản xuất máy thở, cơ quan Hải quan đã liên tiếp ban hành nhiều công văn hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện, niêm yết, thông báo công khai các thông tin ưu đãi này đến các doanh nghiệp trên địa bàn.
Với những tích cực trong đề xuất, xây dựng các chính sách hướng về doanh nghiệp, người dân, thống kê cho thấy, tính đến ngày 30/9, cơ quan Hải quan đã thực hiện miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu theo các Quyết định số 155/QĐ-BTC và Quyết định số 436/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính là 8,53 tỷ đồng; miễn thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất máy thở của Tập đoàn Vingroup (theo Quyết định số 1372/QĐ-TTg, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ) với tổng số tiền là 5,1 tỷ đồng; miễn thuế nhập khẩu đối với 170.600 áo choàng y tế trị giá khoảng 16 tỷ đồng của Công ty TNHH Hansae Việt Nam với số tiền thuế được miễn là 1,92 tỷ đồng; không thu thuế GTGT đối với lô hàng 2.000 máy thở với số tiền thuế là 18,4 tỷ đồng của Công ty TNHH Văn Lang Healthcare nhập khẩu tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế phục vụ phòng chống dịch.
Như vậy, tính đến hết ngày 30/9, triển khai các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan Hải quan đã thực hiện miễn 35,7 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu và không thu thuế GTGT đối với các mặt hàng khẩu trang y tế, nguyên liệu để sản xuất khẩu trang, nước rửa tay sát trùng, linh kiện sản xuất trang thiết bị phục vụ việc phòng chống dịch.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Cục Thuế Xuất nhập khẩu cho biết, nhằm nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP và Nghị quyết 106/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp thông quan nhanh hàng hóa và miễn thuế cho hàng hóa tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, cơ quan Hải quan đã kịp thời cụ thể hóa các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Theo đó, đối với hàng hóa viện trợ, biếu tặng, nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19 sẽ được áp dụng thủ tục hải quan theo Điều 50 Luật Hải quan.
Cụ thể, người khai hải quan được phép đề nghị chậm nộp bản chính giấy phép, kết quả kiểm tra chất lượng, giấy xác nhận viện trợ hàng hóa nhập khẩu và khai, nộp bổ sung bản chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu. Người khai hải quan được phép nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số của người khai hải quan đối với: bản chụp văn bản phê duyệt tiếp nhận; quyết định phê duyệt tiếp nhận hàng hóa viện trợ nước ngoài; bản dịch tiếng Việt có chứng thực văn bản thỏa thuận cho biếu tặng của tổ chức cá nhân nước ngoài cho biếu tặng tổ chức cá nhân Việt Nam.
Người khai hải quan được phép nộp bản scan có xác nhận bằng chữ ký số của doanh nghiệp đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan và khai, nộp bổ sung bản chính trong vòng 180 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu…