Hạn chế sai sót trong báo cáo tài chính của các công ty niêm yết

Hồng Hạnh

Tại Việt Nam, thực trạng sai sót báo cáo tài chính của công ty niêm yết còn lớn về cả số lượng công ty và quy mô sai sót. Điều này đặt ra vấn đề cần có những giải pháp phù hợp để hạn chế những sai sót này giúp người sử dụng báo cáo tài chính có thể đưa ra quyết định phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sai sót báo cáo tài chính (BCTC) là một chủ đề có tính thời sự trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị. Tính phổ biến của sai sót BCTC trên thế giới và ở nước ta đặt ra vấn đề cần tìm hiểu bản chất, nguyên nhân và hệ quả của sai sót.

Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm của công chúng, quản lý nhà nước và các bên có liên quan khác vì hành vi này xảy ra ở nhiều công ty với mức độ khác nhau làm ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của các bên có liên quan trên thị trường chứng khoán và cả trong đời sống xã hội.

Trong khi đó, thực trạng sai sót BCTC của các công ty niêm yết (CTNY) ở Việt Nam là rất lớn về cả số lượng, quy mô. Điều này đòi hỏi các nghiên cứu ở Việt Nam cần tập trung nhiều hơn vào chủ đề này để đưa ra các bằng chứng thuyết phục về hiện tượng, nguyên nhân sai sót; Qua đó, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nâng cao năng lực quản lý, giúp cho công chúng hiểu rõ hơn hiện tượng sai sót BCTC.

Thực tiễn cho thấy, số lượng thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) càng nhiều thì sai sót BCTC càng giảm. Số lượng thành viên HĐQT nhiều thì tập hợp được sức mạnh của nhiều người, tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát ban điều hành, từ đó làm giảm sai sót BCTC. Các CTNY tại Việt Nam cần duy trì số lượng thành viên HĐQT đủ lớn để đảm bảo việc kiểm tra, giám sát ban điều hành DNp nhằm đảm bảo chất lượng BCTC.

Các công ty có chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm giám đốc thì có sai sót BCTC nhiều hơn so với các công ty không có sự kiêm nhiệm. Vì vậy đối với các công ty đang có sự kiêm nhiệm Chủ tịch HĐQT và Giám đốc điều hành, cần tách biệt nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra sai sót BCTC.

Bên cạnh yếu tố số lượng thành viên HĐQT thì số lượng cuộc họp của HĐQT cũng ảnh hưởng đến sai sót BCTC của các CTNY tại Việt Nam. Số lượng cuộc họp của HĐQT càng nhiều thì sai sót BCTC càng ít, điều này chứng tỏ HĐQT thực hiện nghiêm túc và giám sát thường xuyên, liên tục việc điều hành của ban giám đốc.

Để hạn chế sai sót BCTC tại các CTNY cần tăng cường tính độc lập của thành viên HĐQT độc lập, các thành viên phải độc lập trong các mối quan hệ, nhất là độc lập về mặt kinh tế. Vấn đề này đã được khuyến nghị trong “Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho công ty đại chúng tại Việt Nam”.

Ngoài ra, thành viên của HĐQT độc lập cần được trao quyền lực nhiều hơn, thậm chí chủ tịch HĐQT là thành viên độc lập. Các thành viên độc lập phải có báo cáo đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình cho đại hội cổ đông thường niên. Đây là cơ sở để đại hội cổ đông quyết định về chế độ thù lao thành viên độc lập. Mặt khác, cần có quy định cho phép các cổ đông trực tiếp tiếp xúc với các thành viên độc lập, hoặc thiết lập mạng lưới cung cấp thông tin riêng để đảm bảo thu thập thông tin kịp thời, chính xác.

Mặc dù, các biến liên quan đến ban kiểm soát công ty đưa vào kiểm định trong nghiên cứu này không cho ý nghĩa thống kê vì có thể do dữ liệu nghiên cứu không đủ thuyết phục để chấp nhận các giả thuyết có liên quan, vì thực tế liên quan đến các biến này có thể khác xa với giá trị danh nghĩa (dữ liệu thu thập) do các công ty thực hiện mang tính đối phó với quy định có tính pháp lý. Tuy nhiên, vai trò của ban kiểm soát đối với HĐQT và ban giám đốc trong việc phát hiện, ngăn ngừa nhằm hạn chế sai sót BCTC là điều không thể phủ nhận.

Thực tế ở Việt Nam, hoạt động giám sát của ban kiểm soát đối với HĐQT, ban giám đốc còn khá hạn chế; quy trình kiểm tra, giám sát rủi ro của ban kiểm soát cũng chưa rõ ràng; hoạt động kiểm tra, giám sát của ban kiểm soát đối với HĐQT, ban giám đốc phần lớn mang tính thủ tục, hình thức. Do đó, để nâng cao vai trò giám sát của ban kiểm soát thì trong quy chế quản trị của các CTNY cần bổ sung các vấn đề sau:

- Ban kiểm soát giám sát HĐQT và ban giám đốc trong việc xây dựng các chiến lược phòng ngừa rủi ro thông qua việc xây dựng và cải tiến hệ thống kiểm soát nội bộ cũng như hệ thống kế toán. Kết quả cần được báo cáo tại đại hội cổ đông thường niên. Tại đại hội cổ đông thường niên phải xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của ban kiểm soát làm cơ sở để quyết định mức thù lao cho phù hợp.

- Xem xét và đánh giá phương pháp làm việc của kiểm toán nội bộ về những vấn đề liên quan đến tính hiện hữu và tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ, qua đó đề xuất biện pháp cải tiến hệ thống này nói riêng và hệ thống quản lý công ty nói chung.

- Giám sát mối quan hệ giữa kiểm toán viên (KTV) độc lập và ban điều hành và những người quản lý trong công ty nhằm đảm bảo tính độc lập của KTV.

- Trao quyền cho trưởng ban kiểm soát nhiều hơn. Trưởng ban kiểm soát phải có báo cáo đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình cho đại hội đồng cổ đông thường niên. Đây là cơ sở để đại hội đồng cổ đông đánh giá hiệu quả làm việc của Ban kiểm soát trong một nhiệm kỳ đại hội.

Mỗi CTNY tại Việt Nam nên thành lập một ủy ban kiểm toán. Nên chú trọng bản chất hơn hình thức, không chỉ thành lập cho có mà phải hoạt động để phát huy vai trò kiểm soát chất lượng BCTC, ngăn ngừa sai sót BCTC.

Trên thế giới CTNY phải thành lập ủy ban kiểm toán, trong đó các thành viên phải độc lập. Ủy ban kiểm toán phải yêu cầu KTV và công ty kiểm toán báo cáo các nội dung quan trọng phát hiện trong quá trình kiểm toán, các yếu kém trong hệ thống kiểm soát nội bộ liên quan đến việc lập và trình bày BCTC. Làm được điều này thì chất lượng BCTC của CTNY sẽ được nâng cao, sẽ giảm sai sót BCTC.

Việc thành lập Ủy ban kiểm toán và bảo đảm để ủy ban này có đủ nguồn lực và thẩm quyền được khuyến nghị tại Nguyên tắc số 4.1 trong Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất dành cho công ty đại chúng tại Việt Nam.

Ngoài ra, các CTNY cần có các giải pháp hiệu quả trong việc sử dụng dịch vụ kiểm toán độc lập và tăng cường chất lượng của nhân viên kế toán, cụ thể:

- Các CTNY nên xem xét kỹ lưỡng trong việc lựa chọn công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán BCTC. Việc chọn công ty kiểm toán nên quan tâm đến chất lượng dịch vụ hơn là phí kiểm toán. Ngoài ra, nên mời KTV tham gia trong đại hội cổ đông nhằm tăng cường vai trò của kiểm toán độc lập.

- Trong các nguyên nhân dẫn đến sai sót BCTC có nguyên nhân do sự yếu kém của kế toán viên. Vì vậy, các CTNY cần nâng cao năng lực của đội ngũ nhân viên kế toán để đáp ứng yêu cầu lập và trình bày BCTC phù hợp với chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành.

Để tăng cường vai trò và trách nhiệm của HĐQT, trước hết hoạt động giám sát của HĐQT phải bảo đảm hữu hiệu. Điều này bao hàm tất cả các khía cạnh quản lý của HĐQT, bao gồm cả tính độc lập và sự chú tâm của các thành viên HĐQT. HĐQT cũng thực hiện trách nhiệm của mình một cách độc lập trong việc bổ nhiệm, giám sát, thù lao, kiểm toán và ban kiểm toán nội bộ.