Sử dụng lãng phí tài sản công: Đã có “thuốc” đặc trị
Chính phủ đã họp và cho ý kiến đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) vào cuối tháng 6 vừa qua.
Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật báo cáo Chính phủ trình UBTVQH vào tháng 8 tới. Luật Quản lý, sử dụng TSC được coi là “liều thuốc” đặc trị “căn bệnh” trầm kha bấy lâu nay đó là sử dụng lãng phí, sai mục đích… trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (TSNN).
Quy định rõ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công
Cục Quản lý công sản (QLCS), Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở rà soát, kế thừa các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSNN năm 2008 và các luật có liên quan, dự thảo Luật Quản lý, sử dụng TSC có quy định 10 nhóm nguyên tắc để áp dụng thống nhất trong quản lý, sử dụng TSC. Trong đó, chú trọng tới việc giao quyền quản lý, quyền sử dụng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm xác định rõ chủ thể và gắn trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý, sử dụng TSC.
Đặc biệt với việc thực hiện quy định tại Luật Quản lý, sử dụng TSNN hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô và các tài sản khác có giá trị lớn trang bị phổ biến tại các cơ quan. Các bộ, cơ quan trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trong việc ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản chuyên dùng tại đơn vị thuộc mình quản lý. Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSNN, trừ tài sản thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan trung ương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tài chính, thực tế thời gian qua nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện việc quản lý, sử dụng TSC chưa tốt, nhất là tình trạng đầu tư xây dựng, mua sắm, sử dụng trụ sở làm việc, xe ô tô vượt tiêu chuẩn, định mức. Do đó, để dần tiến tới chuyên nghiệp hóa trong quản lý, sử dụng TSC, dự án Luật cũng bổ sung quy định về thực hiện quản lý TSC theo hình thức O&M (quản lý và kinh doanh). Theo đó, cơ quan nhà nước có thể tự thực hiện quản lý vận hành TSC được giao, sử dụng hoặc thuê đơn vị có chức năng thực hiện quản lý vận hành (điều khiển, duy trì hoạt động, bảo dưỡng thường xuyên TSC...).
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo việc sử dụng TSC vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho xã hội, vừa khai thác có kiểm soát nguồn lực tài sản này, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Luật theo hướng, quy định TSC được khai thác trong các trường hợp: Tài sản đó là quyền sở hữu trí tuệ, tần số vô tuyến điện, cơ sở dữ liệu và các tài sản khác được Nhà nước giao cho các cơ quan quản lý để khai thác; tài sản là nhà công vụ. Số tiền thu được từ việc khai thác TSC được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước....
Cơ sở pháp luật về cho thuê tài sản công
Nhằm đảm bảo sự kiểm soát của Nhà nước đối với việc sử dụng, khai thác tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập, dự án Luật quy định việc sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Tiền thu được từ các hoạt động này phải được quản lý, sử dụng theo cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý, sử dụng TSC khi ra đời sẽ tạo ra khung pháp lý và tạo cơ sở pháp luật để thay đổi tư duy liên quan đến TSC, từ việc hình thành cho đến quản lý và sử dụng nó.
Đồng quan điểm với Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, điểm đặc biệt nhất của dự án Luật là đã luật hóa được những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng TSC. “Ở đây, TSC không chỉ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mà nó còn phải đem lại hiệu quả kinh tế. Với cách tư duy này, TSC khi đưa vào khai thác, sử dụng sẽ phát huy được hiệu quả tốt nhất không chỉ cho bản thân đối tượng sử dụng mà còn làm tăng tiềm lực cho quốc gia”, ông Ánh nói.
Ông Ánh cũng đưa ra ví dụ, nếu một đơn vị không sử dụng hết công suất của TS thì có thể đem cho thuê, không phân biệt thành phần kinh tế. Việc cho thuê không chỉ phát huy hết hiệu quả và nâng cao giá trị của TSC mà quan trọng TSC đó còn đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Đây là hiệu quả 2 chiều giúp tiết kiệm ngân sách rất lớn.
Cũng theo ông Ánh một điểm đặc biệt nữa cho thấy sự tiến bộ của dự án Luật là, những việc vẫn làm trước đây (như cho thuê trụ sở làm việc, hay gần đây là việc mua sắm TSNN theo phương thức tập trung,...) hiện đã được luật hóa tạo cơ sở cho việc quản lý, khai thác TSC tốt hơn, tránh việc vẫn làm nhưng không có cơ sở pháp luật.